• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn Độ thắng điểm ở Doklam nhờ không khuất phục trước áp lực lớn của Trung Quốc

Thế giới 02/09/2017 09:14

(Tổ Quốc) - Ấn Độ lựa chọn thời gian và địa điểm thích hợp đã kháng cự thành công mưu toan của Trung Quốc.  

Trong 3 năm qua, quân đội Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vùng đất do Ấn Độ quản lý và phá hủy nhiều công sự Ấn Độ xây dựng gần biên giới tranh chấp. Thông qua những hành động này, Trung Quốc tìm cách thử độ sẵn sàng phòng thủ và cách xử lý của Ấn Độ.

Trung Quốc mạnh mẽ tiến vào sân sau của Ấn Độ

Ngoài việc tăng cường quan hệ với Pakistan, Trung Quốc tích cực xâm nhập vào Nam Á. Vào tháng 7/2017, một doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc có được 70% cổ phần của cảng nước sâu Hambantota ở Sri Lanka. Colombo đã thỏa thuận với Trung Quốc trước sự phản đối của Ấn Độ bởi Colombo cần tiền trả nợ. Ấn Độ lo ngại trước việc hải quân Trung Quốc có thể tận dụng cảng biển của Sri Lanka vào hai mục đích: Mở rộng ảnh hưởng chính trị ở Sri Lanka; và giám sát hoạt động vận tải và hải quân Ấn Độ trong khu vực.

 Thủ tướng Ấn Độ Modi tuyên bố hôm 14/8: Ấn Độ sẽ chiến đấu chống lại sự đe dọa của ngoại bang.

Trung Quốc cũng đã thâm nhập vào Bangladesh và Nepal. Trong những năm gần đây, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Bangladesh. Trung  Quốc là nhà cung cấp chính vũ khí quân sự hạng nặng cho Bangladesh.  Năm 2016, Trung Quốc đã bán 2 tàu ngầm cho nước này. Tờ Dhaka Tribune cho biết, hai nước đã ký các thỏa thuận kinh tế và đầu tư trị giá tới 13,6 tỷ USD và Bắc Kinh hứa sẽ cung cấp cho Bangladesh khoản vay 20 tỷ USD. Chính phủ Bangladesh tích cực tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Bangladesh đã cố giữ quan hệ thăng bằng với Trung Quốc và Ấn Độ nhưng khó cưỡng lại sự hấp dẫn của các chương trình kinh tế từ phía Trung Quốc.

Đối với Nepal, sự vụng về của Ấn Độ trong việc ủng hộ điều chỉnh hiến pháp Nepal năm 2015 trên danh nghĩa người Madhesis - một dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, đã mở đường cho Trung Quốc thâm nhập vào nước này. Do Ấn Độ ủng hộ ngầm cấm vận nhiên liệu đối với Nepal, Bắc Kinh nhanh chóng hỗ trợ Nepal. Ngoại giao vụng về của Ấn Độ đã để Bắc Kinh làm đảo lộn vị thế của New Delhi ở Nepal.

Tại sao Trung Quốc khởi công xây dựng đường vào thời điểm này? Là để giành lợi thế tại cao điểm chiến lược Doklam; đồng thời cũng nhằm tác động vào nội bộ Bhutan – một đồng minh của Ấn Độ. Nhưng Bắc Kinh cũng không ngờ New Delhi lại phản ứng một cách cứng rắn khác thường.

 Trung Quốc đe dọa và tăng sức ép nặng nề đối với Ấn Độ trong thời gian 70 ngày đối đầu ở Doklam.

Ấn Độ kháng cự Trung Quốc: Không chùn bước trước đe dọa

Vài thập kỷ qua, giới lãnh đạo Trung Quốc đã ngạc nhiên khi chứng kiến sự phát triển sức mạnh kinh tế và quân sự của Ấn Độ. Mặc dù họ thường đánh giá thấp triển vọng Ấn Độ trỗi dậy ở châu Á, nhưng lãnh đạo Trung Quốc nhận ra Ấn Độ là quốc gia châu Á duy nhất có tiềm năng vật chất thách thức mưu đồ thống trị khu vực của Bắc Kinh. Khi Ấn Độ tìm cách vượt ra ngoài phạm vi láng giềng gần kề bằng cách mở rộng hiện diện hải quân ở Ấn Độ Dương, hỗ trợ nhân đạo đối với các nước gặp khó khăn trong khu vực, tham gia chống cướp biển ở khu vực Sừng châu Phi, Trung Quốc đã tìm cách kiềm chế Ấn Độ trong phạm vi Nam Á và làm giảm ảnh hưởng của Ấn Độ ở vòng cung Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Vòng cung Ấn -Thái).

Sự cạnh tranh ảnh hưởng ở Nam Á là một số lý do tại sao Ấn Độ muốn thể hiện cách xử lý đối với cuộc đụng độ ở Doklam một cách cứng rắn và đề ra chiến lược sắc bén hơn để xử lý quan hệ với các nước láng giềng nhỏ hơn. Ngoài ra, Ấn Độ đẩy nhanh việc triển khai một lữ đoàn tác chiến miền núi, thúc đẩy xây dựng các tuyến đường gần biên giới và nhanh chóng triển khai các khẩu đội tên lửa tầm ngắn ở biên giới phía bắc, đặc biệt là ở các bang Assam và Meghalaya, có thể ở cả Arunachal Pradesh mà cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.

 Ấn Độ cần cảnh giác trước các nỗ lực của Trung Quốc phá hoại quan hệ với nước láng giềng nhỏ 70 vạn dân trên đỉnh Himalayas.

Ấn Độ đã khôn khéo chọn vị trí và thời điểm để thực hiện một sự kháng cự tượng trưng đối với sức mạnh của Trung Quốc: Trước hết, tại xung quanh Doklam, Ấn Độ có ưu thế về binh lực so với Trung Quốc; hai là, Ấn Độ ngày 18/6 đưa khoảng 1 tiểu đoàn đặc nhiệm vào vùng tranh chấp chỉ 2 ngày sau khi Trung Quốc triển khai xây dựng con đường là có tính toán khớp với thời điểm  Hội nghị cấp cao BRIC tại Trung Quốc ngày 3-4/9 - Trung Quốc không thể dùng quân sự giải quyết vấn đề vì nếu xẩy ra xung đột vũ trang, Thủ tướng Modi sẽ vắng mặt tại Hội nghị gồm 5 nưuớc thành viên; ba là, Trung Quốc sắp tiến hành Đại hội Đảng 19; cuộc đấu tranh nội bộ khá gay gắt (ngày 24/7 hạ bệ Tôn Chính Tài). Tập Cận Bình không muốn có một cuộc xung đột vũ trang với láng giềng vào thời điểm này, gây tác động tiêu cực đối với hình ảnh ông Tập và tổn hại tới chính sách láng giềng – là một chính sách lớn thể hiện thành tích đối ngoại của chính quyền Tập Cận Bình.

Việc Ấn Độ kiên trì bám trụ trên thực địa và kiên trì tìm giải pháp ngoại giao để giữ thể diện cho Trung Quốc đã mang lại kết quả là hai bên cùng rút quân như Ấn Độ đề xuất từ đầu. Hai bên đã tỏ ra kiểm chế. Binh sĩ chỉ dùng nắm đấm và ném đá, thay vì nổ súng.

Cuộc đối đầu cục bộ kết thúc một cách hòa bình mang lại cho Ấn Độ một kết quả có ý nghĩa lâu dài. Tuy nhiên, vấn đề biên giới sẽ còn phức tạp. Trung Quốc có thể lại “nắn gân” Ấn Độ và gây bất ổn cho quan hệ Ấn Độ-Bhutan./.

 

Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ