• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

40 năm sau chiến tranh biên giới phía Bắc- nhìn lại lịch sử để hướng tới tương lai

Thời sự 17/02/2019 08:37

(Tổ Quốc) - Nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 không phải kích động lại hận thù, khơi dậy những mất mát, đau thương của dân tộc. Mà để nhìn thẳng vào sự thật, xây dựng tinh thần cảnh giác trong bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh nào.

Trải qua hơn 80 năm sống dưới chế độ thực dân và hai cuộc chiến tranh giải phóng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dân tộc Việt Nam thấu hiểu sâu sắc và mong mỏi hơn hết về một đất nước hòa bình, thống nhất để hàn gắn vết thương chiến tranh, dựng xây và phát triển đất nước bị tàn phá tới kiệt quệ. Chưa tròn 4 năm đất nước thống nhất, kết thúc hai cuộc chiến tranh chống xâm lược nhưng tiếng súng vẫn chưa ngừng với đất nước ta. Tiếp sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo, quân và dân ta lại tiếp tục cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tháng 2 năm 1979.

40 năm sau chiến tranh biên giới phía Bắc- nhìn lại lịch sử để hướng tới tương lai - Ảnh 1.

Quân Trung Quốc phá hủy cơ sở vật chất ở các tỉnh biên giới

Ngay từ cuối năm 1978, Trung Quốc đã âm thầm lựa chọn, điều động lực lượng binh lực cùng số lượng lớn trang thiết bị vũ khí áp sát trên toàn tuyến biên giới với Việt Nam. Rạng sáng 17/2/1979, với chiến thuật biển người, Trung Quốc huy động 600.000 quân bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc lãnh thổ Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km. Trung Quốc huy động 28 sư đoàn bộ binh; 2 sư đoàn, 39 trung đoàn pháo binh; 7 trung đoàn và 1 tiểu đoàn xe tăng; 2 sư đoàn phòng không và nhiều trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh địa phương, biên phòng, dân binh, cùng với 550 xe tăng 2.500 khẩu pháo, tấn công vào biên giới Việt Nam.

Với lực lượng và quân số ít hơn đội quân Trung Quốc hàng chục lần, chủ yếu là bộ đội địa phương và lực lượng dân quân tại chỗ, nhưng quân và dân 6 tỉnh biên giới đã chiến đấu ngoan cường, anh dũng chặn đứng bước tiến của đội quân đông hơn gấp bội. Trải qua hơn 10 ngày chiến đấu, lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và nhân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã anh dũng đánh trả quyết liệt các đợt tiến công của quân Trung Quốc. Ta đã bẻ gãy nhiều mũi tiến công, tiêu diệt nhiều sinh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm chậm ý đồ đánh nhanh, chiếm nhanh các mục tiêu theo kế hoạch ban đầu, buộc quân Trung Quốc phải đưa lực lượng dự bị chiến lược hỗ trợ, cứu nguy cho lực lượng bị bao vây, cô lập ở Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai.

Trong các trận chiến đấu, mặc dù thương vong rất nhiều, song quân và dân ta vẫn không chùn bước, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ biên giới. Những trận chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng ở Pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn); Bát Xát, Mường Khương (Lào Cai); Trà Lĩnh, Trùng Khánh (Cao Bằng); Pò Hèn (Quảng Ninh), Vị Xuyên (Hà Giang)… khắc sâu ở tâm khảm chúng ta.

Sự đánh trả dũng mãnh, ý trí kiên cường, bất khuất bảo vệ biên giới của quân và dân ta đã gây thiệt hại nặng nề cho quân Trung Quốc. Quân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 đã lùi xa 40 năm, chúng ta gác lại quá khứ nhưng không lãng quên một phần của lịch sử. Nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 không phải kích động lại hận thù, khơi dậy những mất mát, đau thương của dân tộc. Mà để nhìn thẳng vào sự thật, xây dựng tinh thần cảnh giác trong bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh nào. Xây dựng đất nước, nhưng không được lãng quên nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới, bảo vệ lãnh thổ. Đồng thời, nhắc nhở cho thế giới rằng, dân tộc Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, luôn muốn hòa bình, không gây hận thù với ai, nhưng ai gây hấn cướp nước thì toàn dân tộc sẵn sàng đứng lên sẵn sàng đáp trả. Và đặc biệt hơn là công tác tuyên truyền, làm sao để người dân hiểu sâu sắc tình hình, không quên quá khứ nhưng không vì nó mà dẫn tới tâm lý kích động, chủ nghĩa dân tộc, tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng lôi kéo gây biểu tình, bạo loạn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ chung giữa hai nước.

Nhìn lại quá khứ, hướng tới tương lai, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc ngày nay đã được bình thường hóa, khôi phục và phát triển nhanh chóng. Hai nước đã thiết lập mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và chân thành mong muốn thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, ngày càng đi vào chiều sâu. Lịch sử cho thấy, việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước là hoàn toàn phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng của nhân dân hai nước, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới./.

ThS. Nguyễn Văn Cường

NỔI BẬT TRANG CHỦ