Bác sĩ tại Hà Nội phẫu thuật tim cho bệnh nhân ở Quảng Ninh nhờ công nghệ Telehealth

Thu Hà | 30-05-2020 - 14:18 PM

(Tổ Quốc) - Không cần trực tiếp có mặt tại phòng phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương có thể can thiệp trực tiếp vào ca mổ cho bệnh nhi 23 ngày tuổi tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Ê-kíp mổ cách xa nhau hàng trăm km

Theo báo cáo của bác sĩ Trần Văn Thiệp, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, trung tâm vừa tiếp nhận một bé trai 23 ngày tuổi, nặng 4,5 kg. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tím tái, thở nhanh. Sau khi có kết quả siêu âm, X-quang, điện tim, bác sĩ kết luận bé bị hẹp nặng tại van động mạch phổi.

Ngày 29/5, thông tin về bệnh nhân, hình ảnh X-quang, điện tim, kết quả xét nghiệm, siêu âm được gửi về Bệnh viện Nhi Trung ương thông qua hệ thống hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) do Viettel Solutions triển khai. Đường truyền, tín hiệu ổn định, rõ nét giúp các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân, hội chẩn trực tiếp và đưa ra phương án điều trị.

Tại điểm cầu Bệnh viện Nhi Trung ương, TS Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Hồi sức tim mạch (Trung tâm tim mạch trẻ em) tiếp nhận thông tin về bệnh nhân, phân tích từng mặt cắt siêu âm tin và đồng ý với chẩn đoán của các bác sĩ tại Quảng Ninh. Các bác sĩ tại hai điểm cầu thống nhất chỉ định can thiệp tim mạch, nong van động mạch phổi và lập tức đưa bệnh nhi vào phòng phẫu thuật.

Đánh giá đây là ca bệnh phức tạp, bên cạnh các chuyên gia tại đầu cầu Hà Nội,  Bệnh viện Nhi Trung ương đã cử BS Cao Việt Tùng, Trưởng khoa hồi sức ngoại tim mạch trực tiếp tham gia vào cuộc mổ nong van động mạch phổi cho bệnh nhi. Từng thủ thuật của các bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh được truyền trực tiếp để các chuyên gia tại đầu cầu Hà Nội theo dõi, giám sát và hỗ trợ kịp thời. Ca phẫu thuật thành công với sự phối hợp nhịp nhàng của cả ê-kíp dù họ cách xa nhau hàng trăm km.

Ngoài ca bệnh này, trong 3 tiếng, từ Trung tâm điều hành Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã kết nối với nhiều điểm cầu khác để tư vấn, hội chẩn các tình huống cho ca bệnh cụ thể tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp (Sơn La), Trung tâm Sản Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Sản Nhi Hà Nam…

"Nhờ Telehealth, chúng tôi yên tâm hơn khi tham gia phẫu thuật"

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trước đây, các ca bệnh phức tạp này đều phải chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương để điều trị hoặc các bác sĩ tuyến trung ương phải về tận nơi để thăm khám. Ngày nay, việc sử dụng Hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa - Telehealth - sẽ giúp bác sĩ có thể không cần di chuyển vẫn hội chẩn, điều trị cho bệnh nhân ở tuyến dưới.

Bác sĩ tại Hà Nội phẫu thuật tim cho bệnh nhân ở Quảng Ninh nhờ công nghệ Telehealth - Ảnh 3.

Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết chương trình hỗ trợ phẫu thuật tim mạch, tim mạch can thiệp giữa cơ sở y tế này và Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành 2 năm nay. Hàng ngày, các bác sĩ vẫn gửi tài liệu cho nhau để trao đổi, thảo luận.

Khi chưa có hệ thống Telehealth, họ chỉ có thể gửi hình ảnh gián tiếp. Thông thường, với những ca phức tạp này sẽ phải có bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đến hội chẩn trực tiếp nên rất mất thời gian. Đặc biệt, theo ông Hùng, quá trình chẩn đoán các ca bệnh khó cần chỉ định các xét nghiêm, thủ thuật nào cho phù hợp cũng là điều khiến bác sĩ tuyến dưới cần sự hỗ trợ.

"Telehealth sẽ giúp được chúng tôi rất nhiều thứ đặc biệt. Khi sử dụng hệ thống này, tôi biết rằng đằng sau lưng tôi, bên cạnh phòng can thiệp của chúng tôi sẽ có những người như PGS.TS Trần Minh Điển, bác sĩ Cao Viết Tùng hay TS.BS Lê Hồng Quang, chỉ cần nhắc nhở một vài thao tác thôi có thể việc phẫu thuật sẽ dễ dàng hơn. Chúng tôi và người bệnh đều cảm thấy yên tâm hơn khi biết rằng tham gia cuộc phẫu thuật còn có các chuyên gia đầu ngành", Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh chia sẻ.

"Chúng ta không thể nói trước trong quá trình hội chẩn, phẫu thuật hay can thiệp có thể xảy ra điều gì bất thường. Nhờ Telehealth, khi có tình huống bất thường chúng tôi biết có người hỗ trợ, chúng tôi biết có địa chỉ tin cậy để xin ý kiến", bác sĩ Tùng nhấn mạnh.

Cũng tại buổi hội chẩn trực tuyến đầu tiên thông qua hệ thống Telehealth, GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: "Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã từng ấp ủ và thử nghiệm triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa phục vụ cho hoạt động đào tạo, chỉ đạo tuyến từ cách đây hơn 10 năm. Tuy nhiên tại thời điểm đó, hạ tầng đường truyền Inernet chưa đảm bảo, chi phí cao đồng thời chưa có hành lang pháp lý nên đành tạm gác lại.

Đến nay, khi chúng tôi đã chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về đường truyền, kết nối, nhân lực, đồng thời thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế nên bệnh viện tự tin triển khai hệ thống này. Đây cũng là những bước đi thử nghiệm đầu tiên của hành trình dài hướng đến cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại cộng đồng thông qua các hoạt động hội chẩn, khám, tư vấn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật,…".

Đại diện của đơn vị triển khai Telehealth, ông Nguyễn Mạnh Hổ - Tổng Giám đốc Viettel Solutions cho biết: "Với những mô hình đã triển khai tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương, Viettel sẽ tiếp tục triển khai hệ thống tại các cơ sở y tế có chuyên khoa khác nhau nhằm đưa Telehealth thực sự là cánh tay nối dài của các bác sĩ tuyến Trung ương đến các cơ sở y tế tuyến dưới để hỗ trợ một cách hiệu quả trong mọi lĩnh vực của ngành y tế".

Trước đó, ngày 18/4, hệ thống Telehealth đã chính thức được khai trương tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tuy nhiên, dù được đã được triển khai tại 2 bệnh viện nhưng mô hình khám chữa bệnh từ xa mới chỉ dừng ở việc bác sĩ giúp nhau hội chẩn, tư vấn miễn phí cho bệnh nhân hoặc bệnh viện tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới nâng cao nghiệp vụ chứ chưa thể áp dụng rộng rãi. Lý do là hàng lang pháp lý cho khám chữa bệnh từ xa chưa có, bệnh viện có tổ chức thực hiện cũng chỉ được làm miễn phí vì chưa có cơ chế đối với loại hình này.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM