• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bán đảo Triều Tiên trải qua một cơn lốc ngoại giao

Thế giới 30/03/2018 13:17

(Tổ Quốc) - Kim Jong-un thăm Bắc Kinh, tìm chống lưng trước khi tiến hành gặp thượng đỉnh với Moon Jae-in và Donald Trump.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 25-28/3, Kim Jong-un bất ngờ tuyên bố  Bình Nhưỡng kiên định với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Điều này dường như nhằm đáp ứng điều kiện tiên quyết mà Seoul và Washington đưa ra để tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh.

Tại sao lại trước hết thăm Trung Quốc?

Nếu Triều Tiên quả thực bắt đầu một quá trình đàm phán nghiêm túc dẫn đến phi hạt nhân hóa, Bình Nhưỡng cần có sự bảo đảm của Bắc Kinh về an ninh và sự tồn tại của chế độ, bao gồm “bảo lãnh hạt nhân”. Điều này ông Tập Cận Bình dễ dàng đáp ứng vì phù hợp với lợi ích chiến lược của Trung Quốc duy trì khu đệm an ninh ở biên giới đông bắc.

Nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên hoàn toàn tự tin, thoải mái trước nghi thức ngoại giao nước lớn tại Bắc Kinh.

Mặc dù, từ khi lên nắm quyền tháng 12/2011, ông Kim tỏ thái độ bất hợp tác và chỉ trích gay gắt Trung Quốc, bác bỏ cơ chế đàm phán 6 bên do Trung Quốc đề xuất; vừa đối chọi gay gắt với Mỹ, lại tìm cách lôi kéo Mỹ vào cuộc đàm phán trực tiếp song phương. Trung Quốc sẽ bị mất mặt nếu bị đặt ngoài tiến trình đàm phán về Triều Tiên.

Chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Kim tới Trung Quốc đã cấp cho Bắc Kinh mặt mũi ngoại giao nước lớn. Chuyến thăm này còn nhằm tránh chọc giận Bắc Kinh với hậu quả khôn lường nếu để Trung Quốc đứng ngoài tiến trình giải quyết vấn đề Triều Tiên. Thăm Bắc Kinh sẽ tăng thế mặc cả và đòn bẩy ngoại giao khi Triều Tiên bước vào thương lượng với Hàn Quốc và Mỹ. Chuyến thăm này đã đưa Trung Quốc tiến gần vào trung tâm tiến trình thương lượng tay đôi và tay ba Triều - Hàn - Mỹ. Đồng thời còn nhằm tranh thủ sự hỗ trợ của Trung Quốc về kinh tế, với hy vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng các đòn trừng phạt sau các cuộc gặp cấp cao với Mỹ. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn Kim Jong-un đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ không tiến tới một thỏa thuận với Mỹ gây tổn hại cho các lợi ích an ninh Trung Quốc.

Triều Tiên cần tư duy mới táo bạo khi đàm phán hạt nhân

Chính quyền Trump đã kiên quyết theo đuổi mục tiêu phổ quát về phi hạt nhân hóa toàn diện, có kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID) đối với tiềm lực hạt nhân Triều Tiên. Đồng thời, tại thời điểm này, Mỹ hướng tới một thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên sao cho phù hợp với chủ trương xét lại thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran, trong nỗ lực tăng cường kiềm chế cường quốc khu vực Trung Đông này.

 Vị lãnh đạo Trung Quốc: "Mời ông dùng ly rượu để giải cơn khát". Vị khách Triều Tiên: "Cần dầu lửa nữa chứ!" (Theo Nhật báo Hoa Nam buổi sáng)

Tuy nhiên, phi hạt nhân hóa là một quá trình phức tạp, sẽ có những cuộc mặc cả kiểu “bánh ít trao đi, bánh chì trao lại”. Tại Bắc Kinh, ông Kim nêu điều kiện đi kèm của Bình Nhưỡng, “vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết, nếu Hàn Quốc và Mỹ phản ứng với những nỗ lực của chúng tôi một cách thiện chí, tạo bầu không khí hòa bình và ổn định, đồng thời tiến hành các giải pháp đồng bộ và tiến bộ nhằm đạt được hòa bình".

Mục tiêu mà chính quyền Trump đặt ra trong cuộc đàm phán lần này có thể là, tập trung giới hạn toàn diện và có thể kiểm chứng tiềm lực vũ khí chiến lược của Triều Tiên. Một hình thức giới hạn mở rộng có thể mang lại lợi ích trung hạn cho Mỹ và hai đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng dễ chấp thuận từ phía Trung Quốc và Triều Tiên. 

Giới hạn đó gồm hạn chế sản xuất nhiên liệu bom chủ chốt, số lượng plutoni và urani được làm giàu; bao quát việc phát triển, xây dựng các năng lực thiết yếu bổ trợ, ví dụ như tên lửa đạn đạo tầm xa; nghiên cứu, phát triển, chế tạo vũ khí... Ngoài ra, để hạn chế tối đa năng lực của Triều Tiên sử dụng lực lượng hạt nhân hoặc vũ khí quy ước, Mỹ sẽ đề xuất việc kiểm soát chặt chẽ việc quân sự hóa lực lượng hạt nhân.

Một thỏa thuận giới hạn thành công cũng sẽ bao gồm thực thi khắt khe hơn lệnh cấm vận theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nó đồng nghĩa với việc giám sát hiệu quả hơn nữa hoạt động mua bán các thiết bị, nguyên liệu bị cấm do lo ngại chúng được phổ biến. Một công cụ là điều chỉnh trao đổi thương mại của Triều Tiên thông qua một số cảng được xác định ở khu vực.

Cái giá của hình thức hạn chế như vậy có thể gồm việc ngầm thừa nhận thực tế Bình Nhưỡng vẫn sở hữu trong tay vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, cần ký hiệp ước hòa bình, thiết lập quan hệ ngoại giao, bỏ cấm vận và viện trợ kinh tế, v.v… Nghĩa là quá trình thương lượng còn dài dài.

Ngoại giao nước nhỏ đối phó với các nước lớn

Triều Tiên  đã nhạy bén thích ứng với môi trương địa chính trị đang thay đổi kịch tính, khi Mỹ xem Trung Quốc (cùng với Nga) là đối thủ cạnh tranh chiến lược số I. Bình Nhưỡng muốn kịp thời lợi dụng mâu thuẫn mới giữa các nước lớn liên quan để cải thiện vị thế chiến lược của nước này, bao gồm lợi dụng chủ trương hòa dịu của chính quyền Moon Jae-in.

Việc Kim Jong-un thăm Bắc Kinh cho thấy sự lão luyện của ngoại giao Triều Tiên: khi cần cứng thì cứng mà không sợ hãi “Thiên triều”, khi cần mềm thì liền uyển chuyển; mạnh dạn đổi mới tư duy khi thăm Trung Quốc trước và gặp tổng thống Hoa Kỳ sau, mặc dù Triều Tiên không tin cậy Mỹ và càng không tin Trung Quốc. Nước nhỏ nếu xơ cứng dễ bị tổn thương trước sự cọ xát của cường lực nước lớn.

Cuối cùng, sự thất thường của Donald Trump và Kim Jong-un  cũng là một phần của thành công hoặc thất bại của quá trình đàm phán sắp tới. Biết đâu hai vị lại bất ngờ ngả bài? Ở giao thời chính trị thế giới hiện nay, tư duy táo bạo cũng mang lại sức mạnh vật chất to lớn./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ