• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo Mỹ: Đừng để Thổ "trở mình" sang Nga

Thế giới 16/07/2019 15:10

(Tổ Quốc) - Tờ Wall Street Journal WSJ ngày 15/7 đã có một bài viết về mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và NATO trong căng thẳng về S-400 hiện tại.

WSJ dẫn lại lịch sử cho biết, khi châu Âu tiến tới chiến tranh vào mùa hè năm 1914, hai tàu chiến đang được chế tạo cho Đế chế Ottoman ở các xưởng đóng tàu của Anh. Lo lắng về các dấu hiệu của một liên minh Ottoman-Đức, Winston Churchill, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Hải quân, đã kiểm soát các con tàu. Đức sau đó đã gửi hai tàu của riêng mình để thay thế. Đến tháng 10 năm đó, Ottoman đã nổ ra chiến tranh với quân Đồng minh.

Loạt hệ lụy với Ankara

Theo đó, tờ báo này cho rằng, hôm nay cuộc khủng hoảng với Thổ Nhĩ Kỳ về vũ khí Nga có thể là hậu quả. Quyết định của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhập khẩu hệ thống phòng không S-400, được thiết kế để bắn hạ máy bay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO, là một một thách thức cơ bản đối với phương Tây. Động thái của ông Erdogan về khoan dò tìm khí đốt tự nhiên ở vùng biển Síp, cũng đã thúc đẩy thêm sự xa cách giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh trước đây của họ. Còn Liên minh châu Âu EU hiện đang tìm cách cắt giảm tài trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara có khả năng mất quyền tiếp cận đối với chương trình máy bay F-35 chủ yếu do Mỹ sản xuất, giống như vụ các tàu của Anh năm 1914, đã được trả tiền nhưng không được giao. Chính quyền Tổng thống Trump cũng bị ràng buộc bởi pháp luật yêu cầu áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ để đáp trả việc mua vũ khí của Nga, mặc dù Nhà Trắng có thể chọn lựa trong số nhiều biện pháp khác nhau, xét về mức độ nghiêm trọng.

tho nhi ky getty

WSJ cho rằngThổ Nhĩ Kỳ và phương Tây sẽ phát triển tốt nhất khi song hành cùng nhau. Nguồn: Getty

Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thu hẹp, với lạm phát ở mức gần 16% và thất nghiệp ở mức 14%. Ngay cả các biện pháp trừng phạt nhẹ cũng có thể khiến các nhà đầu tư hoảng sợ và khiến thị trường chứng khoán và đồng tiền lira rơi vào tình trạng rơi tự do.

Vậy tại sao ông Erdogan lại mạo hiểm như vậy? Hoa Kỳ, theo người Thổ Nhĩ Kỳ hiểu, đã không tuân theo các cam kết bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng không Patriot và đã vũ trang và hỗ trợ các nhóm người Kurd Syria mà Ankara coi là thù địch và khủng bố. Bên cạnh đó, EU đã nói rõ rằng tư cách thành viên Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh này là một giấc mơ không thể, và khi ông Erdogan đang dẫn dắt Thổ Nhĩ Kỳ theo hướng đi nghiêng về đường lối Hồi giáo, thậm chí việc giữ cho tiến trình đàm phán trông có vẻ vẫn nghiêm túc cũng ngày càng không còn cần thiết.

Vị thế của Nga nằm ở đâu?

Những bất đồng này mang đến cơ hội cho nhà lãnh đạo Vladimir Putin. Bằng cách kéo dãn mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh, Nga đã giáng một đòn mạnh vào liên minh phương Tây, mở ra cơ hội cho các thỏa thuận sinh lợi hơn (Nga đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân cho Thổ Nhĩ Kỳ) và nâng cao vị thế của mình ở Trung Đông.

Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ thoải mái làm việc với Nga cũng phản ánh sự suy giảm sức mạnh của Nga. Trong thế kỷ 18 và 19, Nga đã phần nào đóng góp trong việc đẩy người Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi miền nam Ukraine, rời khỏi Nga cũng như khu vực Caucasus và Balkan. Sức ảnh hưởng của nước Nga dưới thời nhà lãnh đạo Stalin cũng đã phần nào khiến Ankara e dè và đẩy họ gia nhập vào NATO. Nếu bây giờ Thổ Nhĩ Kỳ có thể hợp tác với Nga, đó là vì Moscow đã ít nguy hiểm hơn nhiều so với Liên Xô hay nước Nga trước kia. Điều này cũng đã phản ánh thành công của NATO trong Chiến tranh Lạnh.

Còn ông Erdogan, đã suy yếu do nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ suy sụp và đảng của ông tổn thất nặng nề trong cuộc bầu cử thị trưởng Istanbul vào tháng trước, đang phải đối mặt với thực tế khó khăn về giới hạn quyền lực ởThổ Nhĩ Kỳ. Sự xoay trục của ông sang Nga đã không ngăn cản Moscow giúp Tổng thống Syria Bashar Assad thắt chặt sự kìm kẹp đối với tỉnh cuối cùng do phe nổi dậy kiểm soát ở Syria; do đó, một triệu người tị nạn khác có thể đổ vào Thổ Nhĩ Kỳ bất cứ lúc nào.

Giá trị của liên minh Thổ - phương Tây

Tờ báo này nhận định, hiện tại, chính sách đối ngoại của ông Erdogan, giống như nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, và giống như nỗ lực của ông nhằm dập tắt phe đối lập chính trị trong nước đã đi đến điểm cuối. Niềm hy vọng cuối cùng của ông Erdogan có thể là ông Donald Trump. Tại cuộc họp G20 tại Nhật Bản, nhà lãnh đạo Mỹ có vẻ thông cảm với những lời phàn nàn của Thổ Nhĩ Kỳ về hành vi của phương Tây. Thứ Sáu tuần trước, Lầu Năm Góc đã tuyên bố và sau đó vội vàng hủy một cuộc họp báo về các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Không rõ liệu việc hoãn lại chỉ phản ánh những nghi ngờ đang diễn ra bên trong Nhà Trắng hay chỉ đơn giản là lo ngại rằng việc tuyên bố các lệnh trừng phạt quá gần với ngày 15/7- thời điểm 3 năm trước diễn ra cuộc đảo chính thất bại tại Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ được coi là gia tăng khiêu khích.

Nguy cơ rời đi của một đồng minh lớn như Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra thách thức lớn đối với NATO, không chỉ bởi vì liên minh này không có biện pháp pháp lý nào để trục xuất các thành viên không thực hiện đủ nghĩa vụ của họ. Trong khi việc ông Erdogan mua hệ thống tên lửa của Nga đòi hỏi phải có phản ứng đáp trả nghiêm túc và việc chuyển giao F-35 phải được tạm dừng thì lúc này Washington cần thận trọng trong các động thái.

Theo WSJ, Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây sẽ phát triển tốt nhất khi song hành cùng nhau. Liên minh Ottoman với các Cường quốc trung tâm đã kết thúc với sự sụp đổ của đế chế này trong Thế chiến I. Nhưng sự rạn nứt đó cũng khiến Winston Churchill phải trả giá. Thất bại của quân Đồng minh tại Gallipoli đã làm tổn hại danh tiếng của ông và là một điều ám ảnh với ông trong nhiều năm.

Gần đây, cuộc bầu cử ở Istanbul đã chứng tỏ dư luận nước này cũng có phần nào lo lắng với nhà lãnh đạo của họ. Một thế kỷ sau cuộc Đại chiến, Washington nên lưu tâm rằng, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ là quan trọng và họ cần tập trung vào dài hạn.

Quý Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ