• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bắt gặp những nụ cười hồn nhiên của Trần Đức Tiến

31/07/2013 17:38

(Toquoc)- Không phải người chuyên viết cho thiếu nhi, nhưng số lượng trang viết và giải thưởng văn học thiếu nhi của ông không hề nhỏ. Nhà văn Trần Đức Tiến là một trong số tác giả đầu tiên được giới thiệu trong bộ sách “Những truyện hay viết cho thiếu nhi” vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.



(Toquoc)- Không phải người chuyên viết cho thiếu nhi, nhưng số lượng trang viết và giải thưởng văn học thiếu nhi của ông không hề nhỏ. Nhà văn Trần Đức Tiến là một trong số tác giả đầu tiên được giới thiệu trong bộ sách “Những truyện hay viết cho thiếu nhi” vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.

Cuốn sách không chỉ chứa đựng những trang viết đầy chất thơ, những băn khoăn con trẻ, những miền đất tưởng tượng đa sắc màu, những cuộc phiêu lưu kỳ thú mà độc giả còn bắt gặp những nụ cười hồn nhiên.

“Những truyện hay viết cho thiếu nhi” của Trần Đức Tiến như một chuyến du hành của đứa trẻ có độ tuổi từ hai đến mười. Trong chuyến đi ấy, mọi đứa trẻ, không phân biệt trai gái, thành phố, nông thôn, giàu nghèo… đều có thể khởi hành. Và điểm xuất phát sẽ là trang đầu tiên của cuốn sách khi được mở ra. Các em sẽ được thoả thích lựa chọn nơi mình đến, từ hiện thực đời thường với các mối quan hệ cha mẹ anh chị em, bạn bè thầy cô hay hoá thân vào thế giới sinh động của muôn loài vật, hoà mình vào cỏ cây hoa lá đất trời thênh thang. Kết thúc chuyến đi, các em không bị bỏ rơi trong cái thế giới mình vừa đi qua mà đều trở về. Trở về với một tâm thế trải nghiệm để sống tốt hơn, đẹp hơn, nhân văn hơn.

Truyện thiếu nhi của Trần Đức Tiến không bắt đầu từ Ngày xửa ngày xưa hoặc Ngày nảy ngày nay hay bất cứ một con số cụ thể về mặt thời gian nhưng người đọc luôn có cảm giác thân quen, gần gũi. Đây là lý do để tác phẩm của nhà văn không bị cũ và độc giả nhỏ tuổi thời nào, thậm chí cả những ai đã đi qua năm tháng tuổi thơ cũng đọc được.

Với 28 truyện trong cuốn sách có thể coi đó là tập hợp một loạt lý giải vừa ngộ nghĩnh, suy tư vừa hóm hỉnh, sâu sắc. Đó là cậu bé Sáng sống ở thung lũng nhờ những chú chuồn chuồn có đôi cánh bay xa mang đi lá thư kết bạn. Cậu hi vọng bằng cách này sẽ có thêm nhiều bạn mới. Và rồi một người bạn mới đã đến với Sáng. Sáng đã được đặt chân đến miền đất mới, gặp gỡ nhân vật cổ tích, gặp gỡ nhà văn Andersen nhưng đồng thời Sáng cũng biết sự thật về số phận những con chuồn chuồn chở thư: “Những con chuồn không giống như những cây diêm. Chúng có linh hồn. Chúng biết đau đớn. Những lá thư dù nhẹ đến mấy vẫn quá sức đối với chúng. Nhiều con đã gãy cánh, gục ngã trên đường... Đằng ấy đừng bao giờ bắt những con chuồn chở thư đi nữa nhé”. Từ đó, bằng trí tưởng tượng, và cái nhìn tươi đẹp từ cuộc sống xung quanh, thế giới cổ tích đẹp lung linh luôn hiện hữu trong mắt cậu. Chuyện chú cá Chuồn học bay hết năm này qua năm khác không chỉ để chứng minh lòng dũng cảm, được nhìn thấy thế giới bao la trên mặt nước mà còn để trở thành cá Chuồn thực sự. Rồi chuyện chú chim Vành Khuyên đủ lông đủ cánh rời mẹ bay xa, một ngày nhớ nhà về lại chiếc tổ xưa nhưng không còn mẹ và anh em của mình ở đó nữa. Hay nhạc sĩ Dế Lửa sống ở thành phố quen với hào nhoáng, một ngày mất điện bỗng nhớ quê hương. Sau lần trở về quê với bao cảm xúc, nhạc sĩ đã viết lên một bản nhạc trứ danh mà “khi nghe xong bản nhạc, ai cũng nhận ra mình có cội nguồn nhà quê”….

Người lớn luôn phải đối mặt, luôn phải trả lời những câu hỏi của trẻ con. Bởi thế giới xung quanh rất mới lạ trong từng cặp mắt thơ bé. Có nhiều câu trả lời không làm thoả mãn được chúng. Hi vọng rằng, qua ngòi bút của Trần Đức Tiến, những “lý giải” giản dị, đời thường sẽ phần nào làm thoả mãn các em.

Bên cạnh những trang văn đẹp và sâu sắc không thể không kể tới chất hóm hỉnh trong cuốn sách. Tiếng cười trong văn học thiếu nhi được cho là rất cần thiết nhưng xem ra chưa có thật nhiều nhà văn khai thác yếu tố này. Riêng nhà văn Trần Đức Tiến đã đem đến cho độc giả tiếng cười vô cùng thú vị. Nào là họ hàng nhà Chuột hàng năm tổ chức cuộc thi chạy qua một con mèo đang ngủ. Chuột Nhắt hăng hái tham gia rồi thần hồn nát thần tính ngất lịm trước mặt con mèo chỉ là… gấu bông!. Nào là chú Mèo Hoang ăn mặc lôi thôi lếch thếch khi gặp Mèo Nhà lại khoác lác đủ đường: “áo phải xé vạt, quần phải rách gối… tắm nhiều không có lợi… nhà ở khu trung tâm, phải đi hai cầu thang máy … nằm giường đệm”… làm cho Mèo Nhà nghĩ Mèo Hoang rất oách, là nhân vật quan trọng… Cuối cùng thói khoác lác bị lộ tẩy khi Mèo Nhà bắt gặp Mèo Hoang đang bới ăn ở thùng rác. Còn cả chú Thạch Thùng bé bằng ngón tay mơ một ngày có đôi cánh giống khủng long để bay khắp nơi. Cánh chưa kịp mọc đã ngã oạch xuống nền nhà. Chuyện chiếc lông chim sẻ rơi lạc vào vương quốc của Cóc đúng là trở thành bi hài kịch trong cái thế giới hạn hẹp “ếch ngồi đáy giếng”. Ai cũng suýt xoa, cũng cho là của quý mà không ai biết chính xác là gì. Kẻ thông thái nhất là quan Hàn lâm viện học sĩ Cóc Tía khẳng định đó là chiếc lông ngỗng trời và đặt vào viện bảo tàng quốc gia…. Có rất nhiều chi tiết hài hước, dí dỏm như thế trong cuốn sách “Những truyện hay viết cho thiếu nhi” của Trần Đức Tiến. Sau tiếng cười sảng khoái, dư âm còn kéo dài và mở ra những lý giải, những thông điệp đắt giá, thiết thực cho các em nhỏ. Yếu tố gây cười, tự nhiên, hợp lý là một cách truyền tải khéo léo, mang dáng dấp truyện ngụ ngôn của nhà văn.

Điều dễ thấy trong 28 truyện của cuốn sách là dù ngắn hay dài thì đó đều là một tác phẩm hoàn chỉnh với mở đầu và kết thúc.



Nhà văn Trần Đức Tiến (ảnh Internet)

Đọc tác phẩm thiếu nhi của Trần Đức Tiến độc giả thấy mình “tìm” được nhiều thứ một cách dễ dàng, từ thế giới tuổi thơ trong ngần ập vào thị giác đến những “xôn xao”, lấp lánh ẩn giấu trong tâm hồn. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng nhận xét: “Và với nhà văn Trần Đức Tiến, ông đã tìm được con đường để trở về với tuổi thơ, ông đã tìm được vị trí của mình trong thế giới tuổi thơ ấy giữa những đứa trẻ. Vì thế, trong thế giới này, nhà văn Trần Đức Tiến đã được những đứa trẻ chào đón và giữ ông ở lại với chúng’’

Theo như tên gọi của cuốn sách và tiêu chí tuyển chọn của đơn vị xuất bản thì tác phẩm được in là những trang viết thiếu nhi hay nhất, nổi tiếng nhất của nhà văn Trần Đức Tiến có lẽ chưa thật thoả đáng. Nếu vẫn lấy tiêu chí này, chắc rằng nhiều người sẽ đồng tình thêm số trang để cuốn sách có độ dày hơn.

Hiền Nguyễn

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ