• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

5 vũ khí chiến thuật nguy hiểm của Ấn Độ khiến Trung Quốc lo sợ: Ác mộng với "kẻ gây hấn"

Thế giới 23/06/2020 13:15

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh Trung-Ấn có nguy cơ bùng nổ xung đột, một mối quan tâm lớn đang đổ dồn về việc những vũ khí nào sẽ đóng vai trò nòng cốt trong cuộc đấu giữa hai phía.

Là một trong những quốc gia có chi tiêu quân sự lớn nhất trên thế giới, đồng thời là nhà nhập khẩu vũ khí số 1 toàn cầu, Ấn Độ đã trang bị cho cả 3 quân chủng vũ trang của mình một kho vũ khí chiến thuật đáng gờm.

Nga từ lâu đã là nguồn cung cấp vũ khí chủ lực của Ấn Độ, từ tàu ngầm tấn công hạt nhân cho tới xe tăng chủ lực và máy bay chiến đấu. Quan hệ quốc phòng giữa hai phía đã trở nên gần gũi trong nhiều thập kỷ, cho phép lực lượng vũ trang Ấn Độ được tiếp cận với một số loại vũ khí độc đáo mà Nga không cung cấp cho các khách hàng khác.

Ấn Độ không chỉ mua các hệ thống vũ khí hàng đầu của Nga mà còn mua chúng với số lượng rất lớn, đưa họ trở thành quốc gia nước ngoài vận hành cả 3 hệ thống này với số lượng lớn nhất.

Trong bối cảnh cuộc đụng độ tại thung lũng Galwan gần đây làm dấy lên nguy cơ bùng nổ xung đột giữa Ấn Độ với Trung Quốc, một mối quan tâm lớn đang đổ dồn về việc những vũ khí nào sẽ đóng vai trò nòng cốt trong cuộc đấu giữa hai phía.

Theo tạp chí MW, dưới đây là 5 loại vũ khí chiến thuật đáng gờm của Ấn Độ, có thể khiến Trung Quốc phải lo sợ.

Tiêm kích Su-30MKI

Su-30MKI là xương sống của Không quân Ấn Độ với 250 chiếc trong biên chế và hàng chục chiếc khác đang được lên kế hoạch trang bị. Chúng đại diện cho các máy bay chiến đấu hạng nặng nhất và mạnh nhất trong kho vũ khí của Ấn Độ.

Su-30MKI có thể đảm nhiệm vai trò tấn công với tên lửa hành trình BrahMos, và vai trò ném bom với nhiều loại bom dẫn đường khác nhau, trong đó có bom nội địa của Ấn Độ và bom SPICE 2000 do Israel sản xuất.

5 vũ khí chiến thuật nguy hiểm của Ấn Độ khiến Trung Quốc lo sợ: Ác mộng với kẻ gây hấn - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-30MKI. Ảnh: MW

Cấu hình hai chỗ ngồi của máy bay cho phép bố trí một sĩ quan phụ trách các hệ thống vũ khí phía sau phi công. Su-30MKI được tán dương với năng lực tác chiến không-đối-không và có thể triển khai nhiều loại tên lửa chống máy bay, trong đó có "sát thủ diệt máy bay cảnh báo sớm" K-100 với tầm bắn 300-400km, các tên lửa R-77 và R-27ER với tầm bắn 110km và 130km, tên lửa Astra (do Nga-Ấn hợp tác chế tạo) với tầm bắn xấp xỉ 105km.

Su-30MKI có độ bền cao, tốc độ và trần bay cao, đồng thời trang bị radar cỡ lớn và mạnh mẽ, làm gia tăng khả năng nhận thức tình huống cho phi công. Nó được cho là đối thủ của J-11B – xương sống trong phi đội tiêm kích hạng nặng của Trung Quốc nhưng có lợi thế cơ động hơn ở tầm ngắn nhờ trang bị động cơ vector lực đẩy.

Năng lực của Su-30MKI khi đối đầu các mẫu tiêm kích tiên tiến hơn của Trung Quốc – như J-16 và J-20 – vẫn chưa rõ ràng, do các đợt triển khai máy bay mới của Trung Quốc cũng khiến Ấn Độ dấy lên nhu cầu mua các mẫu tiêm kích thế hệ mới tiên tiến hơn.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã thể hiện sự quan tâm đáng kể đối với kế hoạch mua sắm các tiêm kích Su-57 từ Nga, mẫu chiến đấu cơ này hứa hẹn sẽ giúp họ thu hẹp khoảng cách với các mẫu tiêm kích mới của Trung Quốc và bổ trợ cho phi đoàn Su-30 quy mô lớn của Ấn Độ.

Nga cũng đang chào mời Ấn Độ phiên bản nâng cấp của máy bay chiến đấu Su-30 sử dụng công nghệ của Su-35, trong đó có việc tích hợp động cơ AL-41 và radar Irbis-E.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula

Tàu ngầm tấn công hạt nhân ưu việt nhất của Liên Xô – lớp Akula – đã cho thấy những lợi thế trên các mặt trận truyền thống vốn là ưu thế của Nga, đồng thời thách thức ưu thế tàng hình của Mỹ khi có độ yên tĩnh chưa từng thấy.

Ấn Độ đã triển khai một chiếc tàu lớp này tên là INS Chakra. Mặc dù vẫn giữ nguyên kết cấu thân đặc trưng từ thời Liên Xô để mang lại khả năng sống sót vượt trội so với các tàu ngầm của Mỹ nhưng Chakra đã được tiếp cận với tên lửa hành trình Kalibr 3M-54E – nó được thiết kế để tấn công tàu chiến với quỹ đạo bay bám sát mặt biển ở tốc độ cao, khoảng Mach 3.

5 vũ khí chiến thuật nguy hiểm của Ấn Độ khiến Trung Quốc lo sợ: Ác mộng với kẻ gây hấn - Ảnh 2.

Tàu ngầm lớp Akula. Ảnh: MW

Với chi phí trên 3 triệu mỗi chiếc, INS Chakra nằm trong số những tàu ngầm đắt đỏ nhất trên thế giới và được đánh giá là đáng gờm nhất trong hạm đội tàu ngầm của Ấn Độ.

Thiết kế của Akula đã được hiện đại hóa đáng kể với vũ khí mới, các cảm biến cải tiến và công nghệ giảm tiếng ồn để tăng khả năng sống sót. Con tàu này là phương tiện chiến đấu đặc biệt giá trị với Ấn Độ khi xét tới năng lực chống ngầm còn tương đối yếu của Trung Quốc và Pakistan.

Hiện New Delhi đang cân nhắc thuê thêm 2 tàu ngầm lớp Akula từ Nga, điều đó hứa hẹn mang lại cho họ một trong những hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân đáng gờm nhất trên thế giới.

Tên lửa hành trình BrahMos

Do Nga-Ấn hợp tác phát triển và dựa trên tên lửa hành trình chống hạm P-800 của Nga, các phiên bản của tên lửa BrahMos hiện đang được Lục/Hải/Không quân Ấn Độ triển khai để thực hiện các nhiệm vụ chống tàu và tấn công chính xác.

Tên lửa BrahMos có khả năng đạt tốc độ Mach 3, hệ thống dẫn đường chính xác tiên tiến cho phép nó tấn công chuẩn xác các mục tiêu di động. BrahMos được cho là có thể "xẻ đôi" tàu chiến đối phương nhờ tốc độ đáng nể của nó. Tốc độ di chuyển này, kết hợp với tầm bắn xa và tải trọng đầu đạn lớn đã khiến BrahMos trở thành một loại vũ khí rất mạnh.

5 vũ khí chiến thuật nguy hiểm của Ấn Độ khiến Trung Quốc lo sợ: Ác mộng với kẻ gây hấn - Ảnh 3.

Tiêm kích Su-30MKI bắn tên lửa BrahMos. Ảnh: MW

Các biến thể hải quân của tên lửa BrahMos đã được cải tiến năng lực chống tàu tầm xa, mặc dù khả năng này của chúng vẫn còn tương đối thua kém so với tên lửa YJ-18 của Trung Quốc (tính năng tương tự nhưng tầm bắn xa hơn).

Trong khi đó, phiên bản dành cho lục quân (được triển khai từ xe phóng di động) đã chứng minh là một sự bổ trợ hiệu quả cho kho tên lửa đạn đạo chiến thuật của Ấn Độ.

Phiên bản mới nhất phóng từ trên không của BrahMos đã được Ấn Độ đưa vào biên chế cuối năm 2019 và kết hợp với mẫu chiến đấu cơ đáng gờm nhất, có tầm bắn xa nhất Su-30MKI. Mặc dù có tầm bắn ngắn hơn tên lửa SCALP trên các tiêm kích Rafale của Ấn Độ nhưng BrahMos khó đánh chặn hơn và có khả năng tấn công tàu chiến đáng tin cậy hơn so với SCALP.

Xe tăng T-90MS

Sau khi mua hơn 2.500 xe tăng T-72, Ấn Độ đã chuyển hướng sang các xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS. Mẫu xe tăng này được sản xuất theo giấy phép tại Ấn Độ và hiện đã có hơn 1.000 chiếc trong biên chế quốc gia Nam Á.

Hiệu quả tác chiến đáng thất vọng của xe tăng nội địa Arjun (chậm 10 năm so với dự kiến) và sự do dự của Lục quân Ấn Độ trong một số kế hoạch đã khiến T-90MS vẫn duy trì được tầm quan trọng trong quân đội Ấn Độ.

5 vũ khí chiến thuật nguy hiểm của Ấn Độ khiến Trung Quốc lo sợ: Ác mộng với kẻ gây hấn - Ảnh 4.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90. Ảnh: MW

Trong bối cảnh Trung Quốc đang tiếp tục cải tiến năng lực của xe tăng chủ lực Type 99A, có khả năng Ấn Độ sẽ nâng cấp T-90MS với một số công nghệ trên xe tăng thế hệ mới T-14 Armata.

Theo MW, các xe tăng tiên tiến nhất của Trung Quốc đủ khả năng đối đầu với T-90MS nhưng các xe tăng thế hệ cũ hơn – như Type 96 (chiếm số lượng đông đảo trong lực lượng tăng-thiết giáp Trung Quốc) – có thể sẽ gặp khó khăn do số lượng xe tăng áp đảo từ phía Ấn Độ.

Hệ thống phòng không S-400

Mặc dù Ấn Độ vẫn chưa nhận được tổ hợp S-400 đầu tiên nhưng cho tới nay, họ vẫn là khách hàng nước ngoài lớn nhất đối với hệ thống phòng không này của Nga.

5 vũ khí chiến thuật nguy hiểm của Ấn Độ khiến Trung Quốc lo sợ: Ác mộng với kẻ gây hấn - Ảnh 5.

Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: MW

S-400 và S-300V4 được xem là những hệ thống phòng không đa nhiệm mạnh nhất có trên thị trường xuất khẩu hiện nay. S-400 trang bị các radar liên kết mạnh mẽ, giúp tăng khả năng nhận thức tình huống. Nó không chỉ phát hiện được mà còn có thể khóa và theo dõi tiêm kích tàng hình, vốn là những mục tiêu khó nắm bắt hơn.

Trung Quốc chưa triển khai bất cứ tiêm kích tàng hình nào tại Bộ Tư lệnh chiến trường phía Tây (đối đầu Ấn Độ) nhưng có thông tin, toàn bộ phi đoàn J-20 của nước này đã được triển khai tại Bộ Tư lệnh phía đông (đối đầu Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ).

Trung Quốc đang nổi lên với tư cách là quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ tàng hình khi đầu tư đáng kể vào lĩnh vực này. Do đó, S-400 trở thành phương tiện chiến đấu rất có giá trị với Ấn Độ. Nó có thể tấn công máy bay cách xa 250km, và nếu được trang bị tên lửa 40N6E, cự ly này có thể tăng lên 400km.

Vy Lam

NỔI BẬT TRANG CHỦ