• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo vệ, phòng, chống mất cắp di vật, hiện vật

Văn hoá 15/06/2020 14:18

(Tổ Quốc) - Công tác xây dựng gia đình đạt được nhiều kết quả quan trọng; Bảo vệ, phòng, chống mất cắp di vật, hiện vật; Chiếu 5 phim tài liệu ngắn từ các khóa học làm phim... là những thông tin văn hóa và gia đình nổi bật tại Thủ đô Hà Nội.

Quản lý di vật, hiện vật; xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa

UBND thành phố Hà Nội vừa có Văn bản gửi các Sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã về việc quản lý di vật, hiện vật; xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa.

Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước, với 5.922 di tích, trong đó có 01 di tích được công nhận Di sản Thế giới, 18 di tích Quốc gia đặc biệt, 50 di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, 1.804 đình, 2.007 chùa và hàng nghìn các loại hình di tích khác nhau. Với số lượng di tích đứng đầu cả nước đã đặt ra công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa của Thủ đô không ít khó khăn, bất cập. Đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid - 19 bùng phát, nhiều địa phương để xảy ra tình trạng mất cắp di vật, hiện vật được báo chí và dư luận nhân dân phản ánh.

Trước thực trạng trên, nhằm thực hiện tốt công tác quản lý về bảo vệ, phòng, chống mất cắp di vật, hiện vật và ngăn chặn tình trạng xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo không phép, trái phép tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện một số nhiệm vụ:

Các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao nghiêm túc thực hiện Quyết định số 48/2016/QĐ - UBND ngày 17/11/2016 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chỉ đạo sát sao, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa theo nhiệm vụ được phân công, phân cấp, không để tái diễn và xảy ra hiện tượng mất cắp di vật, hiện vật và tình trạng xây dựng, phục dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép tại các di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội.

UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các quận, huyện thị xã, Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát, kiểm tra, xây dựng kế hoạch hàng năm hỗ trợ chống xuống cấp các di tích có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, có giá trị đặc trưng, tiêu biểu theo Kế hoạch số 120/KH - UBND ngày 01/6/2017 của UBND Thành phố về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa, quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội (theo thứ tự ưu tiên những di tích xuống cấp năng tại các huyện ngoại thành, không có khả năng cân đối nguồn ngân sách, các di tích xuống cấp năng, các di tích có nguy cơ sập đổ).

Là đơn vị đầu mối tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND Thành phố trong việc xử lý, rà soát, đôn đốc, khắc phục tình trạng mất cắp di vật, hiện vật; xây dựng, phục dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép. Hằng năm xây dựng kế hoạch phối hợp với Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tôn giáo Thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn công tác quản lý và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thành phố. Đồng thời có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích; có hình thức kiểm điểm trách nhiệm với những tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng nêu trên đúng quy định của pháp luật và Thành phố.

UBND các quận, huyện, thị xã: Chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố về quản lý nhà nước trong công tác quản lý di sản văn hóa trên địa Chỉ đạo các phòng ban chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, tăng cường công tác quản lý, thực hiện việc rà soát, khắc phục, không để xảy ra tình trạng mất cắp di vật, hiện vật; xây dựng, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép; hướng dẫn các Ban quản lý di tích cơ sở, Tiểu ban bảo vệ di tích xã, phường, thị trấn trong việc kiêm nhiệm, kiện toàn tổ chức quản lý, hoàn thiện phương án bảo vệ, tập huấn các quy định về an ninh, phòng chống cháy nổ, đảm bảo tốt công tác trông coi, bảo vệ, vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy tại các di tích.

Ngoài ra, chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện rà soát, kiểm kê, thống kê, vẽ sơ đồ bài trí di vật, hiện vật, bổ khắc phục hồ sơ còn hạn chế tại các di tích trên địa bàn quản lý, nhất là các di tích xếp hạng từ năm 2010 trở về trước, làm cơ sở cho công tác bảo vệ, bảo quản di vật, hiện vật theo đúng quy trình, đảm bảo tính khoa học; Khi xảy ra tình trạng mất cắp di vật, hiện vật; xây dựng, phục dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép tại các di tích, UBND cấp huyện phải báo cáo ngay UBND Thành phố…

Bảo vệ, phòng, chống mất cắp di vật, hiện vật - Ảnh 1.

Chùa Bối Khê là nơi có nhiều cổ vật quý bị đánh cắp. Ảnh: Văn hiến Việt Nam.

Công tác xây dựng gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng

Thành ủy Hà Nội vừa Báo cáo số 667-BC/TU, về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005, của Ban Bí thư "về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, công tác xây dựng gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" trung bình hằng năm đạt trên 85% (so với tổng số hộ dân). Công tác xây dựng mô hình "Làng văn hóa" đạt tỷ lệ 60,5% thôn, làng đạt danh hiệu "Làng Văn hóa"; xây dựng mô hình "Tổ dân phố văn hóa" đến nay đạt 71,5%. Tính đến nay, trên toàn thành phố đã có 87,5% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 71,5% đạt tổ dân phố văn hóa. Phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng cường, củng cố hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tác động hiệu quả vào phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình.

Qua 15 năm triển khai Chỉ thị số 49-CT/TW, nhận thức của cán bộ các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng và nhân dân trên địa bàn thành phố về phòng, chống bạo lực gia đình ngày càng nâng cao; việc thay đổi hành vi về bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới có chiều hướng tích cực, góp phần phát huy các chuẩn mực đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước; đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình; xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, bình đẳng, văn minh…

Từ những kết quả đạt được, Thành ủy đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005, của Ban Bí thư "về xây dựng gia đình thời kỳ CNH0HĐH đất nước" trên địa bàn thành phố thời gian tới. Trong đó, tiếp tục quán triệt, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 49- CT/TW và các chương trình, kế hoạch, đề án của UBND thành phố về công tác xây dựng gia đình.

Bên cạnh đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực gia đình; tạo sự chuyển biến, tiến bộ trong công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho các thành viên trong gia đình; chăm lo, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần và đảm bảo việc thực hiện các giải pháp xây dựng gia đình, nhất là đối với các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn ngày càng hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho mọi gia đình được phát triển một cách toàn diện…

Giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn cho ý kiến về tổ chức sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo tờ trình của Sở NN&PTNT về việc phê duyệt kế hoạch tổ chức sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, quy mô số gian hàng tham gia dự kiến 150 gian, tổ chức trong 5 ngày, dự kiến, từ ngày 20/7/2020 đến ngày 3/8/2020, tại Không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực đường phố quận Tây Hồ.

Sản phẩm trưng bày phải được công nhận từ 3 sao trở lên; các sản phẩm đăng ký dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020; các sản phẩm tiềm năng, đặc sản vùng miền tham gia Chương trình OCOP của các địa phương. Sản phẩm đảm bảo có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có bao bì, nhãn mác, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Các hồ sơ, giấy tờ liên quan phục vụ cho công tác kết nối vào hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội…

Về việc trên, UBND thành phố đồng ý về chủ trương đề xuất của Sở NN&PTNT về việc tổ chức sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc. Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở Công Thương, Ngoại vụ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch thành phố, UBND quận Tây Hồ và các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch chi tiết tổ chức sự kiện trên (gắn với tình hình dịch bệnh Covid 19) đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng quy định; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện theo quy định.

Chiếu 5 phim tài liệu ngắn từ các khóa học làm phim

Vào 18h00 ngày 20/06/2020 tại Ơ Kìa Hà Nội (360 Đê La Thành) sẽ diễn ra buổi chiếu 5 phim tài liệu ngắn từ các khóa học làm phim được tổ chức tại Hà Nội trong hơn thập kỷ qua.

Sau buổi chiếu là hoạt động giao lưu, trò chuyện với nhà làm phim/sản xuất Trần Phương Thảo và nghệ sĩ/giám tuyển Nguyễn Quốc Thành, cùng người điều phối – đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.

Dự án trình chiếu năm phim tài liệu ngắn từ các khóa học làm phim được tổ chức tại Hà Nội trong hơn thập kỷ qua. Khởi hành với suy nghĩ về sự "già", chuỗi tác phẩm khám phá những đối thoại liên thế hệ quanh các ý niệm: cũ và mới, quá khứ và hiện tại, trẻ và già. Nhiều suy ngẫm cũng như truy vấn về thời gian, ký ức và di sản được mở ra từ điện ảnh – một phương tiện giao tiếp đối với các nhà làm phim trẻ.

Chương trình do các học viên khóa Giám tuyển Phim của Trung tâm TPD khởi xướng và tổ chức, thuộc khuôn khổ Như Trăng Trong Đêm, chuỗi sự kiện xoay quanh điện ảnh Việt Nam quá khứ, hiện tại và tương lai.

Theo đó những phim sẽ trình chiếu gồm: "Dành tặng ông Điều" của đạo diễn Nguyễn Hiền Anh kể về cuộc sống của một ông lão trí thức hằng ngày vẫn dịch sách và dạy Anh văn cho trẻ con; "Bà bạn" của đạo diễn Phạm Mai Phương kể về tình bạn giữa bà ngoại và cháu. Bà ngoại tuổi 90 và cháu gái tuổi 25 chơi với nhau và tìm thấy niềm vui cùng sự chia sẻ trong tình bạn đó; "Trong phường Thành Công có làng Thành Công" của đạo diễn Phan Thị Vàng Anh tái hiện cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân lao động trong một khu phố cũ tại Hà Nội, nơi người ta đang sửa lại đường dây và lắp đặt loa phát thanh mới; "Hồ sơ 1953" của đạo diễn Nguyễn Thủy Tiên kể về một cô gái đi tìm bằng chứng về sự tồn tại của mình trong những tấm ảnh của một người đàn ông quan trọng; "Sao Bình không lấy chồng" của đạo diễn Phạm Minh Hà. Bộ phim xoay quanh một người phụ nữ độc thân sắp quá tuổi lấy chồng làm gia đình họ hàng làng xóm rôm rả.

Lan Anh (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ