• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo quốc tế "thán phục" sức mạnh của tranh cổ động trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam

Thế giới 09/04/2020 16:05

(Tổ Quốc) - "Tại Việt Nam, chính phủ nói chúng tôi đang ở trong cuộc chiến với virus. Vì vậy, là hoạ sỹ, chúng tôi làm công việc của mình trong chiến tranh: chúng tôi vẽ".

Mới đây tờ báo Anh The Guardian đã có một bài viết mang tựa đề "Trong chiến tranh, chúng tôi vẽ: Nghệ sỹ Việt Nam tham gia cuộc chiến chống lại COVID-19"; trong đó tác giả đề cập tới những đóng góp của giới họa sỹ Việt thông qua các tác phẩm tranh cổ động, cũng như loạt tín hiệu thành công bước đầu của Việt Nam trong những nỗ lực ngăn chặn virus lây lan.

Báo Tổ Quốc xin trích dịch bài viết này.

Mặc dù có đường biên giới dài với Trung Quốc, Việt Nam vẫn giữ được số ca dương tính COVID-19 ở mức thấp thông qua các biện pháp cách li, truy tìm liên hệ với người nhiễm, xét nghiệm – và tranh cổ động.

Một nhân viên y tế đeo khẩu trang đứng hiên ngang như một người lính đi kèm với dòng khẩu hiệu đậm nét, "ở nhà là yêu nước". Phía bên dưới là những dòng chữ được in rõ ràng, yêu cầu người dân khai báo khi có triệu chứng nhiễm COVID-19 hoặc thông tin với chính quyền địa phương về những trường hợp trốn cách li.

Bức tranh của họa sỹ Lê Đức Hiệp chỉ là một trong nhiều hình thức nghệ thuật tại Việt Nam – từ bài hát rửa tay tạo nên trào lưu trên mạng Internet tới các con tem được phát hành toàn quốc, nhằm phản ánh một tinh thần thời chiến đang ngày càng tăng cao trong bối cảnh đất nước đang cố gắng hết mình để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Báo quốc tế "thán phục" sức mạnh của tranh cổ động trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam - Ảnh 1.

Tranh cổ động của họa sỹ Lê Đức Hiệp

Nhìn vào phong cách cổ động đặc trưng, giọng điệu mang tinh thần dân tộc và các nhân vật được khắc họa như những anh hùng, có thể dễ dàng lầm tưởng rằng, bức tranh trên là một sản phẩm của cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế, tác giả lại cố tình chọn một thiết kế mà anh cho rằng, sẽ tạo ra được ấn tượng mạnh hơn đối với những người không tuân theo các quy định liên quan tới phòng và chống dịch.

"Sau khi chính phủ kêu gọi người dân ở nhà nhằm giúp ngăn ngừa COVID-19 lây lan, tôi lang thang trên mạng xã hội và nhận thấy rất nhiều người vẫn đang tụ tập và đi ra ngoài tới các nhà hàng và quán cà phê… điều này thực sự làm tôi cảm thấy lo lắng", Hiệp chia sẻ.

"Tôi muốn làm được thứ gì đó có tính lan toả, nâng cao nhận thức và tạo cảm hứng để mọi người làm điều đúng đắn", anh nói. "Tôi chọn phong cách cổ động bởi vì nó quen thuộc với người Việt Nam và phong cách này luôn kích thích tinh thần yêu nước".

Hiệp không phải là nghệ sỹ Việt Nam duy nhất coi tinh thần thời chiến là khởi nguồn ý tưởng khi sáng tạo về đại dịch COVID-19. Họa sỹ Phạm Trung Hà, một tên tuổi tài năng đến từ "thế hệ vàng" bao gồm những nghệ sỹ thành danh lớn tuổi hơn của hội họa Việt Nam, đã hợp tác với chính phủ. Ông bắt tay cùng Bộ Y tế và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phát hành hai mẫu tem với mục đích "gửi đi thông điệp rõ ràng về tinh thần đoàn kết trong cuộc chiến chống lại COVID-19". Một trong hai mẫu tem có hình các y bác sỹ đang bận rộn tiến hành xét nghiệm virus, hình nền phía sau họ là một bàn tay nắm chặt thể hiện quyết tâm chiến thắng bệnh dịch; mẫu còn lại là hình ảnh đại diện các lực lượng y tế, quân đội, công an… đang ngày đêm tham gia chống đại dịch.

Báo quốc tế "thán phục" sức mạnh của tranh cổ động trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam - Ảnh 2.

Hai mẫu tem do họa sỹ Phạm Trung Hà thiết kế

Chính quyền cũng kêu gọi giới họa sỹ đất nước tham gia thiết kế tranh cổ động. Mặc dù vẫn đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư, họa sỹ 73 tuổi Lưu Yên Thế vẫn gửi hai thiết kế tới Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Cả hai sáng tác của ông đều được chấp nhận và hiện đang được treo tại nhiều địa điểm trên các con phố của Hà Nội. "Sáng tác tranh cổ động luôn là một sở thích của tôi kể từ những năm 60 và 70 khi Việt Nam tập trung vào tái thống nhất đất nước và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa", ông Thế cho biết. "Vào thời điểm này, anh có thể nhìn thấy các bức tranh cổ động to lớn ở mọi nơi trên toàn đất nước của chúng tôi".

Báo quốc tế "thán phục" sức mạnh của tranh cổ động trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam - Ảnh 3.

Một mẫu tranh cổ động của họa sỹ Lê Yên Thế

"Mặc dù tình trạng sức khỏe của tôi đang không tốt và hạn cuối nộp tranh khá gấp, nhưng tôi vẫn quyết định tham gia dự án để góp một phần sức với tất cả mọi người trong cuộc chiến này", người nghệ sỹ già chia sẻ. "Nếu chúng tôi không thể ở tiền tuyến, tất cả các nghệ sỹ đều có thể hỗ trợ theo cách của riêng mình với việc cung cấp thông tin thông qua các tranh cổ động".

Những thông điệp như vậy cùng với việc hành động sớm và truy tìm lịch sử dịch tễ của những người nhiễm virus đã giúp cho Việt Nam tránh được mức độ thiệt hại to lớn như nhiều nước tại châu Âu, đồng thời giữ cho các trường hợp mắc virus chỉ ở mức vài trăm. Trong khi tại nhiều quốc gia, tình trạng xét nghiệm ít khiến con số lây nhiễm thực tế gần như chắc chắn cao hơn con số thống kê chính thức, thì tại Việt Nam, sau 88.000 xét nghiệm, mới chỉ hơn 245 người được xác nhận dương tính với COVID-19 (tính tới thời điểm tác giả viết bài báo – Báo Tổ Quốc). Không một trường hợp tử vong nào được ghi nhận. Việt Nam đã tập trung vào cách li bất kỳ ai có liên hệ với người nhiễm, cũng như cách li hơn 67.000 người. Kể từ ngày ¼, chính sách hạn chế di chuyển cũng bắt đầu được áp dụng trên toàn quốc.

Đối với những ai làm trái với thông điệp của chính quyền hoặc vi phạm quy định, họ sẽ phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc. Mặc dù hệ thống giám sát toàn đất nước của Việt Nam hoạt động khá hiệu quả, nhưng theo anh Hiệp, người dân được khuyến khích thông báo với chính quyền những trường hợp sai trái. Tại thủ đô Hà Nội, những người đăng tải thông tin giả trên Internet hoặc đi ra ngoài vì những lý do không cần thiết đều phải chịu phạt. Trong khi đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, những ai không đeo khẩu trang và khiến người khác bị nhiễm bệnh, sẽ có thể sẽ bị phạt tù lên tới 12 năm…

Cảm giác chung của toàn dân, đặc biệt đối với giới nghệ sỹ là tinh thần đoàn kết và niềm tin. Hai họa sỹ Huỳnh Kim Liên và Phùng Nguyên Quang đã ghi lại hình ảnh của các bác sỹ, y tá và người lính trong một bức tranh màu nước nhằm gửi lời cám ơn tới những người đang hoạt động ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Theo hai họa sỹ trẻ, vào thời điểm hiện tại, nghệ thuật là cách duy nhất để họ kết nối với những còn lại.

Những nghệ sỹ tại Việt Nam, như Kim Liên đang bày tỏ một phản ứng đồng nhất trước dịch bệnh: "Tại Việt Nam, chính phủ nói chúng tôi đang ở trong cuộc chiến với virus", Kim Liên chia sẻ. "Vì vậy, là họa sỹ, chúng tôi làm công việc của mình trong chiến tranh: chúng tôi vẽ".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ