• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bắc Cực phân tranh

Thế giới 07/02/2009 08:19

(Toquoc)–Bốn nhóm nước giáp Bắc Cực tăng tốc đòi chia phần vùng đất cuối cùng của thế giới.

Huyền Trương

(Toquoc) – Tan băng Bắc Cực và khủng hoảng thế giới đang thúc đẩy các nước giáp Bắc Cực tăng tốc đòi chia phần vùng đất cuối cùng của thế giới.

Ngày 12/1/2009, Tổng thống Bush ký một trong các đạo luật cuối cùng của mình liên quan đến cuộc giành giật Bắc Cực. Văn bản 10 trang đề cập tới những ưu tiên của Mỹ tại vùng lãnh thổ này. Tổng thống Mỹ cho rằng sự hiện diện của Mỹ ở phía Bắc cần phải được tăng cường; "Hành lang Tây-Bắc", chạy qua Bắc Cực nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, là tuyến đường biển quốc tế, đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết đối với Mỹ trong việc tiếp cận nguồn của cải nguyên sơ dưới đáy Bắc Cực. Đạo luật đề ra phương hướng chỉ đạo chính sách của Mỹ, nhấn mạnh: “Mỹ có các lợi ích an ninh quốc gia cơ bản và rộng lớn tại khu vực Bắc Cực và sẵn sàng thực thi các biện pháp để bảo vệ các lợi ích chính sách này một cách độc lập hoặc cùng với các quốc gia khác”.


Bắc Băng Dương và các nước giáp Bắc Cực 

Trong lịch sử Hoa Kỳ, nước này luôn chủ trương tự do hàng hải quốc tế. Điều này thường khi xung đột với những quốc gia tuyên bố chủ quyền ở những vùng biển có tranh chấp. Việc Mỹ khẳng định "Hành lang Tây-Bắc" là tuyến đường biển quốc tế mâu thuẫn với tuyên bố chủ quyền của Canada và có thể trở thành vấn đề tranh chấp căng thẳng nhất giữa hai nước láng giềng ở Bắc Mỹ trong tương lai gần.

Ngày 13/1, Ngoại trưởng Canada Lawrence Cannon đầy tự tin khi nói rằng, tuyên bố về chủ quyền của Canada ở Bắc Cực tiếp tục được quốc tế công nhận rộng rãi; các tàu bè của Mỹ vẫn phải xin phép Canada trước khi đi vào vùng biển này. Ông này khẳng định "Canada có chủ quyền cả trên bộ lẫn trên biển tại Bắc Cực là điều không ai nghi ngờ. Không nhận thấy có bất kỳ tín hiệu nào từ chính quyền mới của Mỹ cho thấy sẽ có sự thay đổi về quan điểm đó".
Nhưng mới đây, TNS John Kerry, người sẽ trở thành Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng nghị viện Mỹ đầy quyền lực, thay phó Tổng thống Biden, nói rằng: “Bắc Cực cần được xác định như ưu tiên chiến lược của nước Mỹ. Nhằm bảo vệ các đường biên giới an ninh, bảo đảm tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tự do đi lại của tàu bè và các con đường vận tải, và bảo vệ các tài nguyên biển của chúng ta, nước Mỹ cần trở thành thành viên đầy đủ cuả cơ chế các quốc gia Bắc Cực và phê chuẩn Luật Biển của Liên hợp quốc”.
Như vậy, Quốc hội Mỹ đã có cách tiếp cận mới tính tới hợp tác quốc tế, thay cho quan điểm một mình một cõi như dưới thời chính quyền Bush. Được biết, Mỹ còn thiếu nhiều tàu thuyền để thực hiện chủ quyền tại Bắc cực.
Cần một chiến lược rõ ràng, có sự hợp tác quốc tế
Trái với tuyên bố lạc quan của Ngoại trưởng Canada, các chuyên gia nước này cho rằng, không nhà lãnh đạo quốc gia nào lại bán rẻ hoặc chịu để mất chủ quyền quốc gia của mình; Tổng thống mới Obama sẽ tiếp tục quan tâm đến lợi ích của Mỹ tại Bắc Cực. Vì vậy, Canada cần tăng cường các nỗ lực ngoại giao để đảm bảo chủ quyền của mình tại đây. Vừa qua, Canada đã thảo luận với EU về vấn đề Bắc Cực. Vài tháng tới, nước này dự kiến họp với tất cả những quốc gia khác thuộc Hội đồng Bắc Cực, gồm Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland, Đan Mạch, Mỹ và Nga để khẳng định lại lập trường của mình.

Tàu phá băng Mỹ đang neo đậu tại bờ phía bắc của bang Alaska (Mỹ). Mỹ thiếu tàu thuyền cho hoạt động Bắc Cực.

Thủ hiến vùng Tây Bắc của Canada, Flyoyd Roland nói rằng, chính phủ của Thủ tướng nước này, Stephen Harper cần thay đổi những tuyên bố "khoa trương rỗng tuếch" bằng một chiến lược rõ ràng tại Bắc Cực thông qua các dự án đầu tư lớn vào hạ tầng cơ sở và tài nguyên tại đây. Canada cần lưu tâm đầy đủ đến những lời lẽ mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ để có thể thực thi các biện pháp bảo vệ chủ quyền và sự thịnh vượng cho các thế hệ tương lai của Canada. Trước những tuyên bố đầy tham vọng của Tổng thống Bush, chính phủ Canada cần tăng mạnh ngân sách cho vùng Bắc Cực để bảo vệ chủ quyền ở khu vực miền Bắc Canada.

Về phía Cộng đồng châu Âu, họ đi theo một đường hướng dựa trên luật pháp quốc tế và hợp tác quốc tế, đồng thời đứng về phía Đan Mạch tạo thành một trong bốn bên chủ yếu đấu tranh đòi chủ quyền Bắc Cực. Tháng 11/2008, EU đưa ra một văn bản về các nguyên tắc tàu bè chuyên chở qua lại, đánh bắt và khai thác tài nguyên ở Bắc Cực, cho rằng những quy tắc tại khu vực này phải do các cơ quan quốc tế xác định chứ không phải do các nước ven Bắc Cực tự đề ra.
Tháng 8/2007, Nga đã nhanh tay bằng một sự kịên khá ấn tượng là cắm cờ Nga xuống đáy biển Bắc Cực để khẳng định chủ quyền mà Nga tuyên bố lên tới 1 triệu cây số vuông. Hải quân Nga đã nối lại hoạt động tuần tra tại vùng biển Bắc Cực, nơi hiện đóng góp gần 11% thu nhập quốc dân và chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu của Nga.
Cần phòng bị những bước phá vỡ sự cân bằng sức mạnh
Cùng thời gian với vịêc Tổng thống Mỹ phê chuẩn chính sách quốc gia đối với Bắc Cực, Hội đồng An ninh quốc gia Nga cũng thông qua Dự thảo Chiến lược an ninh quốc gia về các nguyên tắc cơ bản trong chính sách của Nga đối với Bắc Băng Dương. Dự thảo này nêu rõ: "Trọng tâm của chính sách quốc tế trong tương lai gần sẽ tập trung vào việc sở hữu quyền sử dụng các nguồn năng lượng, trong đó có các nguồn năng lượng tại thềm lục địa biển Baren cùng một số khu vực khác ở Bắc Cực... Trong điều kiện cạnh tranh các nguồn năng lượng, không loại trừ khả năng có những quyết định cứng rắn được đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề nảy sinh - điều có thể phá vỡ sự cân bằng sức mạnh gần biên giới của Liên bang Nga”. Văn kiện này dự định được công bố vào cuối tháng 1/2009.
Vậy là, tất cả các nước dính dáng tới vùng đất cuối cùng của thế giới chưa được phân chia này đều đã đề ra chính sách chỉ đạo hành động quốc gia của nước mình tại vùng Bắc Cực.
Theo một báo cáo của Cơ quan địa chất Mỹ, công bố hồi mùa hè 2008, nguồn tài nguyên tại Bắc Cực rất lớn, có trữ lượng khoảng 90 tỷ thùng dầu và 1.670 nghìn tỷ mét khối khí đốt, tương đương 25% trữ lượng dầu khí chưa khai thác trên Trái đất. Ngoài ra có vô vàn khoáng sản quý hiếm, cùng nguồn hải sản phong phú. Việc nhiệt độ Trái Đất ấm dần lên khiến các lớp băng vĩnh cửu tan nhanh, cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát Bắc cực đang diễn ra ngày càng gay gắt. Nhưng cái bánh tỏ ra quá lớn, khó một nước nào nuốt trôi, dù là nước lớn đến mấy. Ngoại trưởng các nước liên quan đã ngồi lại với nhau năm ngoái tại vùng lãnh địa Greenland của Đan Mạch, năm nay chắc sẽ tiếp tục đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Bắc Cực, cũng như các cơ chế liên quan của Liên hợp quốc./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ