• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 3: Kêu gọi mạnh xã hội hóa đầu tư, vận hành sân bay cho tự do hóa vận tải hàng không

Thời sự 11/07/2018 07:30

(Tổ Quốc)-Trong thư gửi Thủ tướng, các thành viên của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Hội đồng tư vấn du lịch đã đề xuất một loạt ý kiến cho tự do hóa vận tải hàng không.

Đề xuất nâng trần đầu tư nước ngoài vào các hãng hàng không Việt Nam lên mức 49%

Theo đó, các cơ quan đề xuất tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa, quốc tế cho các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện quy định hiện hành để sớm có thêm các hãng hàng không mới htam gia thị trường. Thực hiện chính sách xuyên suốt tự do hóa vận tải hàng không trong việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng bỏ thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư với hãng hàng không, chỉ áp dụng thủ tục duy nhất xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định của Luật Hàng không.

Trong khi hướng tới mục tiêu dài hạn là đạt được việc mở cửa bầu trời trong ASEAN bằng cách phê chuẩn quyền tự do thứ 5 và hướng tới quyền tự do thứ 7 về quyền lưu thông trong nội bộ ASEAN thì về mục tiêu ngắn hạn, Việt Nam cần rà soát toàn diện các hiệp định hàng không giữa Việt Nam với các nước, đàm phán sửa đổi theo hướng tự do hóa vận tải hàng không quốc tế liên quan đến các nội dung chỉ định hãng bay, đường bay, tần suất bay, thương quyền vận chuyển.

 Hạ tầng sân bay Việt Nam đã và đang bị đuối sức. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Các cơ quan cũng đề xuất nâng trần đầu tư nước ngoài vào các hãng hàng không Việt Nam lên mức 49% và loại bỏ hạn chế cho các thương hiệu nước ngoài trong ngành hàng không, ban hành hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng thương hiệu nước ngoài, đồng thời phải đảm bảo các hợp đồng sử dụng thương hiệu nước ngoài sẽ không bị phía nước ngoài lạm dụng để kiểm soát tính hiệu quả hoặc trở thành một biện pháp để họ có thể triển khai quyền vận chuyển hàng không tại Việt Nam.

Rà soát và loại bỏ các rào cản kỹ thuật bao gồm đơn giản hóa và hài hòa các tiêu chuẩn liên quan đến việc cấp phép hành nghề: phi công, phi hành đoàn, kỹ sư, đại lý dịch vụ sân đỗ, cơ khí…; cấp chứng nhận cho các hãng hàng không, chứng nhận tàu bay, các chứng nhận về tài sản khác…

Bên cạnh việc phát triển lĩnh vực vận tải hàng không, các cơ quan đề xuất cần có quan điểm khuyến khích phát triển lĩnh vực hàng không chung; sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không và các quy định liên quan đến không phận, quản lý, cấp phép các hoạt động bay hàng không chung và cơ sở hạ tầng hàng không chung…

Kêu gọi mạnh xã hội hóa đầu tư, vận hành sân bay

Hiện tại Việt Nam có 21 sân bay đang hoạt động với tổng công suất khoảng 75 triệu khách/năm, chưa bằng công suất chỉ một sân bay lớn như sân bay Changi tại Singapore, sân bay Suvarnabhumi tại Băng Cốc, Thái Lan…

Nhóm chuyên gia cũng cho hay, mô hình đầu tư sân bay ở Việt Nam trong nhiều thập niên qua khá đơn điệu và phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công, trong khi tại nhiều nước trên thế giới, các hoạt động đầu tư, quản lý, vận hành sân bay đã được đa dạng hóa.

Hiện 21 sân bay dân dụng ở Việt Nam đều do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, vận hành. Nhóm chuyên gia cho rằng, thực tế, hạ tầng sân bay Việt Nam đã và đang bị đuối sức, ngành hàng không Việt Nam sẽ rất khó có đủ hạ tầng sân bay với công suất và mức độ hiện đại đáp ứng hiệu quả nhu cầu phát triển hàng không và du lịch nội địa, quốc tế nếu không đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, vận hành sân bay.

“Ở Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, được quản lý, điều hành chuyên nghiệp, đối với họ việc đầu tư, vận hành một số nhà ga sân bay, thậm chí một số sân bay hoàn chỉnh không phải quá khó khăn. Vấn đề là làm như thế nào để các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể tiếp cận và tham gia đầu tư các dự án sân bay một cách dễ dàng”- Các chuyên gia trong bức thư gửi Thủ tướng nêu quan điểm.

Về đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng sân bay Việt Nam, nhóm chuyên gia đề xuất khẩn trương mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nhằm nhanh chóng giải quyết tình trạng quá tải sân bay và ùn tắc giao thông ra vào sân bay này; Thúc đẩy, đảm bảo tiến độ đầu tư sân bay Long Thành. Đồng thời, rà soát quy hoạch để chủ động việc điều chỉnh và đầu tư mở rộng các sân bay quốc tế Nội Bài, Phú Bài, Đà Nẵng.

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, vận hành sân bay theo hướng ưu tiên kêu gọi đầu tư tư nhân, nước ngoài vào các dự án nhà ga hàng không và các dự án sân bay mới để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, ứng dụng kinh nghiệm quốc tế và tạo sự cạnh tranh dịch vụ nhất định trong kinh doanh sân bay ở Việt Nam…; xây dựng các khu dịch vụ mặt đất phù hợp cho việc phát triển hàng không chung, xây dựng công trình nhà ga tiên tiến để việc đi lại của khách hàng hiệu quả hơn như quầy tự làm thủ tục, các cửa lên máy bay điện tử tự động…

Bài 4: Du lịch hưởng lợi như thế nào với tự do hóa vận tải hàng không?

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ