• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 4: Hiến kế phát triển Bóng đá Việt Nam

Thể thao 21/01/2018 21:47

(Tổ Quốc) -Sau hàng loạt những sự cố khiến bóng đá Việt Nam mất đi hình ảnh trong những năm vừa qua, những nhà quản lý đã phải bắt tay vào cuộc cải tổ nhằm đưa nền bóng đá nước nhà trở nên hoàn thiện hơn.

Giải đấu không bình yên

Trong những năm gần đây, giải đấu cao nhất của Việt Nam là V-League luôn bị đặt trong tình trạng nghi ngờ về tính trung thực và sự trong sạch của mỗi mùa giải. Không ít những vụ bán độ, tiêu cực được các cơ quan chức năng phơi bày ra ánh sáng.

Điển hình nhất trong số những vết đen của ngành bóng đá Việt Nam là mùa giải 2013/14 với 2 vụ việc nổi cộm là việc Ban lãnh đạo CLB bóng đá XM The Vissai Ninh Bình xin rút đội bóng khỏi giải do hơn 10 cầu thủ của CLB đã vi phạm đạo đức thể thao nghiêm trọng, tự lôi kéo nhau cá độ bóng đá khi đội The Vissai Ninh Bình thi đấu với đội Kelantan thuộc khuôn khổ Giải đấu AFC Cup 2014. Sự kiện thứ hai là việc 6 cầu thủ trong đội hình chủ chốt của đội Đồng Nai đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giam (sau trận đấu giữa đội Than Quảng Ninh và đội Đồng Nai, tại vòng đấu thứ 21 ngày 20/7/2014 trên SVĐ Cẩm Phả - Quảng Ninh), để điều tra và  khởi tố về hành vi tổ chức, tham gia đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, dàn xếp kết quả trận đấu.

Tiêu cực trong bóng đá ở mùa giải 2014 là một vết nhơ khó rửa (Ảnh: Thanh Niên)

Không những vậy, tình trạng thi đấu bạo lực, nạn chặt chém sân cỏ ở các cầu thủ rồi đến những quyết định thiếu sáng suốt của các trọng tài đã tạo nên bức tranh xấu xí về giải đấu V-League vốn là bộ mặt của ngành bóng đá Việt Nam.

Những sự việc đáng tiếc trên đã kéo hệ lụy khiến người hâm mộ cả nước quay lưng lại với môn thể thao vua. Theo thống kê ở mùa giải 2013, tổng lượng khán giả đến sân là 1.200.000 người (trung bình 11.091 người/trận). Nhưng đến mùa giải 2014, con số này giảm xuống chỉ còn 986.500 (trung bình 6.947 người/trận).

Bước sang năm 2015, nhờ lối đá đẹp, fair – play của đội bóng phố Núi HAGL, số lượng khán giả đã tăng lên con số 1.346.500 lượt người (trung bình 7.400 người/trận). Nhưng sau lượt đi, những thất bại ê chề của đội bóng nhà bầu Đức lại đẩy V-League rơi theo đà suy thoái.

Con số người hâm mộ tiếp tục giảm đi trông thấy khi lượng khán giả trung bình mùa giải V-League 2016 chỉ còn 6.257 người/trận và hết mùa giải 2017 thì thấp kỷ lục. Sau 26 vòng đấu V-League 2017, con số khán giải đến sân chỉ là 1.017.000 lượt (trung bình 5.592 người/trận). Trong đó, trận Long An – XSKT Cần Thơ ở vòng đấu cuối cùng chứng kiến số người đến sân theo dõi một trận đấu của V-League thấp nhất lịch sử với 200 người.

Thay đổi hoàn toàn từ mùa giải 2018

Đứng trước thực trạng này, ngành bóng đá Việt Nam cần có những giải pháp mạnh tay hơn nhằm làm sạch  giải bóng đá V-League.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn: “VFF kiên quyết nói không với vấn nạn này, kiên quyết loại bỏ. Chúng tôi đã loại khỏi đời sống bóng đá những cầu thủ dính tới tiêu cực, điển hình như vụ Ninh Bình hay Đồng Nai. Các trọng tài dính dáng cũng bị loại bỏ vĩnh viễn”.

Đồng thời, Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cũng cho biết sẽ tiến hành quy hoạch lại hệ thống giải của Việt Nam. Cụ thể, trong nhiệm kỳ tới, VFF định hướng đưa ra bản dự thảo, quy hoạch giải V-League là 14 đội tham dự, hạng nhất là 14 đội và hạng nhì là 16 đội. Việc đưa ra kế hoạch quy hoạch lại giải đấu sẽ giúp tính cạnh tranh tăng cao, đồng thời tăng chất lượng, tính chuyên môn của mỗi trận đấu.

Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn khẳng định sẽ đưa ra những giải pháp tích cực với bóng đá Việt Nam trong thời gian tới (Ảnh: Minh Khánh)

Cùng với việc đấu tranh  với tiêu cực, cá độ… và quy hoạch lại giải đấu, VFF cũng khẳng định sẽ tăng chất lượng của giải đấu V-League bằng cách cân nhắc các giải pháp như tăng suất xuống hạng, nâng cao tính cạnh tranh, hạn chế các hình ảnh phản cảm, nâng cao chất lượng sân bãi...

Bên cạnh những giải pháp từ phía Tổng cục TDTT và VFF đưa ra, nhiều chuyên gia bóng đá cũng hiến kế những thay đổi được cho là cần thiết với nền bóng đá Việt Nam. Theo chuyên gia Trịnh Minh Huế, cựu HLV CLB Thể Công cho rằng, bóng đá trẻ Việt Nam thi đấu rất tốt nhưng khi lên đội tuyển thì chưa thành công vì quy chế của Việt Nam không còn phù hợp với thực tiễn.

“Bóng đá nước ngoài quy định cầu thủ phải đá từ 50-60 trận/một năm, cũng giống như chúng ta phải học hết lớp 12 mới vào được đại học. Nhưng chúng ta thì không bao giờ đá được 50-60 trận. Giải hạng Nhất chúng ta chỉ có 7 đội thì ngày nào các cầu thủ trẻ mới chen chân vào được và ngày nào mới lên được ngoại hạng (V-League)? Nếu không đủ 50-60 trận thì làm sao có được kinh nghiệm tâm lý, làm sao có đủ kinh nghiệm thi đấu?”- Chuyên gia Trịnh Minh Huế đặt câu hỏi.

Dẫn ví dụ từ nước bạn Thái Lan, cựu HLV CLB Thể Công cho hay, trước đây, Thái Lan chỉ có 10 đội bóng quanh khu vực Bangkok nhưng đến thời điểm hiện tại, xứ chùa Vàng đã có 8 đội ngoại hạng, 20 đội hạng nhất, mấy chục đội hạng nhì. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nền bóng đá Thái Lan đã cho phép sử dụng các cầu thủ ngoại binh.

“Chúng ta lại cứ rút lại thì làm sao mới tiến bộ được? Nên chúng ta đừng thấy làm lạ là tại sao trẻ thì đá tốt nhưng lên cao thì lại không đá được. Vì quá trình rèn luyện tâm lý gồm rất nhiều trận và thứ tự từng cấp một mới cho lên chứ không phải thấy đá tốt rồi đưa lên ngoại hạng cho dự bị rồi cứ thế đi loanh quanh thì sẽ rơi rớt và không bao giờ thành”- Chuyên gia Trịnh Minh Huế cho biết.

Tại buổi đối thoại về “phát triển bóng đá Việt Nam” ngày 13/01 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, trong thời gian tới, nền bóng đá Việt Nam cần có sự thay đổi quyết liệt để tăng chất lượng cũng như lấy lại niềm tin của người hâm mộ với bóng đá nước nhà.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải khẳng định, Bộ VHTTDL và các cơ quan có liên quan sẽ đưa ra những giải pháp, kiên quyết xử lý tình trạng này. Khẳng định của Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã nhận được đồng tình của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cùng nhiều chuyên gia có mặt tại buổi đối thoại.

"Chúng tôi sẽ tiếp thu nghiêm túc và kiên quyết loại bỏ các hành vi bạo lực, thưởng điểm, cho điểm trong mùa giải 2018 và các mùa giải tiếp theo"- Trưởng BTC V-League Nguyễn Minh Ngọc khẳng định.

Đăng Huy

 

Đăng Huy

NỔI BẬT TRANG CHỦ