• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 2: Kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế

Thời sự 01/05/2019 07:25

(Tổ Quốc) - Tình hình tội phạm ma túy tại Đông Nam châu Á được Liên hợp quốc đánh giá là một trong những khu vực phức tạp nhất về ma túy. Việt Nam gần trung tâm ma túy lớn như Trăng Lưỡi Liềm Vàng, Tam Giác Vàng, tạo áp lực lớn với chúng ta.

Đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy

Khi phá chuyên án 218LP, lực lượng chức năng của Việt Nam đã thông báo cho các nước liên quan nắm bắt thông tin kịp thời như Đài Loan và cảng Malina, Philippines để thu giữ được gần 300 kg ma túy.

Chuyên án 218LP được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47), Bộ Công an xác lập từ ngày 30/1/2019 để đấu tranh đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia số lượng lớn từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó vận chuyển bằng đường biển đi các nước khác tiêu thụ do nhóm đối tượng người nước ngoài cầm đầu.

Chuyên án 218LP sau đó đã bắt giữ 7 đối tượng (4 đối tượng người nước ngoài), vật chứng thu giữ là 1,161 tấn ma túy "đá".

Bài 2: Kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế - Ảnh 1.

Thu giữ ma túy tại TP HCM hồi cuối tháng 4/2019.

Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng C47 cho biết, Bộ đang tích cực hợp tác quốc tế, phối hợp với các nước trong khu vực để trao đổi thông tin, bóc giữ các đường dây nóng. Tuy nhiên đó là mong muốn, còn thực tiễn mỗi quốc gia, mỗi nơi có một điều kiện riêng, dù rất cố gắng nhưng hiệu quả như mong muốn là rất khó.

Việt Nam rất vinh dự, tự hào để nói rằng, chúng ta được Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế đánh giá cao về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy tại Việt Nam và hợp tác quốc tế chặt chẽ, Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Công an cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng sớm nghiên cứu để có các hội nghị quốc tế, kết nối chặt chẽ hơn, ngặn chặn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và thông qua các hoạt động hợp pháp về kinh tế để ngụy trạng vận chuyển ma túy sang nước ngoài.

"Chúng tôi cũng kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển, đối tượng đó từ nước ngoài vào, chúng tôi ngăn chặn không được thì chúng tôi đấu tranh trong nước bắt giữ ở đó, bắt giữ không khoan nhượng với các đối tượng sử dụng lãnh thổ Việt Nam cũng như địa bàn Việt Nam, hay hoạt động sản xuất hợp pháp để vận chuyển ma túy sang nước ngoài" – Đại tá Vũ Văn Hậu chia sẻ.

Qua quá trình đấu tranh, các lực lượng chức năng đã phát hiện ra đường dây liên vận quốc tế và đối tượng chủ mưu là người nước ngoài, ở nước ngoài tổ chức các đường dây từ Mianma, Thái Lan, Lào, Campuachia vào Việt Nam và tiếp tục đi sang nước khác như Philippines, Đài Loan, Úc và không loại trừ đi sang cả Mỹ.

"Vừa qua, chúng tôi đã bóc gỡ những đường dây như thế nhưng cũng xác định đây là chặt đứt 6 mắt xích tại Việt Nam còn dây xích ấy từ nước ngoài và đối tượng chủ mưu cầm đầu ấy nằm ở nước ngoài với tiềm lực vốn kinh nghiệm và thị trường như vậy thì chúng tôi tin rằng, chúng không bó tay, tiếp tục tổ chức đường dây khác với địa bàn khác. Cuộc đấu tranh này chúng tôi xác định tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng, chấp nhận khó khăn gian khổ hơn thậm chí là hy sinh"- Đại tá Vũ Văn Hậu cho biết.

Kiểm soát tốt hình hình trong nước

Trả lời các phóng viên, Đại tá Vũ Văn Hậu khẳng định: "chúng tôi đang kiểm soát tốt tình hình trong nước. Trung tâm sản xuất ma túy lớn ở Việt Nam là chúng tôi kiểm soát được".

HIện vùng phía Bắc của Thái Lan người ta cương quyết với những mô hình mà phía Việt Nam đang xem xét học tập như bên Thái Lan được Nhà vua cho phép lập trạm kiểm soát ma túy ở các con đường với hơn 70 trạm.

"Trung Quốc, Thái Lan khá quyết liệt và lượng ma túy thu giữ lớn. Lào và Campuchia khả năng của hai nước có hạn hơn. Lượng thu giữ của Việt Nam nếu nói về địa hình, quốc gia, lãnh thổ thì thuộc bậc cao đứng đầu trong các nước quyết liệt đấu tranh với tội phạm ma túy"- Đại tá Vũ Văn Hậu cho biết.

Cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy không của riêng quốc gia nào mà là cuộc đấu tranh chung. Thực tế đường dây đều có dấu hiệu liên quan đến các nước trong khu vực chứ không chỉ riêng nước ta.

Vụ bắt giữ hơn 1 tấn ma túy mới đây tại TP HCM đã chứng minh rõ đối tượng chủ mưu là người Trung Quốc, Đài Loan, đường đi xuất phát từ Thái Lan qua Lào, Campuchia vào Việt Nam và tiếp tục vận chuyển đi các nước khác.

Theo Đại tá Vũ Văn Hậu, Việt Nam có đường biên giới trên bộ, trên biển rất dài, giáp với cả Trung Quốc, Lào, Campuchia - cũng là các quốc gia có sự phức tạp về tội phạm ma túy. Trong khi đó, khả năng đấu tranh phát hiện từ xa thì còn ở mức độ.

"Việc hợp tác quốc tế rất cố gắng nhưng có thể nói là mỗi nước có đặc trưng riêng nên hiệu quả còn chưa thật là cao, bên cạnh đó tội phạm ma túy lợi dụng chính sách của Đảng, Nhà nước ta với sự thông thoáng trong việc giao thương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn và đó là cơ hội vàng cho phát triển sản xuất kinh doanh cũng là cơ hội vàng của tội phạm ma túy lợi dụng nó"- Đại tá Vũ Văn Hậu cho biết.

Chuyên án vừa qua cũng là tội phạm ma túy lợi dụng những cơ sở sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu hợp pháp để ngụy trang, mua bán vận chuyển ma túy với số lượng lớn vào Việt Nam và đi sang nước thứ 3.

"Để đạt được hiệu quả ngày càng cao hơn, thì lực lượng cảnh sát đấu tranh tội phạm ma túy là nòng cốt, phối hợp đấu tranh với các đơn vị chức năng trong nước và quốc tế ngăn chặn nguồn ma túy từ xa, bên cạnh đó ngăn chặn kiểm soát việc sản xuất tái trồng và chặt đứt các đường dây buộn bán ma túy trong và ngoài nước, các tụ điểm tổ chức mua bán và giảm cầu"- Đại tá Vũ Văn Hậu chia sẻ.

Bài 3: Sử dụng ma túy tổng hợp tại các quán bar, vũ trường đang ở mức báo động 

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ