• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bạn có phải một người độc hại không: 10 dấu hiệu dưới đây sẽ khiến nhiều người bất ngờ vì thấy mình trong đó

(Tổ Quốc) - Trong tình yêu, chúng ta luôn đúng, tôi và bạn. Không ai nhận ra mình là người toxic hoặc có một đặc điểm dù là nhỏ nhất. Nhưng hầu như ai cũng đã từng phải trải qua một sự độc hại.

Những mối quan hệ độc hại (toxic) không còn phải là điều quá khó tìm trong tình yêu hiện đại. Chúng ta sẽ không thể tránh khỏi, vì đôi khi đó chỉ là một hành vi, thói quen nhỏ nhặt. Tuy nhiên, việc nhận ra được đâu là điều độc hại trong chuyện tình cảm sẽ giúp bạn thay đổi, hoặc hiểu nhau hơn để hướng tới sự thay đổi. 

Trong một câu hỏi mở nhanh tôi đặt ra trên Facebook “theo mọi người, mối quan hệ độc hại là gì”, đa phần người trẻ đều có chung những cách nhìn nhận. Điều đó chứng tỏ rằng, “ngôn ngữ” và hành vi độc hại trong chuyện tình cảm cũng là vấn đề của cả một thế hệ. 

“Mối quan hệ độc hại bao gồm các hành vi: Im lặng không thẳng thắn giải quyết vấn đề, lăng nhăng về tình cảm và tình dục, thao túng đối phương, tỏ ra thượng đẳng”, Quang Minh chia sẻ.

“Đối phương luôn khiến cho mình có cảm giác buộc phải cố gắng trong mọi việc, buộc phải nấu ăn ngon hơn, buộc phải cư xử cho thế gian hài lòng hơn mà bản thân mình thực sự không muốn”, Thục Hạnh (25 tuổi, Hà Nội) có những cách nhìn nhận cụ thể về mối quan hệ độc hại. Với Ngọc Linh, sự độc hại trong một mối quan hệ chính là việc hai người “luôn đem đến năng lượng tiêu cực. Ở bên người ta khiến mình cảm thấy mình tệ hơn, xấu hơn, nhiều chuyện không hay hơn, chán nản, tự ti, không muốn cố gắng.... Đối phương có thể cố ý hoặc vô tình khiến mình”.

Những hình dung và trải nghiệm về mối quan hệ độc hại như vậy đều không sai. Đó là những lát cắt người ta thấy trong một chuyện tình, đôi khi là cả tình bạn. Thử nhìn vào 10 đặc điểm điển hình của một mối quan hệ độc hại, một “nửa kia” toxic hay đơn giản là những hành vi có thể hủy hoại một mối quan hệ về lâu dài và xem bạn có bao nhiêu điều?

1. Đối phương né tránh bạn hoặc kết thúc mối quan hệ

Đây thường là dấu hiệu đầu tiên chỉ ra rằng có gì đó không đúng ở đây. Nếu các mối quan hệ bạn có luôn kết thúc một cách đột ngột, có thể là vì bạn. 

Trong tình cảm, nỗ lực sẽ được thực hiện để duy trì mối quan hệ nếu họ thực sự thích ở bên cạnh người kia. Còn nếu không, họ sẽ tìm cách để tránh càng xa bạn càng tốt.

Bạn có phải một người độc hại không: 10 dấu hiệu dưới đây sẽ khiến nhiều người bất ngờ vì thấy mình trong đó - Ảnh 1.

2. Bạn luôn đánh giá và chỉ trích lựa chọn của người khác

Bất cứ khi nào tỏ thái độ đánh giá người khác, chúng ta đã gửi đi một thông điệp rằng mình hơn họ. Tất nhiên, không ai thích cảm giác thua kém người khác.

Ai cũng cần có một khoảng tự do riêng để đưa ra những quyết định, làm những điều mình muốn mà không cần phải lo lắng về sự đánh giá từ người thân và bạn bè. Kể cả mắc lỗi thì đó cũng là cách để chúng ta trưởng thành. Chẳng có thứ gì hoàn hảo tuyệt đối; chỉ có sự đánh giá người khác sẽ tuyệt đối làm bạn mất điểm trong mắt đối phương.

3. Bạn kiểm soát

Đã bao giờ bạn cố ra lệnh, gợi ý cho người khác phải làm điều như bạn muốn không? Đôi khi theo một cách rất hống hách và thô lỗ? 

Nếu bạn luôn cố gắng để áp đặt quyền lực, một cách có chủ đích, lên người khác, bạn chính là người có thói quen kiểm soát. Sự kiểm soát thái quá tạo ra cơ chế phản kháng ở đối phương khi họ cảm thấy mình không còn được là chính mình. Đáng buồn, ai cũng nói “anh sẽ thay đổi vì em” nhưng thực ra thì “em đừng cố thay đổi anh, anh không muốn.

4. Bạn không bao giờ xin lỗi

Xin lỗi thật tình là một cách cư xử phù hợp khi bạn mắc lỗi trong mối quan hệ. Việc thú nhận mình không phải người hoàn hảo với người khác là một điều không dễ dàng nhưng là cách tốt để xây dựng và nuôi dưỡng chuyện tình cảm.

Nếu bạn không bao giờ xin lỗi, kể cả khi rõ ràng rằng bạn đã sai, sẽ chẳng có cách nào khác để hai người có thể củng cố lại mối quan hệ. Nếu cụm từ “Anh xin lỗi” quá khó với bạn, thay vào đó bạn lại quá giỏi trong việc lấp liếm, ngụy biện thì chắc chắn bạn sẽ luôn kết thúc mối quan hệ với cùng một kịch bản.

Bạn có phải một người độc hại không: 10 dấu hiệu dưới đây sẽ khiến nhiều người bất ngờ vì thấy mình trong đó - Ảnh 2.

5. Bạn không chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề

Cuộc đời vốn bất công nhưng nếu lúc nào bạn cũng thấy mình là nạn nhân thì chắc chắn vấn đề là ở trong suy nghĩ của bạn, chứ không phải cuộc đời “chơi xấu’ bạn. Vấn đề chắc chắn là của bạn. 

Khi nào gặp vấn đề gì, bạn cũng tìm cách đổ lỗi cho người khác: Vì sếp khó tính nên bạn thấy ngột ngạt, vì người yêu không gọi nên bạn dậy muộn, vì bố mẹ cứ càu nhàu nên bạn trầm cảm. Không ai muốn ở gần những người lúc nào cũng tự nạn nhân hóa mình. Cuộc sống vốn đã quá khó khăn rồi, ở bên cạnh những người mà lúc nào họ cũng có thể đổ lỗi cho bạn, là điều cuối cùng ai đó muốn làm. Trừ khi bạn thích tự ngược đãi tinh thần bản thân, nhưng tôi đoán là không. 

6. Bạn chỉ muốn nhận về chứ không cho đi

Khi ai đó tử tế với bạn, hãy thử dành chút thời gian và nghĩ, “lần cuối cùng mình cư xử tử tế với ai đó là bao giờ?”, nếu ai đó tặng bạn một món quà ý nghĩa, lần sau bạn có thể cân nhắc tặng ai đó một món quà, có thể không phải là người trước đây tặng quà bạn, nhưng là bất cứ ai mà bạn nghĩ món quà đó sẽ có ý nghĩa với họ. 

Chúng ta không thể lúc nào cũng chăm chăm nghĩ tới việc xem mình nhận được gì từ người khác. Hãy nghĩ về những điều chúng ta có thể giúp người khác. Nếu trong ba tháng vừa rồi, bạn không thể nhớ rằng mình đã dành tặng ai điều gì - dù là món quà hay lời nói tử tế, bạn chắc chắn là một “kẻ chỉ thích nhận”.

7. Lúc nào cũng vơ vào mình

Một người bạn đang trải qua khoảng thời gian khó khăn và họ nói rằng mình cần không gian riêng. Thay vì tôn trọng yêu cầu đơn giản đó, bạn lại nghĩ rằng bạn mình đang giận dữ nhưng không nói thật. 

Bạn thấy tổn thương và bắt đầu giận ngược lại. Bạn gọi bạn mình là kẻ ích kỷ và lôi mọi chuyện trong quá khứ ra. Bạn nói xấu bạn mình với mọi người xung quanh.

Không phải lúc nào cũng nên vơ mọi chuyện về mình. Nếu bạn làm thế, chẳng ai còn dám chia sẻ hay đến gần nữa cả.

8. Bạn không mừng cho sự thành công của người khác

Tôi từng nghĩ rằng cuộc đời là một trò chơi tổng bằng 0; nếu ai đó đạt được cái gì có nghĩa rằng cơ hội của tôi đã mất. Nếu bạn thân của tôi được học bổng, nghĩa là cơ hội đó (đáng nhẽ ra dành cho tôi) giờ đã chuyển sang bạn mình.

Bởi vì suy nghĩ rằng mình luôn bị “tước đoạt”, tôi từng không hạnh phúc nếu ai đó đạt được cái gì, dù tôi biết họ xứng đáng. Tôi không thể vượt qua nổi cảm giác rằng họ đang tận hưởng điều đáng nhẽ là của mình. 

Đó là một suy nghĩ độc hại - đã là bạn bè, hãy luôn dành cho nhau lời chúc nhiệt thành, thật lòng và hỗ trợ nhau trong mọi hoàn cảnh.

9. Bạn không thể giữ bí mật

Việc giao tiếp một cách cởi mở và chân thành là điều cần thiết để xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Chia sẻ những câu chuyện, bí mật của bạn bè với người thứ ba là một điều không thể chấp nhận - biểu hiện của sự phản bội.

Bạn có phải một người độc hại không: 10 dấu hiệu dưới đây sẽ khiến nhiều người bất ngờ vì thấy mình trong đó - Ảnh 3.

Chúng ta thường muốn chia sẻ những bí mật cho người khác vì tình yêu với các câu chuyện phiếm. Đôi khi bạn không thực sự quan tâm về đối phương, bạn chỉ thích nghe những câu chuyện của họ. Nhưng hãy nhớ rằng, nếu ai đó thích buôn chuyện với bạn, rồi một ngày họ cũng sẽ buôn chuyện với ai khác về bạn. 

10. Bạn luôn gây hấn thụ động

Các mối quan hệ lành mạnh thường bắt đầu với sự tin tưởng và an toàn. Chúng ta có thể xây dựng sự tin tưởng và an toàn bằng cách trao đổi với nhau rõ ràng, tường minh. Việc gây hấn thụ động qua lời nói, hành động là điều đi ngược lại với bản chất của một mối quan hệ rõ ràng. 

Thay vì giải quyết vấn đề, hai người sẽ đối xử với nhau bằng những từ ngữ gây tổn thương, sự giận dữ vô lý. Gây hấn thụ động là cách khiến mối quan hệ dần kết thúc khi hai người luôn tỏ ra khó chịu nhưng không hiểu vì sao đối phương lại cư xử như vậy. 

Bạn có phải một người độc hại không: 10 dấu hiệu dưới đây sẽ khiến nhiều người bất ngờ vì thấy mình trong đó - Ảnh 4.

Con người không có ai hoàn hảo - chúng ta không thể bắt đầu một mối quan hệ bằng cách tìm một người qua được hết bài test “độc hại” này. Nhưng nếu đã xác định đặt mối quan hệ cao hơn cá nhân, hai người cần phải tìm cách để vượt qua cái tôi, dần thay đổi hoặc chấp nhận người kia. Nếu muốn “chiến thắng” trong một cuộc chơi tình cảm, hai người phải chơi theo luật và gạt bỏ những thứ độc hại ra khỏi mối quan hệ.

Bạn có phải một người độc hại không: 10 dấu hiệu dưới đây sẽ khiến nhiều người bất ngờ vì thấy mình trong đó - Ảnh 5.

Minh Đức/ Design: Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ