"Ác mộng" với Iran trong xung đột Armenia-Azerbaijan: Cú xoay chiều gây choáng

Vy Lam | 20-10-2020 - 12:18 PM

(Tổ Quốc) - Mặc dù không muốn lép vế trong cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan nhưng có một lý do khiến Iran không dám mạnh tay.

Cơn ác mộng tồi tệ nhất với Iran

Theo tờ Foreign Policy, cuộc xung đột Nagorno-Karabakh có thể tràn sang khu vực người thiểu số Azerbaijan tại Iran, thổi bùng lên cuộc chiến mà chính phủ Tehran không thể kiềm chế.

Cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan nổ ra vào một thời điểm "đặc biệt tồi tệ" đối với Iran. Trong nước, Tehran đang phải đối mặt với tình cảnh kinh tế vô cùng khó khăn do các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Còn ở ngoài nước, Tehran đang vướng chân vào một loạt các cuộc phiêu lưu địa-chính trị dang dở tại thế giới Ả Rập – từ Iraq cho tới Syria và xa hơn nữa – đây là những kế hoạch mà Iran đã dốc sức đầu tư đáng kể trong những năm gần đây.

Ác mộng kinh hoàng với Iran trong xung đột Armenia-Azerbaijan: Cú xoay chiều gây choáng - Ảnh 1.

Biểu tình tại tây bắc Iran để ủng hộ Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia tại Nagorno-Karabakh ngày 20/10. Ảnh: Asian Times/Facebook

Dù có thể Iran muốn chen chân vào cuộc xung đột ở Nam Caucasus – nơi họ từng đóng vai trò trung gian hòa giải trước đây nhưng khả năng để Tehran làm được điều đó lại xa vời hơn nhiều so với mức độ tiệm cận về mặt địa lý mà cuộc xung đột này mang lại.

Tệ hơn nữa, Tehran không được tận hưởng sự độc lập về ngoại giao mà nước này có được vào những năm 1990, đó là lần gần nhất cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan tại vùng lãnh thổ xung đột Nagorno-Karabakh bùng nổ với quy mô tương tự như cuộc xung đột hiện nay và khi ấy Tehran vẫn có thể tương tác hiệu quả giữa cả 2 phía.

Trong lần xung đột mới này, Iran đã chọn đứng sau lưng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây khi 3 bên này đang tìm cách định hình quỹ đạo cho cuộc xung đột. Tehran đang phải đối mặt với viễn cảnh cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan có thể tràn sang khu vực người thiểu số Azerbaijan tại Iran, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh trong nước của Iran.

Do đó, mặc dù không muốn lép vế trong cuộc xung đột này nhưng Tehran không dám mạnh tay.

Cú xoay chiều gây choáng

Sau khi cuộc đụng độ mới nhất nổ ra giữa người Armenia theo đạo Cơ Đốc và người Azerbaijan dòng Shiite theo đạo Hồi ngày 27/9, Tehran đã mất tới 3 ngày để tiếp nhận thực tế là cuộc xung đột mới đã khác so với các cuộc giao tranh trước đây.

Bất chấp đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn vào cuối cuộc chiến tranh 1988-1994, hai quốc gia láng giềng Armenia và Azerbaijan vẫn nổ ra nhiều cuộc giao tranh trong những năm sau đó, bao gồm cả cuộc xung đột mới diễn ra vào mùa hè năm nay.

Bước sang ngày thứ 4 của cuộc xung đột, Iran nhận ra rằng cái kết chóng vánh thường thấy trước đó lần này sẽ không xảy ra. Do vậy, Tehran đột ngột chuyển hướng chính sách đối ngoại, từ lập trường trung lập và hòa giải giữa Yerevan và Baku sang tuyến bố công khai rằng nước này sẽ đứng về phía Azerbaijan.

Ngày 1/10, các đại diện chính trị của Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei tại 4 tỉnh tây bắc [với dân số người Azerbaijan tương đối đông đảo] đã ra một tuyên bố chung nhằm ủng hộ Azerbaijan, trong đó nhấn mạnh: "Rõ ràng" khu vực ly khai Nagorno-Karabakh thuộc về Azerbaijan.

Ác mộng kinh hoàng với Iran trong xung đột Armenia-Azerbaijan: Cú xoay chiều gây choáng - Ảnh 2.

Làn sóng ủng hộ Azerbaijan ngày càng lớn tại Iran. Ảnh: Özkan AYDIN

Tuy nhiên, tuyên bố này lại tình cờ được đưa ra trong bối cảnh có nhiều báo cáo tiết lộ rằng Tehran đã mở cửa không phận để Nga đưa các chuyến hàng cung ứng quân sự sang Armenia. Các cuộc biểu tình đã nổ ra không chỉ tại tỉnh Đông Azerbaijan của Iran, mà còn ngay tại Tehran, với khẩu hiệu "Karabakh là của chúng tôi. Và nơi đó sẽ vẫn là của chúng tôi".

Thông tin Iran đóng vai trò trung gian để vận chuyển vũ khí sang Armenia trở thành một tin tức bùng nổ và Tehran phải nhanh chóng lên tiếng phủ nhận.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, và Ali Akbar Velayati – cố vấn cấp cao về chính sách đối ngoại cho ông Khamenei đều nhắc lại lập trường rằng, Armenia nên rời khỏi vùng lãnh thổ của Azerbaijan mà họ đã chiếm giữ kể từ năm 1994.

Táo bạo hơn, Hossein Nouri Hamedani – một thủ lĩnh của phái Hồi giáo Shia ủng hộ chính phủ ở Iran còn "đóng khung" cuộc xung đột này vào khuôn khổ tôn giáo: "Nagorno-Karabakh là một phần của thế giới Hồi giáo, nó nên được trả lại cho quốc gia Hồi giáo và cần được giải phóng".

Động lực thúc đẩy việc đứng hoàn toàn về phía Baku đã lớn tới mức Tehran thậm chí không cho phép mối quan hệ đối tác thân cận giữa Azerbaijan và Israel chen chân vào.

Azerbaijan, một trong bốn quốc gia đạo Hồi lớn trên thế giới (cùng với Iran, Iraq và Bahrain) cũng tình cờ có mối quan hệ hợp tác tình báo, quân sự và kinh tế thân thiết với Israel – đối thủ không đội trời chung với Tehran trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế này đã diễn ra suốt 2 thập kỷ và Iran đã phải học cách để thích nghi với nó.

Nói đơn giản thì Iran đang không ở trong một vị thế mà họ có thể hành động chống lại chính dân số người Azerbaijan của mình.

Khác với giai đoạn đầu những năm 1990, khi sự sụp đổ của Liên Xô mở ra không gian cho người Azerbaijan tại Iran kết nối lại với những người anh em đồng đạo ở phía bắc, cộng đồng người Azerbaijan tại Iran hiện nay đã ý thức được rõ rệt hơn thế đối kháng đằng sau cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan và ủng hộ Baku hơn.

Điều này đặt ra mối quan ngại nghiêm trọng cho Tehran. Suy cho cùng, Iran là một quốc gia đa sắc tộc và họ không được chuẩn bị đầy đủ để đối phó với một cuộc nổi dậy trong lòng các cộng đồng người thiểu số do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan.

Các cuộc xung đột định kỳ giữa các nhóm phiến quân sắc tộc đã trở thành một mảng hiện thực cuộc sống tại Iran. Ở phía đông nam, giáp ranh với Pakistan, nhóm thánh chiến Jaish al-Adl [được cho là có liên kết với Al-Qaeda] đang tiếp tục tấn công các lực lượng an ninh Iran. Trong khi đó, cuộc chiến chống Tehran cũng đang diễn ra tại khu vực của người Kurd ở phía tây Iran, ráp gianh với Iraq.

Theo Foreign Policy, mặc dù hơi cường điệu khi mô tả Iran như một thùng thuốc súng sẵn sàng nổ tung nhưng cũng sẽ sai lầm không kém nếu tuyên bố rằng, tình hình bất ổn tại các cộng đồng người thiểu số ở Iran không phải là động cơ dẫn tới sự xoay chiều đột ngột của Iran trong việc ủng hộ Baku.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM