4 sai lầm khi cho trẻ ăn trứng ảnh hưởng đến sức khỏe của con, nhiều cha mẹ không biết vẫn áp dụng

Hà Vũ | 22-02-2021 - 07:01 AM

(Tổ Quốc) - Trứng là loại thực phẩm rất dễ ăn lại giàu dinh dưỡng nhưng có một số cách ăn trứng có thể gây hại, đặc biệt là đối với sức khỏe trẻ nhỏ.

Trứng rất giàu đạm và chất dinh dưỡng, trẻ nhỏ lại thích ăn nên các cha mẹ thường xuyên cho trẻ ăn. Hầu như nhà nào cũng trữ rất nhiều trứng, chục quả là ít, nhất là những nhà có con nít và bà bầu. Nhiều nhà còn cho rằng trứng lành tính nên ăn bao nhiêu cũng không phải lo ngại. Có khi còn cho bé ăn 3-4 quả trong ngày. Nhưng sự thật thì cách cho trẻ ăn trứng thế này không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Mặc dù trứng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng nhưng có một số sai lầm khi cho trẻ ăn trứng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của bé, không phải cha mẹ nào cũng biết.

Sai lầm 1: Trứng kết hợp với sữa đậu nành

4 hiểu lầm khi ăn trứng phổ biến ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, nhiều cha mẹ không biết - Ảnh 1.

Không nên ăn trứng kết hợp với uống sữa hoặc sữa đậu nành cùng lúc (Ảnh minh họa).

Nhiều bà mẹ sáng ra cho con ăn trứng chiên với cốc sữa đậu nành để đủ chất hoặc cho con uống sữa sau khi ăn trứng. Nhưng theo các nhà dinh dưỡng, sữa đậu nành giàu protein thực vật, chất béo, carbohydrate, vitamin, khoáng chất… nhưng protein trong trứng có thể kết hợp với trypsin trong sữa đậu nành làm cho quá trình phân hủy protein bị cản trở, giảm tỷ lệ hấp thụ protein, còn có thể gây ức chế hoạt động của hệ tiêu hóa. 

Tương tự như vậy, cho trẻ ăn trứng cùng với uống sữa cũng không tốt cho hệ tiêu hóa. Nguyên nhân do trong sữa có đường lactose, loại đường này tiêu hóa dễ nhờ vào các men lactase ở màng ruột tiết ra. Trong trứng có nhiều protein, phân giải các axit amin. Khi ăn trứng và sữa cùng với nhau sẽ gây ra tình trạng khó tiêu do cơ thể không thể hấp thu được đường lactose trong sữa. Ở tình trạng nặng hơn uống sữa và ăn trứng cùng lúc có thể sôi bụng, tiêu chảy và đi ngoài phân chua.

Sai lầm 2: Kiêng ăn trứng khi trẻ ốm

4 sai lầm khi cho trẻ ăn trứng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, nhiều cha mẹ không biết vẫn áp dụng  - Ảnh 3.

Nhiều người cho rằng, khi trẻ ốm không được ăn trứng, bởi trứng khó tiêu và không tốt cho sức khỏe. Thực tế khi ốm trẻ cần bổ sung protein, nếu lúc này trẻ vẫn ăn được thì trứng là lựa chọn tốt. Không nên cho trẻ đang ốm ăn trứng chiên mà nên chọn một số món canh trứng, không chỉ bổ sung dinh dưỡng cần thiết mà còn giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn. Đồng thời, khi trẻ ốm, cần phải cho trẻ uống nhiều nước hơn. Những hậu quả có thể gây ra khi trẻ ăn trứng lúc đang ốm chỉ là do ăn quá nhiều và dồn dập hoặc trẻ bị dị ứng trứng mà thôi.

Sai lầm 3: Cho trẻ ăn càng nhiều trứng càng tốt

Mặc dù trứng rất giàu protein và chất dinh dưỡng, nhưng không thể ăn quá nhiều. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, vì trứng tốt nên muốn cho trẻ ăn nhiều để cơ thể được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhưng đây là suy nghĩ sai lầm. Bời vì trẻ đang trong thời kỳ phát triển thể chất, các cơ quan chưa phát triển hoàn thiện, đặc biệt là hệ tiêu hóa còn rất non yếu, ăn quá nhiều trứng sẽ khiến việc tiêu hóa rất khó khăn, gây khó tiêu, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ. 

Đối với trẻ bình thường, chỉ nên ăn 2 - 3 quả trứng mỗi tuần, vì cơ thể không hấp thụ được hết chất dinh dưỡng, sẽ gây lãng phí. Ngoài ra, trẻ cần bổ sung chất dinh dưỡng từ nhiều loại thực phẩm khác ngoài trứng.

Sai lầm 4: Để trứng luộc qua đêm

4 hiểu lầm khi ăn trứng phổ biến ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, nhiều cha mẹ không biết - Ảnh 3.

Không nên để trứng luộc qua đêm (Ảnh minh họa).

Thực tế không nên để bất cứ thức ăn gì qua đêm, kể cả trong điều kiện thời tiết mát mẻ và trứng không phải ngoại lệ. Khi để thực phẩm qua đêm, có thể nó không bị hỏng nhưng thức ăn để ngoài không khí quá 12 tiếng dễ bị vi khuẩn tấn công và mất đi dinh dưỡng. 

Ngoài ra, nhiều người còn luộc trứng chưa kĩ, cho trẻ ăn trứng lòng đào, khi ấy trứng luộc để qua đêm là môi trường thuận lợi để vi trùng, vi sinh vật sinh sôi nảy nở. Nếu để qua đêm, sáng hôm sau trẻ ăn vào dễ bị ngộ độc nặng hoặc gây hại cho dạ dày, đường ruột.

Khuyến cáo các bậc cha mẹ nên cho trẻ ăn trứng tươi, trứng mới luộc.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM