• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

13 điểm đỗ đại học: Sự luẩn quẩn của giáo dục

Giáo dục 14/08/2018 08:34

(Tổ Quốc) - Năm nào cũng vậy, mùa tuyển sinh đại học luôn là chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của mọi người, mọi nhà. Giáo dục nói chung , giáo dục đại học nói riêng luôn là vấn đề được người dân quan tâm hàng đầu. Giống như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi Quốc hội nhất trí lùi thời gian xem xét thông qua dự luật Giáo dục sửa đổi: “Đây là vấn đề lớn, tác động, ảnh hưởng đến từng nhà”…

Bất cập nối dài bất cập

Năm nào cũng vậy, mùa tuyển sinh đại học đến, không ít trường bắt đầu chạy đua trong các tác tuyển sinh để làm sao "thu hút" được nhiều sinh viên nhất có thể -   Ảnh Minh Khánh

Những ngày qua, nóng lên câu chuyện đại học vùng, đại học top dưới, rồi đại học địa phương đưa ra điểm xét tuyển vào các ngành học đại học hệ chính quy với phổ điểm chỉ từ 13 điểm. Nếu tính cả điểm cộng ưu tiên khu vực và đối tượng ở mức cao nhất theo quy định, thí sinh chỉ cần đạt từ 3,5 điểm/môn đã đỗ đại học…điều này thực sự khiến dư luận chú ý. Câu chuyện này giống như một làn gió làm thổi bùng lên ngọn lửa đang lẹm dần về những gian lận điểm thi tại các địa phương trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua.

13 điểm đỗ đại học, thành sinh viên, liệu có phải các trường đang cố “vét” thí sinh, cốt sao để đủ chỉ tiêu đào tạo của mình (tức đầu vào) còn để “mặc” cho đầu ra “muốn ra sao thì ra” ?

Về vấn đề này, thầy giáo Đặng Ngọc Khương (Giáo viên hệ thống giáo dục Học Mãi - Hà Nội) chia sẻ: Việc các trường đại học vùng – đại học top dưới năm nay lấy điểm đầu vào chỉ 13 điểm thì quả thực là cần phải lo lắng, bởi điểm thấp - không chuẩn đầu vào sẽ dẫn đến  nhiều hệ lụy mà chúng ta đều đang thấy rất rõ như chuyện sinh viên ra trường không có việc làm, sinh viên bằng giỏi, thủ khoa đi bán nước chè hay xót xa hơn là về chăn lợn…

Chưa cần bàn đến chất lượng đầu vào (điểm tuyển sinh) của các trường đại học. Chỉ bàn đến việc đào tạo ở bậc đại học hiện nay của chúng ta thôi, cũng đã có nhiều bất cập vì nặng lí thuyết, thiếu tính thực tiễn, giáo trình lạc hậu, không cập nhật xu hướng cũng như cách thức giáo dục của các nước…Vậy mà nay lại thêm chất lượng đầu vào thấp, chỉ 13 điểm đỗ đại học, thì những bất cập sẽ còn nối dài.

“4 năm ở bậc đại học (trong đó có gần 2 năm học đại cương) không đủ biến một sinh viên có chất lượng thấp đầu vào thành một sản phẩm hoàn thiện cho xã hội. Nhìn ở phạm vi rộng thì đây thực sự là bài toán khó của giáo dục, là một nghịch lí của xã hội. Sinh viên thất nghiệp, không có việc làm, làm trái ngành, phải đào tạo lại...nhưng vẫn đua nhau vào đại học và các trường vẫn tiếp tục hạ điểm chuẩn để có sinh viên theo học. Trong khi xã hội thiếu thợ lành nghề, thợ giỏi. Thời gian, chi phí đào tạo 1 sinh viên đại học lớn hơn gấp nhiều lần so với đào tạo 1 học sinh học trung cấp, cao đẳng nghề... Sự luẩn quẩn này cần được tháo gỡ bằng những chính sách có tính định hướng từ Chính phủ và các cơ quan ban ngành có liên quan”, thầy giáo Đặng Ngọc Khương nói.

Thầy Đặng Ngọc Khương - Ảnh nhân vận cung cấp

Đồng quan điểm khi cho rằng các trường đại học đang cố “vét” thí sinh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đại học, đồng thời đang đóng góp thêm vào “thành tích” thất nghiệp đáng báo động hiện nay của sinh viên ở nước ta. Thầy Nguyễn Văn Thắng  - Hiệu trưởng trường THCS Lam Sơn , Bắc Ninh cho rằng, thực trạng này đang thể hiện rõ quy luật cung cầu của đào tạo. Học sinh – gia đình có nhu cầu cho con em mình học đại học và các trường đại học thì đang nhiều và luôn có nhu cầu tuyển sinh. Tuy nhiên vấn đề nằm ở về sau, tức là đáp ứng nhân lực sau khi ra trường thế nào thôi. Rất đáng mừng là năm nay, các trường sư phạm đẩy cao điểm sàn hơn năm ngoái, nếu không ngay cả đến đào tạo người làm thầy cũng “không đủ trình độ” thì quả là đáng buồn.

Xã hội vẫn trọng bằng cấp

Chỉ cần 13 điểm là đỗ đại học, trở thành sinh viên và sau 4 năm ra trường nghiễm nhiên cầm trong tay tấm bằng cử nhân, kỹ sư…không chỉ khiến cho các chuyên gia giáo dục lo lắng, các thầy cô giáo e ngại mà còn khiến các bậc phụ huynh không khỏi mất ăn, mất ngủ.

Cho con vào đại học, dường như đã trở thành mục tiêu phấn đấu của tất cả các bậc làm cha, làm mẹ. Đó cũng là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng, nhưng học cái gì, học trường nào thì không phải bậc phụ huynh nào cũng nắm rõ để từ đó có sự định hướng phù hợp cho con em mình.

Bác Dương Văn Thời ( Quảng Phú, Lương Tài, Bắc Ninh) chia sẻ: Với những người nông dân như chúng tôi, thì chuyện các trường đại học lấy điểm cao hay thấp cũng không  biết như thế nào, tại sao lại thế. Ngay cả chuyện các cháu đăng ký theo học ngành nào, trường nào mình cũng không biết, toàn các cháu tự mò mẫm. “Chúng tôi cả đời chỉ quanh quẩn ở làng, trong xã, chỉ biết cố gắng làm để lo cho con cái ăn học. Ai cũng mong con học đại học rồi đi làm chứ như bố mẹ ở quê làm ruộng thì vất vả cả đời. Do vậy, các cháu báo là đỗ đại học trường này, trường kia thì chỉ biết vậy chứ có biết được trường đó như thế nào đâu”.

Chị Nguyễn Ngọc Hà (Công tác tại Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc), có con gái năm nay bước vào lớp 10 cho biết: Hiện nay, các trường đại học đang đào tạo tràn lan, đào tạo xong ra trường không làm được việc. Có đến 80% các sinh viên ra trường lại phải đào tạo lại mới có thể làm được việc. Rõ ràng chúng ta đang có tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, ai cũng biết nhưng tâm lý phải cho con vào đại học cũng khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng đồng thời làm gia tăng áp lực với xã hội.

“Các trường nói là đào tạo cho miền núi nên lấy điểm thấp. Điều này theo tôi chưa thực sự thuyết phục. Vì nếu đào tạo cho miền núi tức là ra trường các em trở thành cán bộ, phục vụ cho quê hương. Nhưng bản thân các em – người học, trình độ thấp thì liệu có đảm đương và làm tốt được công việc được giao sau khi ra trường? Cá nhân tôi cũng có con đã học đại học và một cháu đang học phổ thông nên phần nào hiểu được tâm lý của các phụ huynh. Ai cũng muốn cho con mình đi học đại học ,chứ không mấy người muốn con mình đi làm công nhân…Tuy nhiên, trong trường hợp cháu  không đủ trình độ, tức chỉ 13 điểm, tôi sẽ hướng cháu sang cái khác, vì cứ cố phải học đại học cho bằng bạn bằng bè thì trước là khổ mình, sau là khổ con… Đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời”, chị Hà chia sẻ ./.

 

Vi Phong

 

 

 

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ