Ấn Độ lập rào cản ảnh hưởng tới iPhone và Xiaomi đến từ Trung Quốc

(Tổ Quốc) - Việc Ấn Độ kiểm soát chặt chẽ các giấy tờ chứng minh chất lượng đối với hàng điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc đã làm cho việc nhập khẩu mẫu iPhone mới của Apple tháng trước bị chậm lại, đồng thời cũng ảnh hưởng đến những sản phẩm khác do các công ty như Xiaomi sản xuất.

Các đơn gửi đến cơ quan quản lý chất lượng, Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS), thường được xử lý trong vòng 15 ngày, nhưng một số đơn hiện mất đến hai tháng hoặc lâu hơn mới được xử lý.

Từ tháng 8/2020, BIS bắt đầu trì hoãn việc phê duyệt nhập khẩu các thiết bị do Trung Quốc sản xuất như điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh và máy tính xách tay, một phần nguyên nhân là do mối quan hệ với Trung Quốc xấu đi sau cuộc đụng độ biên giới vào tháng 6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Kể từ sau cuộc đụng độ, Ấn Độ đã thắt chặt các quy định đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc và cấm hàng trăm ứng dụng di động của Trung Quốc, bao gồm cả sản phẩm của những gã khổng lồ về công nghệ như Tencent, Alibaba và ByteDance. Hôm 24/11, Ấn Độ đã đưa thêm 43 ứng dụng vào danh sách cấm.

Có nguồn tin cho biết, do quy định mới nên việc nhập khẩu iPhone 12 của Apple từ Trung Quốc vào Ấn Độ bị chậm trễ. Các giám đốc điều hành của Apple Ấn Độ đã kêu gọi BIS đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, và đảm bảo rằng công ty sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động lắp ráp tại Ấn Độ.

Hiện chưa rõ ứng dụng iPhone 12 sẽ bị trì hoãn trong bao lâu và Apple đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Apple có hoạt động lắp ráp ở Ấn Độ, nhưng các mẫu mới hơn và iPhone 12 được nhập khẩu từ Trung Quốc, nơi sản xuất phần lớn thiết bị của Apple.

Có nguồn tin cũng cho biết sự chậm trễ của BIS cũng ảnh hưởng đến việc nhập khẩu đồng hồ thông minh của các công ty bao gồm Xiaomi và Oppo.

Xiaomi và Oppo cũng chưa có bình luận gì.

Từ tháng 7/2020, Ấn Độ siết quy định đối với nhập khẩu TV bằng cách yêu cầu các nhà nhập khẩu phải có giấy phép  đặc biệt, một động thái mà một số nguồn tin cho rằng tiếp tục ảnh hưởng tới những công ty như Xiaomi và Samsung Electronics.

Đồng thời lúc đó, Hải quan Ấn Độ đang tiến hành triển khai kiểm tra thủ công trên toàn quốc đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khai báo giá thấp, đặc biệt là đối với hàng hóa có giá trị thấp. Hải quan Ấn Độ cho rằng hầu hết các thủ tục thông quan hàng hóa hiện nay đang được thực hiện tự động hóa. Chỉ có khoảng 20-30% các lô hàng được lựa chọn để kiểm tra thủ công. Hoạt động kiểm tra hiện nay chủ yếu nhằm vào hàng hóa có giá trị thấp và hàng hóa không có nhãn hiệu được khai báo giá thấp.

Tháng 8/2020, Chính phủ Ấn Độ cân nhắc tăng thuế suất nhập khẩu đối với khoảng 20 phân khúc sản phẩm bao gồm máy tính xách tay, máy ảnh, hàng dệt may, hàng nhôm; đồng thời, một số sản phẩm từ thép cũng có thể được đưa vào diện cấm nhập khẩu vào Ấn Độ. Theo quan chức Ấn Độ, đây không phải là hành động áp thuế dành riêng cho Trung Quốc, mà thực tế đây là hoạt động nhằm tăng số thu thuế do cơ quan Hải Quan thực hiện, tuy nhiên việc áp thuế sẽ tập trung chủ yếu vào một số sản phẩm nhập khẩu với số lượng lớn từ Trung Quốc.

Ngày 21/8/2020, Bộ Tài chính Ấn Độ ban hành Thông báo số 81/2020-Customs (N.T.) và Thông tư số 38/2020-Customs quy định về việc xác minh xuất xứ hàng hóa theo các Hiệp định thương mại mà Ấn Độ là thành viên. Các quy định này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày 21/9/2020.

Theo đó, cơ quan hải quan Ấn Độ có thẩm quyền yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp thông tin về xuất xứ của lô hàng bao gồm: tờ khai hải quan nhập khẩu, các chứng từ nhập khẩu, chi tiết các thông tin của Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), quy trình sản xuất hàng hóa...

Trường hợp nhà nhập khẩu không cung cấp được các thông tin, chứng từ nói trên, cơ quan hải quan Ấn Độ sẽ không cho hưởng thuế ưu đãi và tiến hành xác minh xuất xứ bắt buộc đối với tất cả các lô hàng từ cùng một nhà xuất khẩu cho đến khi đáp ứng yêu cầu xác minh từ hải quan Ấn Độ.

Dư luận Ấn Độ đánh giá cao quy định mới của Chính phủ với hy vọng sẽ ngăn chặn được hàng hóa Trung Quốc xâm nhập Ấn Độ thông qua nước thứ ba. Đồng thời cũng hi vọng giảm thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ với các nước có hiệp định thương mại song phương, nhất là ASEAN.

Theo số liệu thống kê, xuất khẩu của Ấn Độ sang các nước đối tác FTA hầu như không thay đổi, trong khi nhập khẩu lại tăng nhanh chóng, nhập siêu ngày càng mở rộng.

Đối với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), chênh lệch thương mại hàng hóa đã tăng từ 5 tỉ USD vào năm 2010 khi FTA ASEAN được thực thi, lên hơn 22 tỉ USD hiện nay.

Vị trí thặng dư thương mại hàng hóa của Ấn Độ với Việt Nam và Singapore đã thay đổi trong 3 đến 4 năm qua. Ngoài ra, khoảng cách thương mại cũng đã mở rộng với Malaysia, Thái Lan, Indonesia.

Tham khảo: Reuters

Vân Chi

Tin mới