• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ba kịch bản bầu cử Quốc hội Mỹ 6/11

Thế giới 02/11/2018 06:26

(Tổ Quốc) - Chỉ còn 4 ngày nữa, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu quyết định đảng Cộng Hòa hay Dân chủ sẽ kiểm soát Quốc hội – điều sẽ quyết định chiều hướng chính trị Mỹ cho đến cuộc bầu cử năm 2020.

Tồn tại 3 kịch bản có thể xảy ra đối trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ.

Theo các nhà phân tích, cuộc bầu cử lần này có thể được coi là một cuộc trưng cầu dân ý về Tổng thống Trump. Kịch bản được hầu hết các mô hình dự đoán đó là đảng Dân chủ giành chiến thắng tại Hạ viện và Đảng Cộng hòa tiếp tục chiếm đa số tại Thượng viện. Để chiếm đa số tại Hạ viện trong cuộc bầu cử lần này, đảng Dân chủ phải giành thêm được tối thiểu 23 ghế (hiện phe Dân chủ chiếm 193/435 ghế). Tại Thượng viện, đảng Cộng hòa nhiều khả năng tiếp tục chiếm đa số (hiện là 51/100) hoặc có thể tăng thêm 1 - 2 ghế. Để chiếm đa số tại Thượng viện, đảng Dân chủ phải giữ được 26 ghế hiện nay và giành thêm ít nhất 2 ghế nữa trong tổng số 35 ghế được bầu mới.

Từ tốt đến xấu

Kịch bản I: Đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Đây là kịch bản mong muốn nhất của Tổng thống Trump, vì nó cho phép ông thuận lợi triển khai các chính sách trong 2 năm tới; nó cũng tạo điều kiện tốt cho cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai. Nhưng không kém phần quan trọng, nó giúp ông Trump chấm dứt một số vụ việc thời gian qua như cuộc điều tra về việc Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử năm 2016 của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, xóa tội cho cựu Cố vấn Paul Manafort, loại bỏ Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein.

Ba kịch bản bầu cử Quốc hội Mỹ 6/11 - Ảnh 1.

Tổng thống Trump đang nỗ lực hết sức để tranh thủ cử tri trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa kì diễn ra.

Kịch bản II: đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện nhưng tiếp tục kiểm soát Thượng viện. Kịch bản này nhiều khả năng xảy ra hơn cả. Nếu như vậy, thủ tục luận tội đối với Tổng thống Trump có thể xảy ra nhưng tình trạng đấu đá lẫn nhau tại Quốc hội cũng diễn ra gay gắt hơn nữa.

Nó còn phụ thuộc vào mức độ giành chiến thắng của đảng Dân chủ và đường hướng chính trị của các nghệ sỹ được bầu mới. Nhiều nghị sỹ Dân chủ có khả năng thắng cử lần này có thiên hướng gần với ông Bernie Sanders, từng là người tranh chức ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Họ thuộc phái tự do cánh tả và dân túy. Hiện nay, những ứng cử viên này nhận được sự ủng hộ của các cử tri có tư tưởng chống Tổng thống Trump mạnh mẽ. Trong khi đó. đối với Tổng thống Trump, kịch bản này sẽ gây khó khăn đối với một số chương trình nghị sự, đặc biệt là một số vấn đề vốn đã theo đuổi ông kể từ khi nhậm chức như cuộc điều tra về can thiệp bầu cử của Nga, cải tổ đạo luật y tế Obamacare, chính sách di dân và kinh phí xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

Kịch bản III: đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội. Kịch bản này nếu xảy ra sẽ khiến ông Trump gặp phải tình huống từng xảy ra đối với Tổng thống tiền nhiệm Obama. Khi đó Tổng thống trở thành người ký ban hành các văn bản pháp lý được thông qua bởi Quốc hội trong khi vẫn có quyền phủ quyết để ngăn cản việc áp dụng các văn bản này. Sau đó, mỗi dự luật sẽ phải đàm phán do phe Dân chủ không có đủ đa số 2/3 để chống lại quyền phủ quyết của tổng thống. Ngoài ra, ông Trump cũng không thể điều hành thông qua các sắc lệnh có thời hạn tạm thời, sau đó hy vọng rằng Quốc hội được bầu vào năm 2020 sẽ chuyển các sắc lệnh này thành văn bản luật.

Phản đòn nhập cư: bác bỏ quyền công dân mặc nhiên

Một tuần trước cuộc bầu cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ hủy bỏ sự đảm bảo theo Hiến pháp quyền công dân mặc nhiên của bất cứ ai sinh ra trên đất Mỹ. Theo AFP, tuyên bố bất ngờ trên được ông Trump đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Axios, đăng tải ngày 30/10.

Theo Tu chính án 14 của Mỹ, tất cả những người sinh ra trên lãnh thổ Mỹ đều được cấp quyền công dân. Để thay đổi Hiến pháp Mỹ, theo quy định cần có sự ủng hộ của 2/3 thành viên Quốc hội, điều khó đạt được. Tuy nhiên, ông Trump cho rằng ông có thể thực hiện việc này bằng sắc lệnh hành pháp.

Ông Trump lập luận: "Chúng ta là quốc gia duy nhất thế giới mà một người tới, có con và người con đó về cơ bản trở thành một công dân Mỹ với tất cả những quyền lợi trong suốt 85 năm. Chuyện đó thật lố bịch và phải chấm dứt".

Một số thành viên Cộng hòa theo quan điểm ôn hòa và một số chuyên gia luật cho rằng ông Trump đang đi ngược lại Hiến pháp Mỹ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho rằng ông Trump không thể hủy bỏ quyền công dân của một người ngay từ khi sinh ra chỉ bằng một sắc lệnh hành pháp.

Lập trường chống lại quyền công dân mặc nhiên này thực ra là một chiêu vận động bầu cử của ông Trump. Ở chỗ riêng tư, ông Trump cho biết, ông ta muốn dùng vấn đề gây sốc này để chuyển hướng nội dung tranh cử hiện nay quá tập trung vào chương trình chăm sóc y tế (Obamacare) mà đảng Dân chủ đang sử dụng để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri.

Trên thế giới, Trung Quốc là bên theo dõi sát kết quả bầu cử và tất nhiên sẽ hoan nghênh nếu kịch bản II và III diễn ra./.


Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ