• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo vệ bản quyền tác giả không chỉ là việc của nhà quản lý

Văn hoá 01/12/2019 21:55

(Tổ Quốc) - Trong thời gian qua việc vi phạm bản quyền tràn lan khiến các nhà quản lý, các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong việc chống lại các vi phạm, bảo vệ quyền lợi của các chủ thể tác quyền.

Theo nhận định của cơ quan bảo vệ bản quyền tác giả (Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL), Việt Nam có hệ thống các văn bản pháp lý về quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ khá đầy đủ. Việt Nam cũng tham gia nhiều Công ước, Hiệp ước, Thỏa thuận quốc tế về sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền tác giả.

Các cơ quan bảo vệ quyền tác giả Việt Nam cũng không ngừng cập nhật thông tin, các chính sách, nghiên cứu các giải pháp để bảo vệ tác quyền, đồng thời không ngừng nâng cao kiến thức, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, viên chức công tác trong lĩnh vực này trước tình hình mới.

Song song với đó, nhiều hội thảo, tọa đàm, các buổi thảo luận về chủ đề bản quyền tác giả và bảo vệ bản quyền tác giả được các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả.

Thế nhưng những vi phạm về bản quyền vẫn xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, ở nhiều loại hình ấn bản, trong nhiều lĩnh vực từ âm nhạc, phim ảnh, sách giáo khoa, tác phẩm văn học, bản quyền chương trình truyền hình, báo chí điện tử…

Bảo vệ bản quyền tác giả không chỉ là việc của nhà quản lý - Ảnh 1.

Những bộ phim truyền hình "ăn khách" vừa mới công chiếu đã bị ăn cắp bản quyền, sao chép trình chiếu tràn lan trên các trang mạng. Đài truyền hình Việt Nam cũng liên tục cảnh báo về các hành vi ăn cắp bản quyền các bộ phim truyền hình, chương trình truyền hình…

Tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc cũng có vẻ được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều trang mạng chia sẻ âm nhạc miễn phí do có server đặt ở nước ngoài, việc sao chép, ăn cắp xảy ra ở ngoài phạm vi Việt Nam nên khó để xử lý.

Vi phạm bản quyền cũng xảy ra đối với những lĩnh vực trực tiếp liên quan đến khoa học công nghệ như bản quyền sản phẩm phần mềm, bản quyền chương trình máy tính…

Ước tính thiệt hại từ những vi phạm này là vô cùng lớn. Hàng năm các cơ quan chức năng xử phạt hàng tỉ đồng vì những hành vi vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền riêng tư… Tuy nhiên, vẫn không thể ngăn chặn hết được các vi phạm.

Nhiều vụ kiện về bản quyền như "Tinh hoa Bắc Bộ", "Thần đồng Đất Việt"; hay Vietlott bị kiện bản quyền tác giả 30 tỷ đồng… khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên vì sự 'lắt léo' trong các vụ vi phạm tác quyền như thế này.

Vi phạm bản quyền thậm chí còn nguy hiểm hơn khi vi phạm bản quyền xảy ra đối với các thông tin cá nhân, vi phạm quyền riêng tư của con người khi hàng loạt thông tin cá nhân bị chia sẻ một cách công khai trên mạng Internet.

Nhiều người cho rằng, những án phạt này vẫn không đủ nghiêm khắc cũng như không thể ngăn chặn được việc vi phạm của các công ty, các tổ chức, cá nhân trong tương lai.

Trước những vi phạm này, đã có nhiều giải pháp được đưa ra, đầu tiên là những giải pháp về phòng chống, bảo vệ bản quyền tác giả từ đầu, các cơ quan, đơn vị, thậm chí là các quốc gia cần hợp tác, phối hợp với nhau để tạo thành một mạng lưới với những chế tài, thỏa thuận pháp lý đủ mạnh. Kịp thời bổ sung, cập nhật những quy định mới phù hợp với thực tiễn, các thông lệ quốc tế, đồng thời tăng cường sự giám sát trong quá trình thực thi bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan.

Bản thân đội ngũ cán bộ, các tổ chức, cá nhân… phải cập nhật kịp thời những xu hướng, biện pháp ứng phó phù hợp với thực tiễn phát triển của KHKT và công nghệ trong việc bảo vệ tác quyền.

Nghiên cứu các giải pháp đầu tư trang thiết bị và kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo vệ bản quyền tác giả, bắt kịp với thực tiễn phát triển của các hành vi vi phạm bản quyền.

Cùng đó, có thể xem xét nâng cao mức xử phạt trong lĩnh vực bản quyền nhằm nâng cao tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm bản quyền tác giả.

Tăng cường nhận thức về bản quyền tác giả và quyền liên quan qua các hội thảo, hội nghị, tọa đàm… với sự tham gia của các bên từ cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các tác giả… để giúp mọi người hiểu rõ hơn về vị trí và quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ bản quyền tác giả.

Thành lập các Trung tâm, cơ quan bảo vệ bản quyền để tăng cường giám sát, kịp thời ứng phó, ngăn chặn và bảo vệ bản quyền cho các tác giả…

Các biện pháp tuyên truyền về pháp luật, phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông nâng cao nhận thức cho công chúng, người dân về việc tôn trọng bản quyền. Hướng tới xây dựng những tác phẩm văn hóa có chất lượng cao, qua đó nâng cao ý thức người dân về bảo vệ bản quyền và mục đích của việc chúng ta đang làm.

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ