• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bám sát diễn biến nóng Mỹ - Afghanistan, Nga nhắm đến an ninh Trung Á

Thế giới 07/05/2020 13:27

(Tổ Quốc) - Tình hình Afghanistan không ổn định sẽ kéo theo nhiều nguy cơ đe dọa tất cho các nước láng giềng. Còn đối với Nga, đây có thể là một cơ hội vàng, theo phân tích trên trang The Interpreter của Viện nghiên cứu Lowy.

Ba tháng đã trôi qua kể từ khi Hoa Kỳ và Taliban ký "Thỏa thuận về mang lại hòa bình cho Afghanistan". Đối với người Mỹ, văn bản này nhằm mục đích chấm dứt sự can thiệp của quân đội Mỹ vào Afghanistan, đã kéo dài hơn 18 năm. Các quy định của thỏa thuận nêu ra việc rút toàn bộ lực lượng Mỹ và nước ngoài khỏi đất nước này trong vòng 14 tháng. Đổi lại, Taliban cam kết ngăn việc sử dụng lãnh thổ Afghanistan để "đe dọa an ninh của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ". Thỏa thuận này cũng kêu gọi Taliban tham gia đối thoại với chính phủ Afghanistan.

Trong khi các nhà bình luận đã viết nhiều về những ưu và nhược điểm của thỏa thuận Mỹ-Taliban, thì sự chia rẽ về lập trường an ninh của các nước láng giềng Afghanistan ở Trung Á đã bị bỏ qua.

Cơ hội định hình vị thế khu vực

Khu vực này có một lịch sử lâu dài về những luồng tư tưởng và con người đa dạng, bao gồm việc phát triển các lực lượng vũ trang – trải khắp biên giới các nước Trung Á giáp với Afghanistan. Một số nhóm chiến binh hoạt động mạnh nhất ở Afghanistan là các nhóm gốc Trung Á, như phong trào Hồi giáo Tajikistan và Uzbekistan; Đảng Hồi giáo Turkistan (trước đây là Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan) và Nhà nước Hồi giáo Khorasan – lực lượng có tham vọng lãnh thổ lớn hơn nhiều so với Taliban. Các quốc gia láng giềng cũng đặc biệt lo lắng về những người gốc Trung Á từ Trung Đông trở về Afghanistan khi cuộc nội chiến ở Syria sắp kết thúc. Những yếu tố này cuối cùng sẽ thúc đẩy khu vực tăng tốc hợp tác an ninh và quan hệ với một đồng minh cũ: Nga.

Bám sát diễn biến nóng Mỹ - Afghanistan, Nga nhắm đến an ninh Trung Á - Ảnh 1.

Đối với Nga, việc Mỹ ra đi có thể là một cơ hội vàng để xác định lại vị thế của họ ở khu vực Trung Á. Nga coi sự hiện diện an ninh ở các quốc gia hậu Xô Viết là một diễn biến hợp lí về lịch sử, về sự gần gũi địa lý và cùng có các mối đe dọa chung. Những lo ngại về an ninh của Nga trong khu vực này liên quan đến nhiều yếu tố như buôn bán ma túy, buôn bán người, di cư bất hợp pháp và trên hết là khủng bố. Tất cả những yếu tố này đều có diễn biến phức tạp ở Afghanistan, điều có thể sẽ thúc đẩy Nga cố gắng tăng cường ảnh hưởng đến an ninh của các quốc gia Trung Á.

Nga đã tăng cường tầm ảnh hưởng và sự hiện diện trong khu vực thông qua các tổ chức quốc tế như Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). Mặc dù các tổ chức này cho phép Nga hòa nhập với các quốc gia Trung Á về trình độ kinh tế, chính trị và xã hội, nhưng họ cũng mở đường cho sự nâng cao phối hợp an ninh. Các tổ chức này đã bắt đầu thúc đẩy các biện pháp chống lại các mối đe dọa từ Afghanistan. Vào tháng 3, đại diện các cơ quan biên giới của Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan đã gặp nhau tại Samarkand để đưa ra kế hoạch ngăn chặn sự xâm nhập của các chiến binh cực đoan từ Afghanistan.

Lợi thế từ vũ khí và địa chính trị

Nga cũng nắm giữ vị thế gần như độc quyền về buôn bán vũ khí trong khu vực này và là nguồn cung cấp thiết bị quân sự chính kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Các bản tin gần đây cho thấy các quốc gia Trung Á có thể hiện đại hóa lực lượng quân sự và an ninh của họ với sự hỗ trợ tích cực của Nga. Ví dụ, Uzbekistan đã ký kết nhiều hợp đồng khác nhau về mua các thiết bị quân sự tiên tiến từ Nga, bao gồm máy bay trực thăng, hệ thống radar, xe bọc thép và máy bay chiến đấu. Hợp tác quân sự giữa Nga và Uzbekistan đã tăng lên kể từ khi hai bên thúc đẩy quan hệ quân sự vào năm 2017. Các khoản mua hàng của Uzbekistan sẽ được tài trợ ít nhất một phần từ các khoản vay do Moscow hậu thuẫn – điều tiếp tục tạo sự gắn kết các nguồn lực tài chính và quân sự của Uzbekistan với Nga.

Tại Kazakhstan, Nga đang tích cực tham gia vào các chương trình hiện đại hóa khí tài trên không của quân đội nước này. Năm 2019, hai quốc gia đã đồng ý ra mắt một cơ sở sản xuất máy bay trực thăng do Nga sản xuất. Mặc dù có kế hoạch phát triển một ngành công nghiệp quân sự phát triển trong nước, Kazakhstan gần đây đã mua nhiều thiết bị quân sự quan trọng của Nga.

Cùng tình thế này, Tajikistan và Kyrgyzstan cũng đang có mối quan hệ quân sự với Nga vì Moscow trong những năm gần đây đã tăng cường hỗ trợ quân sự cho hai quốc gia này. Kyrgyzstan đã là căn cứ cho một cơ sở không quân Nga từ năm 2003. Căn cứ không quân Kant hoạt động như một phần của lực lượng chung của CTSO. Hồi tháng 2, Nga tuyên bố ý định thành lập một đơn vị máy bay không người lái và lắp đặt hệ thống phòng không tiên tiến tại căn cứ không quân này. Động thái này theo sau việc Nga triển khai các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến tới một căn cứ quân sự gần Dushanbe, thủ đô của Tajikistan.

Trước sự việc này, thật khó để tưởng tượng tương lai cấu trúc an ninh của Afghanistan và Trung Á nếu không có vai trò tích cực của Nga. Các chuyên gia Nga đã bày tỏ sự lo ngại của họ về khả năng tiếp tục xảy ra xung đột ở Afghanistan và sự mất ổn định của cấu trúc an ninh hiện tại. Từ khi quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan năm 1989 cho đến nay, Taliban đã nổi lên như một thế lực có ảnh hưởng đáng kể tại nước này.

Dù quá trình chuyển đổi quyền lực hiện tại ở Afghanistan có thể diễn ra trong yên ổn thì nhiều nhà quan sát cũng đang thấy rất khó để hình dung tình hình hòa bình cho nước này. Quá trình chuyển đổi chính trị tại đây chắc chắn sẽ tạo ra một khoảng trống và cần phải có sự can thiệp ngày càng tăng của Nga vào khu vực. Các quốc gia Trung Á, đối mặt với sự mơ hồ về tương lai của Afghanistan, chắc chắn sẽ hoan nghênh sự tham gia này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ