• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bao giờ thì phụ huynh Việt Nam hết lo lắng về chương trình và SGK giáo dục phổ thông?

Giáo dục 28/10/2019 19:38

(Tổ Quốc) - Trong tuần này Bộ GDĐT sẽ công bố các cuốn sách giáo khoa lớp 1 đạt chuẩn để sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021. Tuy nhiên, từ thực tế xây dựng khung chương trình cho đến quá trình triển khai xây dựng các bộ SGK, thẩm định các cuốn SGK… cho thấy có khá nhiều những thắc mắc cần có lời giải đáp thỏa đáng.

Chương trình giáo dục phổ thông mới và SGK Giáo dục thể chất

Câu chuyện SGK bắt đầu sau nhiều lần dự kiến và thay đổi thời gian bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, để cuối cùng "chốt" thời gian bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là từ năm học 2020-2021, áp dụng đối với lớp 1.

Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cũng phải trải qua một quá trình hoàn thiện, chỉnh sửa, tận cuối năm 2018 Bộ GDĐT mới công bố chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

Kể từ đó tới nay, các bộ SGK mới được các tác giả gấp rút hoàn thiện, trình Hội đồng thẩm định SGK quốc gia thẩm định, chỉnh sửa theo yêu cầu và chờ Bộ trưởng GDĐT phê duyệt trước khi ban hành triển khai thực tế.

Song song với việc xây dựng các bộ SGK, Bộ GDĐT cũng mở các lớp tập huấn cho các cán bộ, giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phía Bộ GDĐT cũng cho biết, Bộ luôn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy nhất là ngay trong quá trình thẩm định SGK cho chương trình mới đã gặp phải những ý kiến thể hiện sự không đồng tình.

Bao giờ thì phụ huynh Việt Nam hết lo lắng về chương trình và SGK giáo dục phổ thông? - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến về việc có cần thiết phải có SGK Giáo dục thể chất (ảnh: Ngày nay)

Trong quá trình thẩm định SGK, bộ SGK công nghệ giáo dục (do GS.TS Hồ Ngọc Đại chủ biên) gồm 3 cuốn: SGK tiếng Việt, SGK Toán và SGK Đạo đức đã bị đánh trượt. Đáng chú ý là bộ sách này đã được gần 1 triệu học sinh lớp 1 trên 43 tỉnh/thành cả nước sử dụng. Và hiện tại, những thông tin liên quan cho thấy Bộ sách này khó có thể tiếp tục được giảng dạy trong thời gian tới.

Trước những ý kiến về việc lựa chọn thành viên thẩm định, ông Thái Văn Tài (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT) cho biết, việc lựa chọn thành viên thẩm định là vấn đề hết sức khó khăn đối với Bộ GDĐT do những người này phải am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp và tham gia vào các hoạt động liên quan đến chương trình, SGK, nhưng mỗi người chỉ có một thế mạnh nhất định, mà nhiều người giỏi lại đã tham gia viết SGK mới nên không thể vào hội đồng thẩm định được.

Gần đây nhất, ngày 24/10, tại Hội thảo "NXB Giáo dục Việt Nam với nhiệm vụ đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông", đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết đã hoàn thành các bộ SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Mỗi bộ sách gắn với một triết lý riêng, mang bản sắc riêng.

Vị này cho biết, Hội đồng thẩm định quốc gia đã tiến hành thẩm định 5 bộ SGK, trong đó có 4 bộ do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn; 4 bộ SGK lớp 1 được NXB này trưng bày tại Hội thảo gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Bộ sách còn lại do một đơn vị ngoài NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức bản thảo, đăng ký thẩm định thông qua NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm TP.HCM.

Cùng với quá trình xây dựng các cuốn SGK, hơn 1 tháng qua những ý kiến về việc có cần thiết phải xây dựng SGK Giáo dục thể chất? khi hiện nay, môn học này không đòi hỏi nhiều lý thuyết mà chủ yếu học sinh được thực hành ngay trong các tiết thể dục.

Những yêu cầu về bộ môn này trong chương trình giáo dục tổng thể cũng khá chi tiết, sau mỗi năm học các em cần đạt những tiêu chí nào về phát triển đều được đưa ra.

Tuy nhiên, phía Bộ GDĐT cho biết, các môn học trong chương trình tổng thể đều phải có SGK.

Về phía phụ huynh và học sinh thì cho rằng không cần thiết phải có sách, các thầy cô dạy thể dục chính là những người đóng vai trò chính trong việc hướng dẫn, truyền đạt kiến thức và kiểm tra trình độ của các em học sinh.

Một thầy giáo dạy thể dục cho rằng lý thuyết về bộ môn này không nhiều, mỗi tiết học thể dục đều hướng đến việc hướng dẫn các em thực hành các kiến thức, kỹ năng thể dục thể thao để làm sao giúp các con tăng thêm sức mạnh về thể lực ngay trong giờ học. Việc thiết thực hơn đối với môn học này là tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất và các thiết bị hỗ trợ dạy và học.

Chỉ với 2 câu chuyện về sách giáo khoa chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới đã có nhiều "vấn đề" mà tới giờ các phụ huynh vẫn chưa có câu trả lời để tạm yên tâm.

Trong khi đó, với lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cho các năm tiếp theo, sẽ cần nhiều sách giáo khoa hơn khi thời gian thực hiện khá sát nhau. Một khối lượng công việc rất lớn, sách giáo khoa cần nhiều hơn, vậy có ai đảm bảo việc thực hiện sẽ theo đúng "lộ trình"? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu việc triển khai không đạt hiệu quả như kế hoạch đã đề ra? Và phụ huynh, học sinh sẽ phải đối diện với thực tế nào khi chủ yếu các gia đình ở Việt Nam hiện vẫn cho con theo học hệ thống trường phổ thông công lập?

Bao giờ thì phụ huynh Việt Nam hết lo lắng về chương trình và SGK giáo dục phổ thông? - Ảnh 2.

Lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (ảnh: Sở GDĐT Bắc Giang)

Khi phụ huynh nắm vững chương trình học của con và SGK là miễn phí

Trong khi đó, tại một số quốc gia châu Âu và Mỹ, các phụ huynh không cần phải nghĩ nhiều về SGK và họ nắm khá chắc về chương trình học của con mình.

Tại Mỹ, học sinh được dạy và học theo tiêu chuẩn Common Core Standards của Mỹ (chương trình CORE), được 45 tiểu bang (trong đó có California) và District of Columbia áp dụng cho việc giảng dạy.

Một phụ huynh tại bang Arizona (Mỹ) có con đang theo học chương trình CORE cho hay, sách con bà theo học do bên Department of Education xuất bản. Đây là chương trình cơ bản còn học sinh sẽ tùy chọn theo khả năng học của các con.

Chẳng hạn, bé lớn của phụ huynh này 13 tuổi nhưng học lớp 9 đang luyện SAT (bài thi chuẩn hóa Scholastic Assessment Test (SAT) là cơ sở để các trường đại học Mỹ đánh giá khả năng học thuật của học sinh bản địa), học theo International Bacaularate (Chương trình tú tài quốc tế). Nếu học tốt thì các sang năm sau các em sẽ bắt đầu học chương trình đúp các lớp tính học trình cho đại học…

Nhưng bé nhỏ hơn, không có khả năng bằng chị thì chỉ lựa chọn học theo CORE. Phụ huynh này cho biết, với bé 12 tuổi đang học lớp 7, vì bé có năng khiếu máy tính tốt nên gia đình cho em học lập trình cơ bản theo chương trình học lập trình của Quỹ Bill And Melinda Gates.

Hai cậu em song sinh đang học lớp 2 thì kiểm tra chất lượng tốt nên học song song chương trình GIFTED Education cho học sinh có khả năng và cũng vẫn học theo CORE.

Trong CORE thì từ lớp 5 trở lên học trò tự lựa chọn lớp, tùy khả năng và sở thích học môn nào thì chọn môn đó, miễn đủ học trình và qua kiểm tra. Tại đây, kiểm tra có hai hệ thống, một là kỳ kiểm tra của liên bang Federal và một của bang state. NWEA và AZMerit.

Về SGK, phụ huynh này cho biết, sách đưa vào học ở tiểu học có ba môn: Toán, Tập đọc và Khoa học tổng hợp. Sách do liên bang cung cấp miễn phí. Sách tham khảo thì tùy giáo viên và học sinh. Trong thư viện trường học sẽ có một danh sách rất dài để học trò tự lựa chọn.

Từ cấp hai trở lên thì sách theo Môn mình lựa chọn, cũng miễn phí. Sách tham khảo cũng có thể tìm đọc và mượn (miễn phí) tại thư viện.

Phụ huynh của 4 em bé này cũng cho rằng, các phụ huynh cần để các em lựa chọn sách học và sách tham khảo theo sở thích của các con. Bố mẹ chỉ nên can thiệp khi các con chọn những cuốn sách không tốt.

Bà cho biết thêm, việc lựa chọn học hoàn toàn là do bản thân trẻ. Tại Mỹ, nhiều trường học sinh được miễn phí sách và học phí hết lớp 12. Ngoài ra, nhiều dụng cụ học tập ở trường cũng được mượn miễn phí, như đàn chẳng hạn, các con của bà cũng khá thích thú với điều này.

Bao giờ thì phụ huynh Việt Nam hết lo lắng về chương trình và SGK giáo dục phổ thông? - Ảnh 2.

Trường phổ thông BASIS Tucson North ở Arizona, Hoa Kỳ

Trong khi đó, một phụ huynh khác ở Bỉ cho biết, hệ thống giáo dục ở đây chia thành trường công, trường tư và trường quốc tế. Tiểu học và mẫu giáo luôn trong cùng 1 hệ thống. Tiểu học từ lớp 1 đến lớp 6, từ cấp học này trẻ em đến trường là sự bắt buộc, không có lý do nào mà bố mẹ không cho con đến trường học. Cấp 2 từ lớp 7 đến lớp 12. Hệ thống cao đẳng, đại học. Hệ thống học nghề.

Bà mẹ có con đang học lớp 2 tại Brusell cho biết, bắt đầu vào trường tiểu học, từ lớp 1, chương trình bao gồm Tiếng Pháp/ Tiếng Hà Lan, Toán học, và các môn như Triết học, Công dân, Tôn giáo, Thể dục thể thao… và các chương trình ngoại khóa đăng ký theo nhu cầu. Toàn bộ tài liệu học sinh trên lớp, các thầy cô giáo chuẩn bị và in cho học sinh.

Ở Bỉ, sách giáo khoa không phải bắt buộc mua. Nhà trường gửi list chương trình học và sách của một nhà xuất bản nào đó, phụ huynh có thể mua hoặc không. Họ quan tâm đến cách tổ chức và quản lý tài liệu học. Các môn học như Giáo dục công dân, Triết học hay Tôn giáo, Đạo đức… là các môn tự chọn tùy theo nhu cầu mỗi học sinh và gia đình. Các môn này cũng không có cuốn sách giáo khoa nào nếu như bố mẹ không chủ động hay tự mua ở các nhà sách tham khảo.

Vân Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ