Ấm tình người cửa hàng 0 đồng ngay trong bệnh viện nơi biên giới Quảng Bình

(Tổ Quốc) - Lần đầu tiên, một cửa hàng 0 đồng được mở ra ngay trong bệnh viện.

Tác giả bài viết:

BS Dương Minh Tuấn

Khoa Nội Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hoá (Quảng Bình).

Minh Hoá là huyện miền núi vùng cao nằm về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình. Phía Tây giáp Lào với 89 km đường biên giới. Toàn huyện có 15 xã và 1 thị trấn. Dân số trên 49 nghìn người, dân tộc Kinh chiếm đa số và các dân tộc ít người Bru - Vân Kiều, Chứt với 6.500 người, tập trung ở các xã biên giới.

"Cho tôi ra viện về thôi bác sĩ ơi. Chừ hết tiền ăn rồi!"

Người phụ nữ dân tộc Chứt khẩn nài chắp tay xin tôi. 

Trời thì lạnh mà người quấn được đúng tấm khố cùng áo mỏng được dệt tay theo truyền thống người Chứt của vùng núi phía Tây Quảng Bình. Thi thoảng tôi thấy mệ khẽ rùng mình mỗi khi có cơn gió lạnh lùa qua, hai tay vẫn chắp trước ngực xoa vào nhau xin tôi cho mệ về. Nhưng bệnh mệ chưa khỏi, người vẫn đau nhức, thở vẫn nhọc thế kia, tôi sao để mệ về được.

Cửa hàng 0 đồng trong bệnh viện biên giới Quảng Bình - Ảnh 1.

Đó chỉ là một trong rất nhiều cảnh đời tôi gặp từ ngày lên biên giới công tác. Trong thế giới của những người Rục (còn gọi là người Sách, người Mày, Xá Lá Vàng),... những dân tộc thiểu số còn rất ít người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, tôi không nghĩ họ cảm thấy cuộc sống của mình là khổ cực, là khó khăn.

Những ngày đi khám thiện nguyện trên các bản làng, tôi thấy họ hồn nhiên lắm, chân chất, sống như sông suối, như nắng gió cây rừng, ít bộn bề, chẳng lo toan. 

Nhưng trong thế giới của tôi, khi tôi nhìn về phía họ, tôi thấy mình thương đồng bào mình nhiều thế nào. 

Không thương sao được những con đường đất một bên là núi, một bên là vực suối dẫn vào các bản làng rất xa, nơi còn chưa có điện, chưa có nước sạch. Không thương sao được những ngày mưa lũ ngập qua đường, nhà có người qua đời mà phải chờ đến khi nước rút mới mang được đi chôn. Không thương sao được những đứa trẻ áo quần không có, chân đất chạy quanh, tay cầm củ rừng ăn cho qua bữa. Không thương sao được mỗi lần bệnh nặng cần chuyển viện, họ đều chắp tay xin về vì không có tiền để đi, không có gì để ăn...

Cửa hàng 0 đồng trong bệnh viện biên giới Quảng Bình - Ảnh 2.

Tôi xuống canteen bệnh viện, báo dì Lan:

- Mấy ngày mưa lũ này dì nấu cơm miễn phí cho các bệnh nhân trong viện nha dì, con xin các mạnh thường quân được chút tiền hỗ trợ.

Tôi nhờ dì nấu thật ngon, thay đổi món ăn hàng ngày, người bệnh họ cần đầy đủ dinh dưỡng, họ cần một bữa ăn thật nóng, thật thơm lành để xoa dịu. Mỗi hộp cơm khi ấy canteen phát về cho bệnh nhân đều là cả tâm tình của người nấu ăn gửi vào đấy chứ không phải là một hộp cơm miễn phí làm cho công nghiệp rồi phân phát như một lẽ ban ơn - tôi không muốn như vậy. 

Một miếng khi đói bằng một gói khi no, nhưng miếng ấy cũng phải là miếng ngon, mình ăn ngon được thì bệnh nhân cũng phải được ăn thật ngon chứ.

Ngoài trời, những cơn mưa vẫn xối xả mịt mùng phố núi.

Cửa hàng 0 đồng ngay trong bệnh viện

Cửa hàng 0 đồng trong bệnh viện biên giới Quảng Bình - Ảnh 3.

Hoàng Anh - Bí thư Chi đoàn Bệnh viện cùng các anh chị em trong Đoàn thanh niên đang khuân vác tủ với một số móc phơi quần áo qua một căn phòng mới. Mọi người chuẩn bị mở một tiệm quần áo cho bệnh nhân, người nhà và những gia đình hoàn cảnh khó khăn. 

Hoàng Anh là điều dưỡng nha khoa, BS Hằng là phó bí thư, bạn Linh quầy thuốc, bạn Ly khoa Dược, anh Cường khoa chống nhiễm khuẩn, bạn Hùng khoa Công nghệ thông tin… chi đoàn 30 người thì 20 người tham gia.

Cửa hàng 0 đồng trong bệnh viện biên giới Quảng Bình - Ảnh 4.

Tôi thấy lạ, chẳng phải lần đầu tiên một tiệm quần áo được mở ngay trong bệnh viện đó ư? Hàng nhập về từ đâu nhỉ? Mọi người sẽ bán như thế nào?

Ngày "tiệm" khai trương rồi cũng đến. Hai tấm biển rất to được treo lên, một tấm ghi "Shop không đồng" và tấm còn lại "Cửa hàng không đồng - Ai thiếu thì lấy - Ai thừa thì cho".

Đến khi ấy thì mọi câu hỏi của tôi đều đã có lời giải đáp.

Cửa hàng 0 đồng trong bệnh viện biên giới Quảng Bình - Ảnh 5.

Anh chị em mấy ngày qua chạy đi gom quần áo, giày dép, tất khăn,... cũ nhưng còn dùng được về, đem giặt phơi thật thơm tho, rồi phân loại ra từng khu một, đồ cho nam, cho nữ, đồ cho trẻ em. Nguồn áo quần từ những anh chị quê Minh Hóa nhưng đang sinh sống ở Hà Nội gửi vô. Áo quần được treo mắc lên gọn gàng, sạch sẽ để các vị "khách" dễ dàng lựa chọn. Cửa "tiệm" luôn rộng mở, đón chào tất cả mọi người đến "mua" hàng với mức giá 0 đồng.

Cửa hàng 0 đồng trong bệnh viện biên giới Quảng Bình - Ảnh 6.

Từ ngày Cửa hàng 0 đồng mở ra, bà con đến viện ghé vào nhộn nhịp. Không có quy định ngặt nghèo nào về số lượng, nhưng tuyệt nhiên mỗi người ghé qua đều chỉ mang về đúng một bộ quần áo, nhất là bà con dân tộc thiểu số, tiếng Kinh chưa sõi, cầm về lại chắp tay cảm ơn.

Bà con nói chỉ lấy một bộ thôi, còn thì để cho người khác nữa. Thời tiết mùa lũ và mùa đông gần nhau đều lạnh ẩm, bà con trước quen sống trong hang đá và trong các túp lều lợp lá ở rừng, mới được chính quyền vận động ra khoảng 5 năm trở lại đây nhưng nhiều gia đình theo thói quen vẫn về lại hang đá ở sống kiểu săn bắt hái lượm. Bà con vẫn mặc quần áo dân tộc theo văn hoá của mình nhưng rất thích có thêm quần áo ấm.

Cửa hàng 0 đồng trong bệnh viện biên giới Quảng Bình - Ảnh 7.

Tôi thấy niềm hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt mọi người mỗi khi lựa được một món đồ mình cần, một chiếc áo khoác ấm, một đôi tất, một cái quần cho trẻ nhỏ,... Và tôi cũng thấy hạnh phúc toát ra từ nụ cười của những anh chị em nơi bệnh viện đang thay nhau coi "cửa hàng" và tư vấn giúp bà con trên này. 

Những hình ảnh ấy thật dễ khiến ai ngang qua cũng đều cảm thấy ấm lòng. 

Vậy là từ nay tôi có thể nhắn những bệnh nhân khó khăn của mình ghé canteen nhận một phần cơm ngon, rồi qua Cửa hàng không đồng chọn lấy một bộ đồ ấm để họ không phải rùng mình mỗi khi gió về hay chắp tay xin từ bỏ điều trị chỉ vì không có gì để ăn.

Cửa hàng 0 đồng trong bệnh viện biên giới Quảng Bình - Ảnh 8.

Hoàng Anh thì chỉ nói mong sao cho bệnh nhân nghèo đến bệnh viện mình đều cảm thấy thoải mái như ở nhà.

Bệnh viện của chúng tôi, một bệnh viện huyện nơi biên giới còn nghèo và đầy khó khăn, nhưng chúng tôi chỉ mong tìm những phương án lâu dài nhất, tốt nhất cho bệnh nhân của mình. Những điều đang có, thật sự nhỏ bé thôi, nhưng tôi tin hạnh phúc và ý nghĩa của chúng rõ ràng đã được trả lời bằng những nụ cười mãn nguyện trên khuôn mặt của tất cả mọi người.

Hoàng Xuân

Tin mới