• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ẩn tình gì sau “tâm thư” dập tắt thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Thế giới 25/05/2018 06:31

(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ đơn phương tuyên bố huỷ cuộc gặp gỡ giữa mình và nhà lãnh đạo Triều Tiên qua một bức thư.

Hôm thứ Năm (24/5), Tổng thống Donald Trump đã huỷ bỏ cuộc gặp gỡ thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore. Ông Trump đã thông báo quyết định của mình trong một lá thư gửi tới ông Kim.

Reuters dẫn lời nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, lời bình luận của một quan chức Triều Tiên gọi Phó Tổng thống Mike Pence là “một bù nhìn chính trị” đã trở thành “giọt nước tràn ly” khiến hội nghị thượng đỉnh bị huỷ bỏ.

“Đáng tiếc là, do sự tức giận và thù địch rõ ràng thể hiện trong tuyên bố gần đây nhất của ngài, tôi cảm thấy tại thời điểm hiện tại, sẽ không thích hợp để có cuộc gặp gỡ đã được chuẩn bị từ lâu này,” ông Trump viết trong thư. “Hãy để lá thư này xác nhận rằng, hội nghị thượng đỉnh Singapore, cho dù không chỉ vì lợi ích hai bên, mà còn tránh tổn hại cho cả thế giới, sẽ không diễn ra”. 

Người đứng đầu nước Mỹ nhắc đến “một cơ hội đã bị bỏ lỡ” và cho biết, ông vẫn hy vọng được gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên vào một ngày khác.

Trước đó, cũng trong ngày 24/5, Triều Tiên một lần nữa nhắc lại lời đe doạ rút khỏi hội nghị Mỹ - Triều; đồng thời cảnh báo, họ đã chuẩn bị cho một màn trình diễn hạt nhân cuối dành cho Washington nếu cần thiết.

Trong một thông cáo tại Nhà Trắng, ông Trump nói, mình vẫn để ngỏ khả năng đối thoại, tuy nhiên, ông cũng đã thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, và nhắc nhở Triều Tiên về bất kỳ “hành động thiếu suy nghĩ” nào. Ông Trump khẳng định, quân đội Mỹ có sức mạnh lớn nhất trên thế giới và luôn ở trạng thái sẵn sàng.

Căng thẳng không ngừng leo thang

Tham vọng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là một trong những ngọn nguồn chính, dẫn đến những căng thẳng đã kéo dài hàng thập kỷ trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, nguy cơ leo thang xung đột dẫn tới chiến tranh xuất hiện từ năm ngoái, sau khi Triều Tiên tiến hành thử bom-H và phát triển loại tên lửa đạn đạo có thể tấn công tới Mỹ.

Lá thư của ông Trump gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên, cũng đề cập đến khả năng chiến tranh: “Các anh nói về năng lực hạt nhân của mình, nhưng năng lượng hạt nhân của chúng tôi to lớn và mạnh mẽ đến nỗi, tôi cầu nguyện rằng, nó sẽ không bao giờ được đem ra sử dụng”.

Lời nhận xét về Phó Tổng thống Pence khiến Nhà Trắng tức giận xuất hiện trong một thông cáo do truyền thông Triều Tiên công bố, và được cho là phát ngôn bởi Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui.

“Việc Mỹ sẽ gặp chúng tôi trong phòng họp hay đối mặt với chúng tôi tại màn trình diễn hạt nhân, hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định và cách hành xử của Mỹ”, bà Choe tuyên bố.

Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ, các kênh liên lạc hậu đài về đàm phán với Triều Tiên sẽ được duy trì. Ngoài ra, vẫn còn cơ hội cho hoà bình, nhưng trước tiên, Bình Nhưỡng phải thay đổi giọng điệu của mình.

Cuộc gặp lịch sử được mong đợi giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ không diễn ra

Hàn Quốc ngạc nhiên và bị động?

Phủ Tổng thống Hàn Quốc tỏ ra khá bất ngờ trước lá thư của ông Trump. Một quan chức nước này cho biết, họ vẫn “đang cố gắng hiểu xem chính xác Tổng thống Trump có ý gì”.

Hôm thứ Ba (22/5), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp gỡ ông Trump tại Nhà Trắng, nhằm thuyết phục Mỹ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh và không bỏ lỡ cơ hội hối hiếm hoi này.

Chỉ vài giờ trước khi ông Trump tuyên bố quyết định huỷ họp, một nhóm các nhà báo quốc tế do Triều Tiên lựa chọn, đã tận mắt chứng kiến quá trình phá bỏ các đường hầm tại khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri. Bình Nhưỡng coi đây là một bằng chứng cho cam kết của mình với việc kết thúc hoạt động thử nghiệm hạt nhân.

Thượng Nghị sỹ Bob Menendez, một thành viên Đảng Dân chủ trong Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Mỹ nhận định, ông không có cảm giác rằng  chính quyền đã chuẩn bị đầy đủ cho một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công. Ông cũng nhận xét, những phát biểu gần đây của các quan chức cấp cao không phù hợp trong thời điểm trước khi một cuộc gặp gỡ diễn ra.

“Tôi không chắc việc liên tục viện dẫn hình mẫu Libya là một phương thức ngoại giao thích hợp để có được kết quả mà chúng ta mong chờ từ Triều Tiên,” ông Menendez nói trước một buổi điều trần của Uỷ ban, có cả sự tham gia của Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Áp lực trừng phạt lên Triều Tiên

Tổng thống Trump cũng cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục chiến dịch trừng phạt gây sức ép tối đa, nhằm khiến Triều Tiên phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.

“Triều Tiên có cơ hội để kết thúc hàng thập kỷ đói nghèo và bị áp bức, bằng cách đi theo con đường phi hạt nhân hoá và tham gia cộng đồng quốc tế,” ông Trump nói. “Tôi hy vọng ông Kim Jong-un sẽ làm những điều đúng đắn không chỉ cho ông ấy, mà quan trọng nhất là cho chính người dân Triều Tiên…”

Phản ứng của thị trường

Chứng khoán Mỹ đã sụt giảm mạnh sau tin tức hội nghị tại Singapore bị huỷ bỏ, với chỉ số S&P 500 giảm hơn 0,5% chỉ trong 10 phút. Đồng USD cũng trở nên yếu hơn, đặc biệt là so với đồng Yên.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu của các công ty quốc phòng lại nhận được “cú huých”. Chỉ số NYSE Arca Defense tăng lên thêm 1%, gần đạt mức cao kỷ lục. Đứng đầu với mức tăng 3% là nhà sản xuất máy bay không người lái quân sự AeroVironment Inc. Cổ phiếu của các nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ như Raytheon Co, Lockheed Martin Corp, General Dynamics Corp and Northrop Grumman Corp… - đều gia tăng giá trị. 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ