• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bao giờ 20/11 người ta có thể tặng nhau một chiếc ô tô hay tấm thiệp với lời chúc mà không làm "bận lòng" cả hai?

Thời sự 20/11/2018 10:24

(Tổ Quốc) - Mỗi dịp 20/11, có lẽ câu chuyện quà tặng là chủ đề luôn được nhắc tới và làm đau đầu không ít các bậc phụ huynh.

Có hai thông tin liên quan đến quà tặng dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 được nhiều người quan tâm trong thời gian qua. Một là việc một phụ huynh triệu phú ở Mỹ đã quyết định tặng cô giáo của con gái cả chiếc xe hơi. Lý do vì cô giáo phải đi xe buýt tới trường vất vả, bất tiện và họ tin rằng với chiếc xe hơi được tặng là một cách giúp đỡ cô giáo.

Chuyện thứ hai là một thầy giáo ở Việt Nam kêu gọi phụ huynh hãy tặng các thầy cô giáo nhiều phong bì thay vì tặng quà, số tiền trong phong bì ấy được quyên góp, ủng hộ các học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa còn đang gặp khó khăn.

Sở dĩ hai câu chuyện liên quan đến giáo dục trên được quan tâm vì nó có phần "khác thường" so với những gì đã và đang diễn ra. Một bên là món quà vật chất quá lớn và ngoài sức tưởng tượng với ngay người nhận, còn một bên thì chối từ tất cả quà tặng dành riêng cho cá nhân mà biến đó thành thứ quà để chia sẻ với cộng đồng, với những hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn hơn.

Bao giờ 20/11 người ta có thể tặng nhau một chiếc ô tô hay tấm thiệp với lời chúc mà không làm bận lòng cả hai?  - Ảnh 1.

Thầy giáo kêu gọi hãy tặng chúng tôi thật nhiều phong bì gây tranh cãi dư luận. Ảnh cắt từ FB Đào Tuấn Đạt

Hai câu chuyện quà tặng khác nhau, hai tính chất tặng quà khác nhau nhưng cái sự "lạ" đằng sau đó vẫn khiến người đọc có cảm giác dường như là một sự sẻ chia hơn là vụ lợi, toan tính sau mỗi món quà. Dù rằng hai câu chuyện trên đã kéo theo rất nhiều tranh cãi và cả nghi ngờ.

Một đất nước có truyền thống tôn sư trọng đạo, lại có một ngày riêng dành cho Nhà giáo thì việc tặng quà để tri ân, để như một lời cảm ơn về những tháng ngày dạy dỗ, chăm sóc con em là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay.

Thế nhưng trong cuộc sống hôm nay, quà tặng dành cho thầy cô giáo mỗi dịp 20/11 đang trở thành nỗi đau đầu của không ít gia đình. Có người thì quan niệm không được "phong bì hóa" quà tặng. Bởi như vậy sẽ khiến tâm hồn còn non nớt và trong sáng của các em nghĩ sai lệch khi tất cả mọi mối quan hệ đều quy ra "phong bì". Rằng mỗi món quà tặng không chỉ thể hiện giá trị vật chất mà còn gửi gắm tấm lòng của người tặng với sự quan tâm, nâng niu và kiếm tìm món quà đó như thế nào trước khi được chuyển đến thầy cô.

Song quan điểm khác lại cho rằng, làm sao phụ huynh có thể hiểu được thầy cô thích gì và không thích gì để mua tặng. Hỏi thẳng thì vô duyên, còn không hỏi thì rất có thể mua phải cái mình cho rằng hay, mình đánh giá tốt nhưng thầy, cô thì không. Vậy thì quy ra phong bì để cô có lựa chọn dễ dàng hơn cũng là một cách tối ưu?. Thế nên lời kêu gọi của thầy giáo từng gây bão cộng đồng khi mong muốn phụ huynh tặng phong bì – thực chất là để làm từ thiện cũng được nhiều người ẩn ý cho rằng ngay cả không làm từ thiện thì cũng nên như thế.

Những câu chuyện hậu quà tặng ngày 20/11 có thể ít được chia sẻ vì nó tế nhị nhưng lại không quá hiếm gặp khi người viết bài này từng chứng kiến có cô giáo sau mỗi dịp 20/11 nhà tràn ngập hoa phải cho bớt hàng xóm, hàng tá tranh treo tường với các thể loại khác nhau mà nếu trưng hết lên tường e rằng chẳng khó bịt miệng cười, hay hàng chục loại dầu gội đầu khác nhau để sau đó các cô phải lặng lẽ, bí mật mang đi bán rẻ cho các cửa hàng mỹ phẩm v.v…

Chưa hết, có những trường, những cơ sở đào tạo còn đưa ra thông báo kiểu "từ chối" mỗi dịp 20/11 như không nhận hoa, không tiếp khách … càng khiến không ít người hoang mang và không biết đâu mà lần.

Tặng được quà dịp 20/11 đã khó nhưng không được tặng còn khiến phụ huynh hoang mang, lo lắng hơn.

Tại sao lại như vậy?. Bởi một nỗi bất an của phụ huynh ngày hôm nay. Họ lo sợ khi những đứa trẻ có thời gian bên thầy cô giáo nhiều hơn chính cha mẹ mỗi ngày, không được chăm sóc đầy đủ, có sự thiên vị, không bằng bạn bằng bè. Nhất là khi giờ đây, mỗi đứa trẻ dường như giao cho các thầy cô không chỉ chuyện học, tu dưỡng đạo đức, thiết lập các mối quan hệ thầy cô, bè bạn mà còn ăn ngủ để phát triển thể chất. Trong suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh hôm nay, thứ quà tặng mang tính biểu trưng, mang tính tinh thần như chỉ chiếc bưu thiếp với lời chúc, một bài hát, một bài thơ đã quá lỗi thời, không phù hợp. Thậm chí có thầy cô nào thích thật đi chăng nữa họ cũng không dám tặng, nếu như họ biết chắc rằng phụ huynh khác không làm thế.

Bao giờ 20/11 người ta có thể tặng nhau một chiếc ô tô hay tấm thiệp với lời chúc mà không làm bận lòng cả hai?  - Ảnh 3.

Cô giáo ở Mỹ xúc động với món quà lớn - chiếc ô tô đầu tiên trong cuộc đời được một phụ huynh tặng. Ảnh: Vietnamnet

Nỗi lo sợ và sự bất an về những thứ tiêu cực trong giáo dục như điểm số, bệnh thành tích, sự thiên vị và cả sự chơi trội của những gia đình có điều kiện càng làm cho nỗi đau đầu về quà tặng thầy cô mỗi dịp 20/11 tăng lên.

Ngày xưa, chúng ta đã có biết bao tấm gương học trò nghèo hiếu học, sáng dạ đã dùi mài kinh sử, thậm chí được thầy cô cưu mang nuôi ăn học để đến ngày đỗ đạt, vinh quy bái tổ mới báo đáp công ơn người thầy. Các thầy cô đã hết lòng dạy dỗ để mong trò lớn khôn thành tài, thành người có ích cho chính bản thân và cộng đồng mà không nghĩ đến mình sẽ được quà gì, báo đáp gì.

Ngày hôm nay vẫn còn những tấm gương nhà giáo hết lòng vì học sinh, không ngại khó, ngại khổ dốc lòng dốc sức dạy dỗ. Nhưng có lẽ những tiêu cực nhãn tiền của ngành giáo dục trong thời gian qua đã khiến nhiều người lo lắng và hi vọng – một thứ hi vọng có vẻ viển vông, mơ hồ, rằng dịp tặng quà tri ân là cơ hội để con em mình luôn được đối xử công bằng.

Bao giờ để dịp 20/11 người ta có thể tặng nhau dù là cả một chiếc ô tô hay tấm thiệp với lời chúc ý nghĩa không làm "bận lòng" cả hai? .

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ