• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

20 triệu đồng là số tiền bị phạt nếu "cố tình" không phân loại rác

Pháp luật 22/11/2018 14:31

(Tổ Quốc) - Mới đây, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định 44 quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 24/11 tới

 20 triệu đồng là số tiền bị phạt nếu cố tình không phân loại rác - Ảnh 1.

Phân loại rác thải sinh hoạt - Hình minh họa: Thúy Hồng

Quy định này nêu rõ: hộ gia đình, chủ nguồn thải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt trước khi chuyển cho đơn vị thu gom, vận chuyển.

Trường hợp hộ gia đình, chủ nguồn thải không chấp hành phân loại, chuyển giao không đúng nhóm chất thải theo quy định, sau khi đã được nhắc nhở nhiều lần (3 lần trở lên/tuần), tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom có trách nhiệm thông báo đến UBND phường - xã - thị trấn biết để xử lý theo quy định.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng.

Thành phố sẽ tổ chức thu gom riêng các chất thải theo lịch sau: Thu gom chất thải hữu cơ vào thứ 2, 4, 6 và chủ nhật; các chất thải còn lại vào thứ 3, 5, 7 trong tuần.

Hộ gia đình, chủ nguồn thải, cá nhân tự trang bị túi, thùng để phân loại, chứa chất thải; ký hợp đồng chuyển giao chất thải sau phân loại; trả chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và trả chi phí dịch vụ tăng thêm nếu có.

Cũng theo quy định này,  người dân được quyền giám sát phản ánh với chính quyền địa phương khi phát hiện các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện không đúng theo khung thời gian và tần suất quy định.

Trong khi đó, phía tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom được quyền từ chối chất thải của hộ gia đình, chủ nguồn thải khi thực hiện phân loại, chuyển giao chưa đúng theo quy định.

Được biết trong giai đoạn đầu, 2018-2020: hộ gia đình, chủ nguồn thải được hỗ trợ nhãn dán để dán trên nắp, thân thùng, số lượng cấp phát 4 nhãn dán/lần/hộ gia đình, chủ nguồn thải; tần suất 2 lần/năm.

Sau năm 2020: hộ gia đình, chủ nguồn thải không được hỗ trợ nhãn dán nhận biết./.


Hà Bắc (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ