• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ba cách tiếp cận tại APEC 2017 về toàn cầu hóa và mở cửa kinh tế

Thế giới 15/11/2017 12:54

(Tổ Quốc) - Tổng thống Trump chuyển thông điệp “cần đạt được quan hệ thương mại đôi bên cùng có lợi”.  

Tại diễn đàn cấp cao APEC lần thứ 25, tổ chức tại Đà Nẵng, trong các ngày 9-11/11, đã có sự trao đổi thẳng thắn quan điểm của các thành viên.

Tập Cận Bình: “Loại bỏ mọi rào cản để tạo động lực mới cho thị trường”

Phát biểu tại Diễn đàn Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, ngày 10/11, Chủ tịch Trung Quốc đại diện cho lợi ích của nền kinh tế hưởng lợi to lớn từ tự do thương mại và mở cửa kinh tế.

Chủ tịch Tập Cận Bình: "Cần giúp cho quá trình toàn cầu hóa kinh tế mở cửa hơn, bao trùm hơn và cân bằng hơn”

Ông Tập Cận Bình khẳng định toàn cầu hóa “là xu thế không thể đảo ngược được”, xác định, “mở cửa mang  lại tiến bộ còn đóng cửa khiến chúng ta ở lại phía sau”; “cần thượng tôn chủ nghĩa đa phương”; cần “giúp cho quá trình toàn cầu hóa kinh tế mở cửa hơn, bao trùm hơn và cân bằng hơn”; “cần ủng hộ hệ thống thương mại đa biên, tiến hành chủ nghĩa  khu vực mở”.

Ông Tập nêu lên những điều các nền kinh tế khu vực “cần phải làm”: “Chúng ta cần phải đổi mới cơ cấu  và loại bỏ mọi rào cản  đối với đổi mới  để tạo động lực mới cho thị trường”; “Chúng ta cần phải tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, phát triển thị trường bao trùm, mở rộng và tăng cường sự kết nối lợi ích”.

Ông Tập nói: “Xây dựng một khu vực thương mại tự do ở châu Á-Thái Bình Dương là giấc mơ  chúng ta cùng nuôi dưỡng của cộng đồng  doanh nghiệp”.

Donald Trump: “An ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia”

Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Diễn đàn Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC ngày 10/11 đưa ra những lý lẽ không phải không có sức thuyết phục về quan hệ thương mại “đôi bên cùng có lợi”.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Điều cốt lõi của mối quan hệ đối tác là nguyên tắc công bằng và có đi có lại… Mỹ đã mở cửa nền kinh tế mà không đòi hỏi nhiều. Tuy nhiên trong khi Mỹ hạ thấp hàng rào thương mại thì các nước khác lại không mở cửa thị trường cho chúng tôi”.

 Tổng thống Donald Trump: “Không thể đạt được vị thế là các thị trường mở nếu không đảm bảo sự tiếp cận thị trường công bằng”

Bài phát biểu này giành nhiều đoạn nói về quan hệ kinh tế thương mại Mỹ-Trung, cho rằng, “Cán cân thương mại nghiêng về Trung Quốc hiện nay là không thể chấp nhân được. Tôi không chỉ trích Bắc Kinh hay bất kỳ nước nào khác, nhất là những nước lợi dụng Mỹ về vấn đề thương mại… Từ hôm nay trở đi, chúng tôi sẽ cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng và công bằng. Chúng tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm một ngày nào nữa. Tôi sẽ luôn luôn thực hiện phương châm “Nước Mỹ trên hết” tương tự như cách mà tôi hy vọng tất cả các bạn cũng đặt nước mình lên trên hết. Mỹ sẵn sàng hợp tác để đạt được mối quan hệ thương mại đôi bên cùng có lợi. Đó là thông điệp của tôi muốn gửi đến các bạn”.

Ông Trump nói: “Không thể đạt được vị thế là các thị trường mở nếu không đảm bảo sự tiếp cận thị trường công bằng”.

Rodrigo Duterte: “Toàn cầu hóa gây thiệt hại cho các nền kinh tế nghèo”

Tại APEC 25, quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về tính hạn chế đối với toàn cầu hóa, liên kết kinh tế khu vực và tự do thương mại đã giành được sự ủng hộ bất ngờ từ một người có định kiến sâu sắc với Mỹ, đó là Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Tại Diễn đàn Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, ngày 9/11, ông Duterte đã phát biểu trong vai trò Chủ tịch đương nhiệm ASEAN.

Mặc dù ủng hộ tự do thương mại, ông Duterte thẳng thắn vạch ra những bất lợi và thua thiệt mà toàn cầu hóa đem lại cho các nước nghèo và những nền kinh tế chậm phát triển. Ông nói: “Toàn cầu hóa, ở mức độ nhất định, thực sự gây thiệt hại cho các nền kinh tế nghèo. Bản thân nó, toàn cầu hóa tước đoạt của một số bị bỏ lại ở phía sau… Người giàu thì giàu thêm và người nghèo thì nghèo hơn trừ phi có cách nào đó thay đổi cho những người bị bỏ lại”.

 Rodrigo Duterte: “Toàn cầu hóa, ở mức độ nhất định, thực sự gây thiệt hại cho các nền kinh tế nghèo"

Rodrigo Duterte có lẽ gây ngạc nhiên cho chính ông Trump, khi nhận xét: “Nước Mỹ là nạn nhân đầu tiên của toàn cầu hóa và do đó ông Trump đang đẩy lùi nó và đề ra “Nước Mỹ trên hết”… Nhiều khu vực tại nước Mỹ đã bị bỏ hoang tàn. Các nông trại bị bỏ hoang, không còn công nhân nông nghiệp và điều đó cũng đang xẩy ra ở đất nước tôi”.

Rodrigo Duterte vạch ra thực trạng bất hợp lý mà toàn cầu hóa mang lại: “Chúng tôi chỉ là bên cung cấp nguyên liệu thô cho các nước phát triển hơn và những nước công nghiệp hóa; chúng tôi nhận lại các thành phẩm với giá đắt gấp 4 lần so với nguyên liệu mà chúng tôi bán đi. Và đó là toàn cầu hóa”.

Tuyên bố Đà Nẵng kêu gọi đẩy nhanh nỗ lực xử lý các rào cản thương mại và đầu tư không phù hợp với WTO. Còn ông Duterte cho rằng cần có biện pháp và sự phối hợp để khắc phục các bất hợp lý của toàn cầu hóa. Tuy nhiên, APEC không có cơ chế ràng buộc mà là diễn đàn để các thành viên trao đổi quan điểm và phối hợp chính sách./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ