• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bắc Kạn: Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao

Văn hoá 23/06/2020 13:03

(Tổ Quốc) - Đời sống văn hóa của nhân dân Bắc Kạn ngày càng được nâng cao; Hội thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc "Tự hào Việt Nam" lần thứ II tại Sơn La; Việc thực hiện nếp sống văn minh trong khi tham gia lễ hội của người dân Bắc Giang từng bước nâng cao là những thông tin văn hóa đáng chú ý.

Bắc Kạn: Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao

Sở VHTTDL tỉnh Bắc Kạn đã có báo cáo Tình hình thi hành Chỉ thị số 814/CT-TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng.

Theo đó, công tác tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị được Sở chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc từ tỉnh tới cơ sở, được thường xuyên thực hiện dưới nhiều hình thức như: thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình đến từng thôn, làng, tổ dân phố; xây dựng và biểu diễn các chương trình văn nghệ, các tiểu phẩm, kịch ngắn, chiếu phim lưu động...

Việc triển khai lồng ghép tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng trong Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của người dân về ý thức tự giác của mỗi cá nhân, gia đình trong việc tẩy chay, ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại. Việc xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh, truyền thống yêu nước, bồi dưỡng đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống được tổ chức thực hiện có hiệu quả qua Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần tạo nên giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc. Kết quả đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 87,4% gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hoá"; 85,3% làng được công nhận Làng văn hóa.

Bắc Kạn: Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/Nguồn: baobackan.org.vn

Từ khi có Chỉ thị số 814/CT - TTg, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng góp phần loại trừ những sản phẩm văn hóa độc hại, ổn định an ninh văn hóa – xã hội. Việc cấp giấy phép hoạt động kinh doanh các dịch vụ văn hóa cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện đúng quy định hiện hành.

Hoạt động, kinh doanh dịch vụ Karaoke được các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ, xử lý kịp thời, hạn chế tối đa các tệ nạn xã hội như mua bán, sử dụng ma túy, mại dâm phát sinh.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động không ngừng phát huy, mở rộng và ngày càng được nâng cao về chất lượng và hiệu quả. 92,1% các thôn làng, khu phố trong toàn tỉnh được xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; hệ thống các hương ước, quy ước thường xuyên được rà soát, bổ sung sửa đổi cho phù hợp với các quy định của nhà nước, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Sơn La: Hội thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc "Tự hào Việt Nam" lần thứ II

Theo thông tin được đăng tải trên Báo Sơn La, 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba, 9 giải khuyến khích đã được Ban tổ chức trao cho các đội thi ở 2 bảng A và B Hội thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc "Tự hào Việt Nam" lần thứ II năm 2020.

Hội thi do Tỉnh Đoàn Sơn La phối hợp với Hội sinh viên Việt Nam tỉnh tổ chức diễn ra vào ngày 21/6.

Tại bảng A, 13 đội thi, đại diện cho các Huyện Đoàn, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc phải trải qua 4 vòng thi: Khởi động – "Theo dòng lịch sử"; thử thách – "Giải mã lịch sử"; tăng tốc – "Bản sắc văn hóa"; về đích – "Tự hào Việt Nam" với các nội dung về lịch sử, văn hóa Việt Nam trong chương trình giáo dục phổ thông; các mốc lịch sử quan trọng của đất nước,...

Bảng B có sự tham gia của 5 đội thi đến từ các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh. Tại đây, các đội tham gia thi sản xuất video clip về những giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa nổi bật của Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng.

Hội thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc "Tự hào Việt Nam" lần thứ II là dịp để ôn lại lịch sử; đồng thời tạo cơ hội để các đội thi được giao lưu, học hỏi và bổ sung thêm nhiều kiến thức bổ ích về lịch sử, văn hóa dân tộc.

Bắc Giang: Việc thực hiện nếp sống văn minh trong khi tham gia lễ hội của người dân được từng bước nâng cao

Tỉnh ủy Bắc Giang đã có báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội".

Theo đó, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo; các địa phương có lễ hội đã cơ bản thực hiện nghiêm việc tổ chức lễ hội theo tinh thần Chỉ thị số 41-CT/TW, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ, Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2015 của Bộ VHTTDL và Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND ngày 13/8/2019 của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Việc quản lý thu, chi tiền công đức, sử dụng tiền công đức phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội được thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch theo đúng quy định. Các lễ hội đều thành lập ban tổ chức, có sự giám sát của cộng đồng dân cư; không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; thực hiện công khai giá dịch vụ; bố trí hòm công đức cơ bản hợp lý. Các phương án bảo đảm an ninh, trật tự, bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các lễ hội được các địa phương quan tâm chỉ đạo. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong khi tham gia lễ hội của người dân được từng bước nâng cao. Nhiều lễ hội đã phát huy tốt vai trò tự quản của cộng đồng, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa cho việc tổ chức lễ hội.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc tại các lễ hội gắn với phát triển kinh tế, du lịch địa phương từng bước phát huy hiệu quả. Qua đó đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống, xây dựng văn hóa Bắc Giang, văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực tinh thần to lớn trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương thời gian qua.

Hằng Đinh (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ