• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Bana, H’rê

Văn hoá 27/05/2019 15:05

Để bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã giao Ban Dân tộc tỉnh tổ chức mua 119 bộ cồng chiêng tặng 119 thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Bana, H’rê  - Ảnh 1.

40 bộ cồng chiêng cuối cùng trong số 119 bộ cồng chiêng của Bình Định được trao tặng cho các thôn làng ở huyện An Lão (Bình Định). Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Tỉnh Bình Định hiện có 27 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Chăm, Bana và H'rê chiếm số đông với 9.300 hộ, 35.700 nhân khẩu cư trú lâu đời. Từ xa xưa, cồng chiêng luôn được coi là phương tiện thể hiện đậm đà nhất các giá trị, bản sắc, văn hóa, tín ngưỡng, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Bana, H'rê, Ê đê… Để bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã giao Ban Dân tộc tỉnh tổ chức mua 119 bộ cồng chiêng tặng 119 thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Dưới ánh nắng nhẹ đầu hè, đồng bào Bana, H'rê ở huyện An Lão (Bình Định) nô nức tập trung về trụ sở UBND huyện để nhận cồng chiêng. Đây là 40 thôn, làng cuối cùng trên toàn tỉnh Bình Định, được phát bộ cồng chiêng. Trên sân khấu, những già làng, trai bản nhịp nhàng chơi thử những chiếc cồng chiêng còn thơm mùi đồng mới. Phía dưới, những cô gái vui cười, lắc lư múa theo từng âm thanh nhịp nhàng trong "bản giao hưởng của núi rừng".

Ông Đinh Văn Rốp, người H'rê, Trưởng thôn 3, xã An Trung (huyện An Lão) phấn khởi nói: Nhận được bộ cồng chiêng mới này, tôi thấy rất vui. Giờ đây, tôi có thể tiếp tục truyền dạy cho con cháu các điệu múa mừng lúa mới, Tết, các ngày truyền thống của người H'rê.

Đối với người Bana, H'rê, cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng, cao quý và là tài sản có giá trị nhất trong đời sống tinh thần. Từng nhịp cồng chiêng luôn gắn bó chặt chẽ với số phận mỗi người đồng bào, từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi trưởng thành, qua lễ thổi tai, hội mùa, hội đâm trâu, mừng lúa mới, đám cưới… Cồng chiêng thấm sâu vào đời sống, giúp đồng bào đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách hay cùng nhau chia sẻ niềm vui, hạnh phúc.

Âm nhạc cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Những năm gần đây, cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số tại Bình Định đã giảm dần cả về số lượng lẫn chất lượng biểu diễn. Trong các thôn làng, số lượng cồng chiêng hư hỏng, mất mát dần, phần lớn chỉ còn những chiếc chiêng lẻ, không đủ bộ nên khó có thể được trình diễn chuẩn nhất. Vì vậy, việc Ban Dân tộc tỉnh cấp mới cồng chiêng lần này là việc làm có ý nghĩa thiết thực.

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định Đinh Văn Lung cho biết: Sau khi nhận bàn giao và chơi thử, các già làng, trưởng bản trong tỉnh đều rất ưng ý với chất lượng âm thanh của các bộ cồng chiêng mới này. Ngay sau khi nhận cồng chiêng, các thôn làng đã tự lập các đội, nhóm cồng chiêng để sinh hoạt thường xuyên. Người Bana, H'rê xưa nay không có trường lớp nào dạy chơi cồng chiêng mà cứ truyền miệng, truyền tay nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ người già sang người trẻ. Vì vậy, các thôn, làng cần động viên, khích lệ các già làng, trưởng bản chú trọng đến công tác đào tạo lớp trẻ, mang hết những kinh nghiệm, kỹ thuật, hiểu biết của mình truyền đạt lại cho con cháu.

Không chỉ là một loại hình biểu diễn, cồng chiêng còn đóng góp nhiều lợi ích thiết thực trong đời sống của bà con. Theo ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, thông qua các lễ hội văn hóa, các buổi sinh hoạt cồng chiêng, chúng ta có thể bảo tồn những giá trị văn hóa với bản sắc riêng có của mỗi dân tộc, truyền đạt tốt hơn cho thế hệ trẻ về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đời sống tinh thần được nâng cao sẽ giúp bà con ổn định cuộc sống, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương, phát triển kinh tế. Do đó, UBND huyện An Lão sẽ xây dựng quy chế, đội ngũ quản lý, câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên để trông coi, bảo quản và sử dụng những bộ cồng chiêng được lâu dài.

Theo Dân tộc và Miền núi

NỔI BẬT TRANG CHỦ