• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 3: Vụ Jang Song Thaek thử thách quan hệ Trung – Triều

Thế giới 21/12/2013 06:45

(Toquoc)- Hai trong số những tội mà ông Jang Song Thaek bị cáo buộc dường như đều có liên quan đến Trung Quốc.

(Toquoc)- Ông Jang Song Thaek là quan chức Triều Tiên có những quan hệ gần gũi nhất với Trung Quốc, một người môi giới ngoại giao lão luyện và chịu trách nhiệm về việc soạn thảo hợp đồng với các công ty Trung Quốc. Bằng việc loại bỏ người chú rể, Kim Jong Un dường như muốn phát đi một tín hiệu cứng rắn tới Bắc Kinh. Đặc biệt khi hai trong số những tội mà ông Jang Song Thaek bị cáo buộc dường như đều có liên quan đến Trung Quốc.



Bài 1: Chưa có tiền lệ

Bài 2: Bản cáo trạng và những cuộc đào thoát, thanh trừng



Bản cáo trạng kết tội ông Jang Song Thaek nêu rõ ông ta bị buộc tội đã cho phép những người thân thuộc bán các nguồn nguyên liệu giá trị của đất nước với giá rẻ mạt, trong đó có than đá. Ông cũng bị cho là đã bán các quyền sử dụng đất đai ở Khu kinh tế đặc biệt Rason cho Trung Quốc trong 50 năm. Tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Yatai - một doanh nghiệp có trụ sở ở tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) - đã ký hợp đồng 50 năm để phát triển khu đất có diện tích 500.000 m2 ở đó.

Thái Kiện, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), nhận định rằng bằng việc đề cập đến hai tội của ông Jang Song Thaek có liên quan đến Trung Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể đang trút sự giận dữ của mình đối với sự lên án của Bắc Kinh thời gian gần đây liên quan các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.



Theo chuyên gia này, “Bắc Triều Tiên không thực sự tin tưởng Trung Quốc. Bắc Triều Tiên không muốn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc bởi vì Bình Nhưỡng không muốn Bắc Kinh kiểm soát họ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, Bắc Triều Tiên không có sự lựa chọn nào tốt hơn việc dựa vào Trung Quốc”.



Chuyên gia này cũng nhắc lại rằng trong năm nay, Bình Nhưỡng đã cử các phái viên tới Trung Quốc để thảo luận về khả năng tiến hành một chuyến thăm cấp nhà nước của ông Kim Jong Un tới Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ yêu cầu này.



Tháng 8/2012, ông Jang Song Thaek thăm Bắc Kinh và có cuộc  gặp với Chủ tịch Trung Quốc lúc  đó, ông Hồ Cẩm Đào

Mạng tin của Viện hòa bình và xung đột (IPCS), có trụ sở tại New Delhi, cũng nhận định rằng việc ông Jang Song Thaek bị loại bỏ dường như bắt đầu cho những thay đổi mang tính quyết định trong nền chính trị Triều Tiên cũng như trong quan hệ của nước này với Trung Quốc.

Cụ thể hơn, có những đồn đoán rằng bằng cách loại bỏ Jang Song Thaek, ông Kim Jong Un muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc. Đã có một số mâu thuẫn trong quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc, đặc biệt sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba hồi tháng 2/2013. Trung Quốc được cho là đã hợp tác với cộng đồng quốc tế để trừng phạt Triều Tiên và buộc nước này tham gia cuộc đàm phán với Hàn Quốc hồi tháng 6/2013. Trung Quốc cũng ép Triều Tiên tái khởi động tiến trình đàm phán sáu bên, mặc dù Bình Nhưỡng không muốn.



Ông Kim Jong Un đã không tới thăm Trung Quốc sau khi nhậm chức và thể hiện một số khoảng cách giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Với việc loại bỏ mắt xích quan trọng nhất với Trung Quốc, Kim Jong Un gửi tới Bắc Kinh lời nhắn nhủ rằng chính quyền của ông ta có thể tự lo liệu mà không cần Trung Quốc.

Trung Quốc là cửa sổ quan trọng cho Triều Tiên nhìn ra thế giới bên ngoài và sẽ không dễ để Triều Tiên từ bỏ sự giúp đỡ chính thức và không chính thức từ Trung Quốc. Nếu vụ thanh trừng Jang Song Thaek được nhìn nhận qua lăng kính của mối quan hệ không dễ chịu của Kim Jong Un với Trung Quốc, điều này có thể dẫn tới một biến động chính trị lớn tại Triều Tiên và trong khu vực. Tuy nhiên, nếu vụ thanh trừng chủ yếu do các yếu tố trong nước, Triều Tiên có thể cố gắng tìm mắt xích kế tiếp với Trung Quốc và cố thay vai trò của ông Jang Song Thaek trong quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc.

Về phần mình, ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác tại Trung Quốc có thể không quá quan ngại trước việc ông Jang Song Thaek bị xử tử, song họ cũng không thể hoàn toàn yên tâm. Tuy nhiên, trong vụ việc này, Bắc Kinh vô cùng “kín tiếng”.

Ngày 13/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng vụ tử hình ông Jang Song Thaek là vấn đề nội bộ của Bắc Triều Tiên. Ông Hồng Lỗi nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng phát triển mối quan hệ này theo một con đường lành mạnh và bền vững”.

Hiện vẫn chưa rõ vụ thanh trừng này có ảnh hưởng đến những cải cách kinh tế mà ông Jang Song Thaek đã thực hiện hay không. Tuy  nhiên, ngày 9/12, Bắc Triều Tiên vẫn ký một hợp đồng để phát triển thêm một đặc khu kinh tế dọc biên giới với Trung Quốc./

Nhã Quyên (Tổng hợp)

 

Bài 4: Kim Jong Un sẽ thử hạt nhân lần thứ tư?

(Toquoc)- Để củng cố quyền lực nội bộ, tạo thanh thế với thế giới, các nhà lãnh đạo Triều Tiên có thói quen tiến hành các vụ thử hạt nhân mỗi khi trong nước bất ổn. Sau vụ thanh trừng Jang Song Thaek, không loại trừ khả năng nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư.

Một tội của ông Jang, có thể là tội lớn nhất, theo một số nguồn tin, đó là trong một lần sang Bắc Kinh, ông này đã bí mật gặp Kim Jong Nam - người anh cả của Kim Jong Un. Kim Jong Nam thất sủng sau chuyến thăm Nhật Bản bằng giấy tờ giả mạo và sau đó sống lưu vong lúc ở Trung Quốc lục địa, lúc ở Ma Cao, dưới sự che chở của những nhân vật quyền thế ở Bắc Kinh và của tình báo Trung Quốc. Người ta xem Kim Jong Nam là "con bài dự trữ" của Trung Quốc. Cuộc gặp của ông Jang có thể liên quan đến việc phế lập nhà lãnh đạo trẻ, để đưa Kim Jong Nam trở về cầm quyền chăng? Như vậy là phạm vào "đại nghịch bất đạo"!

NỔI BẬT TRANG CHỦ