• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài học từ cải cách hành chính Triều Nguyễn

Văn hoá 13/10/2018 11:03

(Tổ Quốc)- Ngày 12/10, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo khoa học "Dấu ấn cải cách hành chính triều Nguyễn – Giá trị lịch sử và đương đại".

Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học.

Khoảng 20 tham luận của các nhà khoa học và một số địa phương trong cả nước tại Hội thảo khoa học "Dấu ấn cải cách hành chính triều Nguyễn – Giá trị lịch sử và đương đại" tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Đánh giá cao những thành tựu cải cách của triều Nguyễn, đặc biệt là cuộc cải cách hành chính dưới thời vua Minh Mạng; đi sâu phân tích về Luật "Hồi tị", một chính sách ưu việt dưới thời phong kiến và triều Nguyễn trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước, hạn chế tham nhũng, tránh việc lợi dụng mối quan hệ cá nhân để tư lợi; công bố các tư liệu gốc về cải cách hành chính triều Nguyễn thông qua các Di sản tư liệu thế giới như Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn; thực trạng cải cách hành chính tại địa phương trên các lĩnh vực sắp xếp tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi một số dịch vụ công từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân…

Bài học từ cải cách hành chính Triều Nguyễn - Ảnh 1.

Hội thảo "Dấu ấn cải cách hành chính triều Nguyễn – Giá trị lịch sử và đương đại" là dịp để tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm cải cách, những kế sách của vương triều Nguyễn, nhằm rút ra những bài học hữu ích để vận dụng vào thực tiễn cải cách, đổi mới hiện nay của đất nước (ảnh vtv.vn)

Đề cập tới việc vận dụng những ưu điểm của cơ chế kiểm soát quyền lực của triều Nguyễn vào việc thực hiện kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng ở nước ta, ông Cao Văn Thống - ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc kiểm tra, giám sát các cơ quan hành chính và đội ngũ quan lại triều đại này đã thực hiện nghiêm túc nguyên tắc "trên dưới liên kết hợp đồng, trong ngoài kiềm chế lẫn nhau", góp phần không nhỏ vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và các quan lại, hạn chế, ngăn ngừa lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, tha hóa quyền lực.

Đặc biệt, triều Nguyễn kết hợp kiểm tra, giám sát từ bên ngoài với kiểm tra, giám sát từ bên trong rất hiệu quả, góp phần làm cho đội ngũ quan lại biết "tự soi, tự sửa, tự rèn, tự tránh" để giữ mình liêm chính, làm tròn bổn phận, chức trách được giao.

Ông Cao Văn Thống nhận định, hiện nay, ở Việt Nam, việc kiểm tra, giám sát từ bên trong rất hạn chế thông qua tự phê bình, phê bình, kiểm điểm, đánh giá, nhận xét hàng năm nhưng nhiều nơi rất hình thức và cũng ít xử lý được trường hợp nào.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh, cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra từ nhiều năm nay. Trong khi thế giới đang có nhiều biến động, khó khăn thì tại Việt Nam, nền kinh tế liên tục tăng trưởng trong 10 năm trở lại đây, đó là do những tác động mạnh mẽ của cải cách hành chính. Thực tế cho thấy, cải cách hành chính hiệu quả, đất nước được ổn định. Đánh giá những dấu ấn cải cách của thời đại trước, rút ra bài học kinh nghiệm cho đương đại nhằm đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan những nội dung cải cách tinh thần để công tác cải cách hành chính đạt kết quả tốt hơn.

Hội thảo không chỉ là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà sử học, các chuyên gia cải cách hành chính, các đại biểu đến từ các bộ, ngành và địa phương ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc, mà còn là dịp để tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm cải cách, những kế sách của vương triều Nguyễn, nhằm rút ra những bài học hữu ích để vận dụng vào thực tiễn cải cách, đổi mới hiện nay của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, nhất là thực hiện các chủ trương lớn về cải cách hành chính nói chung, cải cách tổ chức bộ máy hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng./.

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ