• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân: Không lợi ích nhóm, không tư lợi

Kinh tế 31/10/2017 09:35

(Tổ Quốc) -Trước mắt Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực Việt Nam có sức mạnh cốt lõi là nông nghiệp, du lịch và công nghệ số.

Tối 30/10, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng- Ban IV) đã làm lễ ra mắt.

Không có lợi ích nhóm, tư lợi từ Ban IV

Tại lễ ra mắt, ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban IV chia sẻ, sự khác biệt là Ban IV sẽ “cố gắng tận tâm tận lực” để các đề xuất phải xuất phát từ thực tiễn doanh nghiệp đang gặp khó khăn để đưa ra hướng giải quyết.

"Đây là cơ hội để chúng tôi đóng góp cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân phát triển", ông Trương Gia Bình nói đồng thời khẳng định, nguyên tắc lựa chọn đó là làm sao tháo gỡ được các rào cản đông doanh nghiệp vướng nhất, mất cơ hội nhất, mất tiền nhiều nhất.

 Ông Trương Gia Bình: Sẽ không có lợi ích nhóm, không có tư lợi gì ở đây". Ảnh: Thái Linh

“Sẽ không có lợi ích nhóm, không có tư lợi gì ở đây”- Ông Trương Gia Bình khẳng định.

Được biết, hàng năm, tài chính của Ban sẽ được tiến hành kiểm toán độc lập và công khai kết quả kiểm toán bởi Công ty TNHH Delloite Vietnam. Nguồn kinh phí hoạt động được thu từ đóng góp của thành viên Ban IV, tài trợ của các tổ chức quốc tế, nguồn thu từ các sự kiện có kêu gọi tài trợ…

Ban IV sẽ chủ trì nghiên cứu và tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân gắn với mục tiêu kinh tế quốc gia, chủ động thiết lập bộ máy giúp việc, huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện mục tiêu tăng sức đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân vào GDP từ 40% lên 60% như lời hứa với Thủ tướng từ Diễn đàn Kinh tế tư nhân cuối tháng 7 vừa qua, ông Trương Gia Bình cho biết, về lâu dài, Ban sẽ quan tâm tới lĩnh vực khởi nghiệp – sáng tạo và chủ động đối phó với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực Việt Nam có sức mạnh cốt lõi là nông nghiệp, du lịch và công nghệ số.

Tiếp theo đó là thúc đẩy cổ phần hoá tại 1,2 tập đoàn lớn.

Ban IV do ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam làm Trưởng ban. Ông Don Lam, Tổng giám đốc Vina Capital giữ chức Phó ban. Bốn thành viên khác trong Ban nghiên cứu đều là những doanh nhân nổi tiếng, gồm: ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh; ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Chủ tịch Ngân hàng An Bình; ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương và ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận.

“Chúng tôi sẽ chỉ chọn một vài việc cần thiết làm ngay, không ôm đồm. Nếu chúng tôi thất bại, doanh nghiệp sẽ không tin tưởng chúng tôi nữa. Các mục tiêu đặt ra dù không dễ dàng chút nào chúng tôi sẽ hết sức làm thật tốt"- Trương Ban IV nói.

Tháo gỡ về visa để tăng trưởng khách du lịch quốc tế

Tại buổi ra mắt, các phóng viên đã đặt câu hỏi về phát ngôn mới đây của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội: “thà tăng 1 triệu khách du lịch còn hơn là khai thác 1 triệu tấn dầu thô”, vậy dư địa phát triển của ngành này như thế nào?

Theo ông Trần Trọng Kiên, Thành viên Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho biết, năm 2016, du lịch đóng góp trực tiếp 9 tỷ USD và gián tiếp là 24 tỷ USD cho nền kinh tế. 9 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế tới Việt Nam đạt gần 30%.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và các thành viên Ban IV.

“Mặc dù lượng khách tăng trưởng nhưng theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế như sân bay, hay cơ sở lưu trú… Nên việc tăng trưởng còn nhiều thử thách như rào cản cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 68, độ mở của du lịch là xếp thứ 105… thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và với các nước xung quanh”- ông Trần Trọng Kiên cho hay.

Giải pháp của Ban đưa ra là nên tập trung vào thị trường khách chi tiêu cao như khách Tây Âu, Bắc Mỹ. Hiện chi tiêu của thị trường khách Tây Âu , Bắc Mỹ, Úc trung  bình là 1.400 USD/khách; Trung Quốc: 600 USD/khách.

“Chúng tôi tập trung tìm các giải pháp như miễn visa cho các thị trường có chi tiêu cao nhằm tăng trưởng lượng khách” – ông Trần Trọng Kiên nói./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ