• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bắc Ninh: Lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh không tăng, thậm chí có xu hướng giảm

Thời sự 08/11/2020 09:19

(Tổ Quốc) - Theo ông Đinh Văn Duyệt - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh, nhờ các doanh nghiệp thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tốt nên lượng lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh không tăng, thậm chí có xu hướng giảm.

Bắc Ninh: Lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh không tăng, thậm chí có xu hướng giảm - Ảnh 1.

Ông Đinh Văn Duyệt - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh.

PV: Ông có thể nêu khái quát về thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh?

Ông Đinh Văn Duyệt: Trong 16 khu công nghiệp tập trung thì hiện Bắc Ninh được Chính phủ phê duyệt 10 khu công nghiệp. Các khu công nghiệp này đã đi vào hoạt động rất hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh hiện có 430.000 lao động, trong đó tại khu công nghiệp là 330.000 lao động đang làm việc. Đối với các doanh nghiệp liên quan đến nước ngoài thì có trên 1.200 doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI có khoảng 904 doanh nghiệp.

Nhu cầu về lao động hiện nay trên địa bàn tỉnh rất lớn, trong khi đó, về mặt đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thì Bắc Ninh chỉ được khoảng 25-27.000 lao động, còn lại vẫn phải lấy ở các địa phương khác.

Thời gian qua, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức tư vấn, giới thiệu cho nhiều đối tượng người lao động. Tại sàn giao dịch và ở khu vực lưu động tại các địa phương, trung tâm tổ chức các phiên giao dịch online đối với lao động tại một số tỉnh phía bắc nhằm thu hút đủ nhu cầu về lao động trên địa bàn.

Trong tổ chức thực hiện, trung tâm cũng sử dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu thời gian, công sức chi phí cho người lao động bằng việc thông tin qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể như việc thông tin các tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp có nhu cầu đến các tỉnh phía bắc. Nhờ đó, nguồn nhân lực ở các tỉnh phía Bắc tập trung nhiều tại Bắc Ninh.

PV: Dịch bệnh COVID-19 có làm ảnh hưởng đến thị trường lao động trên địa bàn tỉnh không thưa ông?

Ông Đinh Văn Duyệt: Phải khẳng định rằng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện rất nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Do dó, ảnh hưởng của COVID-19 đối với thị trường tỉnh Bắc Ninh là rất hạn chế. Vừa qua, lượng lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh không tăng, thậm chí có xu hướng giảm.

Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh chỉ mới giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho khoảng 9.000 lao động bị mất việc trên địa bàn, xấp xỉ với năm 2019. Hơn nữa, do nhu cầu lớn nên dự kiến từ nay đến cuối năm tỉnh Bắc Ninh còn tăng thêm từ 20-40.000 lao động.

Bắc Ninh: Lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh không tăng, thậm chí có xu hướng giảm - Ảnh 2.

Lao động tìm hiểu các thông tin tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm.

PV: Hiện Cục Việc làm đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2015/TT- BLĐTBXH ngày 31/7/2015, ông có đóng góp ý kiến gì?

Ông Đinh Văn Duyệt: Trước hết phải nói rằng, các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp sau khi ra đời hay được sửa đổi thì cũng đều có một mục đích chính là hỗ trợ người lao động khi gặp hoàn cảnh khó khăn, mang giá trị nhân văn, an sinh xã hội rất lớn.

Để cụ thể hóa Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã rất kịp thời để xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2015/TT- BLĐTBXH ngày 31/7/2015.

Dự thảo lần này đưa ra rất đầy đủ, chi tiết và được những đơn vị ở cơ sở như chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Trước đây, chúng ta thấy rất rõ các đối tượng sử dụng bảo hiểm thất nghiệp có những vấn đề không rõ ràng thì ở dự thảo lần này đã được sửa đổi, bổ sung rõ ràng hơn.

Thứ hai, đối với các trường hợp phải bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp thì bây giờ đã đưa thêm được nhiều tiêu chí cụ thể để giúp địa phương thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện. Thứ ba đó là cũng mở ra vấn đề đào tạo giúp người lao động có nhiều cơ hội hơn tiếp cận chính sách của địa phương, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.

Chúng tôi mong muốn, sau khi Thông tư này được ban hành thì sẽ được tập huấn chỉn chu, rõ ràng để người thực hiện không hiểu sai, hiểu lệch, giúp cho quá trình triển khai được hiệu quả hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thế Công (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ