• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Argentina vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử

Thời sự 23/05/2020 08:12

(Tổ Quốc) - "Tôi đọc báo thấy họ nói rằng chúng ta đang gặp rủi ro vỡ nợ vào ngày 22/5 và tự hỏi sao họ có thể bịa chuyện như vậy. Thực tế là chúng ta đã vỡ nợ trong nhiều tháng nay rồi, thậm chí là mất khả năng thanh toán từ trước tháng 12/2019. Vậy nhưng báo chỉ chẳng nêu rõ điều đó", Tổng thống Fernandez thừa nhận.

Kể từ khi bước sang thế kỷ 21, nền kinh tế Argentina luôn ngập trong những cuộc khủng hoảng nợ. Với tình hình dịch Covid-19 diễn ra như hiện nay, quốc gia này đang phải đối mặt với lần vỡ bợ thứ 3 trong 20 năm qua và lần thứ 9 trong lịch sử, qua đó kéo toàn bộ người dân vào một cuộc khủng hoảng mới.

Vào tối ngày 21/5, công cuộc đàm phán tái cấu trúc nợ của chính phủ Argentina với các chủ nợ đã bị hoãn dù hạn chót thanh toán là vào ngày 22/5. Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng vỡ nợ của nước này là rất cao nếu không muốn nói là nền kinh tế trên thực tế đã không còn khả năng chi trả những khoản tín dụng bằng ngoại tệ do sự tàn phá của dịch Covid-19.

Chính phủ Argentina cho biết họ sẽ đàm phán tiếp với các chủ nợ sau ngày 22/5 nhưng rủi ro vỡ nợ là khá cao. Trong khi phía chủ nợ chỉ trích Bộ trưởng kinh tế Argentina Martin Guzman là quá cứng rắn thì chính phủ nước này cũng phàn nàn những chủ nợ của họ hành xử kiêu ngạo.

Argentina vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử - Ảnh 1.

Top 10 nền kinh tế vỡ nợ nhiều nhất thế giới

Hiện những người nắm giữ trái phiếu của Argentina cho biết cuộc đàm phán đang lâm vào bế tắc.

"Chúng tôi vẫn không rõ ý tưởng thực tế mà chính phủ Argentina đang nghĩ là gì trong khi kỳ hạn chót thanh toán đang đến gần", một chủ nợ trong nhóm của BlackRock cho biết.

Vào ngày 22/5, nếu Argentina không thanh toán được khoản nợ 500 triệu USD trái phiếu hoặc đàm phán được hợp đồng mới để đảo nợ, nước này sẽ chính thức vỡ nợ kỹ thuật lần thứ 9 trong lịch sử.

Bất chấp những lo lắng của các chuyên gia, chủ nợ và người dân, Tổng thống Alberto Fernandez tuyên bố nước này trên thực tế đã vỡ nợ nhiều tháng nay và việc có thanh toán được khoản nợ 500 triệu USD trên hay không chẳng thay đổi được gì.

"Tôi đọc báo thấy họ nói rằng chúng ta đang gặp rủi ro vỡ nợ vào ngày 22/5 và tự hỏi sao họ có thể bịa chuyện như vậy. Thực tế là chúng ta đã vỡ nợ trong nhiều tháng nay rồi, thậm chí là mất khả năng thanh toán từ trước tháng 12/2019. Vậy nhưng báo chỉ chẳng nêu rõ điều đó", Tổng thống Fernandez thừa nhận.

Chính quyền của Tổng thống Fernandez đang cố gắng đàm phán với các chủ nợ để vay thêm 65 tỷ USD, qua đó thanh toán những khoản nợ cũ và có tiền thúc đẩy kinh tế vốn đang ảnh hưởng vì dịch Covid-19.

Vua nợ

Argentina là một trong những nền kinh tế lớn nhất Châu Mỹ Latinh. Thế nhưng quốc gia này lại có một lịch sử nợ nần chẳng mấy đẹp đẽ. Quốc gia này vỡ nợ lần đầu tiên vào năm 1827, chỉ 10 năm sau khi giành độc lập từ Tây Ban Nha. Trong suốt nhiều năm sau đó, nước này liên tục vỡ nợ vài lần do nền kinh tế yếu kém.

Nếu những lần vỡ nợ trước trong lịch sử của Argentina có thể dự đoán trước từ các yếu tố kinh tế cơ bản thì lần này, dịch Covid-19 lại khiến chính phủ nước này trở tay không kịp.

Argentina vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử - Ảnh 2.

Trên thực tế các cuộc đàm phán đảo nợ đã được Argentina tiến hành từ năm 2019 khi nền kinh tế có dấu hiệu vỡ nợ lần nữa. Thế nhưng dịch Covid-19 lại khiến nước này hoàn toàn ở vào thế xấu cũng như làm các chủ nợ mất niềm tin.

Trái phiếu bằng ngoại tệ vốn là công cụ vay nợ khá phổ biến trên thế giới khi các quốc gia vay tiền từ nhà đầu tư quốc tế. Vấn đề là nhiều nền kinh tế chi nhiều hơn thu và mất khả năng thanh toán. Hầu hết mọi quốc gia đều có kiểu vay nợ như vậy để nhằm tiếp cận nguồn vốn quốc tế đầu tư cho nền kinh tế.

Vấn đề hiện nay của Argentina là nền kinh tế của họ quá tệ và các chủ nợ đều hiểu rằng họ buộc phải trợ giúp nước này gượng dậy mới có thể thu hồi vốn. Việc ép buộc trả nợ sẽ chỉ mang tính chất tạo sức ép cải cách kinh tế hoặc tìm kiếm thêm ưu thế cho các khoản nợ mới.

Với những khoản nợ quốc tế như trên, các chủ nợ nước ngoài chỉ có 2 cách là gây sức ép về kinh tế hoặc áp dụng quân đội.

Vào năm 1902, Argentina đã từng từ chối thanh toán trái phiếu bằng đồng ngoại tệ và một số quốc gia Châu Âu đã chặn các cảng biển của nước này với lời đe dọa xâm lược. Mọi chuyện chỉ lắng xuống khi Mỹ can thiệp.

Quay ngược dòng lịch sử, Argentina vốn từng nằm dưới sự cai trị của các chế độ độc tài và quân sự trước thập niên 1980. Đi kèm với đó là hàng loạt những khoản nợ khổng lồ để lại. Đến khi chế độ dân chủ được thành lập vào giữa thập niên 1980, kinh tế của nước này tăng trưởng trở lại nhưng vẫn chưa thể chấm dứt sự phụ thuộc vào các khoản nợ.

Argentina vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử - Ảnh 3.

Trong những năm gần đây, việc tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, cơ sở hạ tầng yếu cùng hệ thống hành chính công quan liêu đã khiến kinh tế Argentina ngày càng lún sâu vào nợ nần. Những bê bối chính trị cũng khiến các nhà đầu tư ngại chi tiền vào thị trường này.

Hiện nay, câu chuyện Argentina vỡ nợ đã chẳng có gì mới với người dân nước này. Điều đáng bàn ở đây là liệu họ có tiếp tục vay tiền để sống sót sau dịch Covid-19 được hay không hay lại phải tuyên bố vỡ nợ một lần nữa.

AB

NỔI BẬT TRANG CHỦ