Bất ngờ dàn vũ khí "khủng" của Armenia khiến Azerbaijan mới nghe tên đã khiếp vía

Trà Khánh | 30-09-2020 - 19:27 PM

(Tổ Quốc) - Dù lép vế Azerbaijan về tiềm lực quân sự thế nhưng Armenia vẫn có trong tay dàn vũ khí tấn công đủ mạnh cho phép họ thay đổi cục diện cuộc chiến.

Theo tờ Military Watch, trong bối cảnh căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan về khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh tiếp tục leo thang thành đối đầu quân sự công khai thì những đánh giá về tiềm lực quân sự của cả hai quốc gia này từng được giới chuyên gia phân tích không có nhiều sự thay đổi ở thời điểm hiện tại.

Tờ báo của Mỹ cũng cho biết, Quân đội Armenia và Azerbaijan đều được xây dựng dựa trên những gì họ được "thừa kế" từ Quân đội Liên Xô, cả hai nước đều là đối tác chiến lược của Nga ở Nam Kavkaz (Caucasus). Tuy nhiên, với tiềm lực giới hạn, khả năng quốc phòng của Armenia hoàn toàn dựa vào người Nga.

Trong khi đó, Azerbaijan lại đầu tư nhiều hơn vào quan hệ hợp tác quốc phòng với các bên thứ ba như Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể nói Baku sở hữu tiềm lực quân sự vượt trội hơn đối thủ của họ ở nhiều khía cạnh.

Chính điều này đã tạo sức ép lên Armenia, buộc họ phải đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội trong vài năm trở lại gần đây. Tất nhiên, hầu hết số vũ khí mới được Yerevan trang bị cho quan đội của họ đều do Nga sản xuất.

Theo như đánh giá của Military Watch, dù lép vế trước Azerbaijan nhưng Armenia vẫn có trong tay dàn vũ khí tấn công đủ mạnh cho phép họ thay đổi cục diện trên chiến trường. Dưới đây là 5 mẫu vũ khí mạnh nhất của Armenia có thể khiến Azerbaijan "ôm hận" nếu dám khinh địch:

1.Tên lửa đạn đạo Iskander-E

Quân đội Armenia hiện là quốc gia duy nhất ngoài Nga đang sở hữu các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander-E, đây là được xem là thứ vũ khí giúp Yerevan có thể "đè bẹp" lực lượng phòng không của Azerbaijan nếu xung đột giữa hai nước leo thang thành một chiến tranh tổng lực.

Theo như quảng cáo của Nga, tên lửa Iskander-E gần như không thể bị đánh chặn và nó thừa khả năng vượt qua các hệ thống phòng không tối tân của NATO ở châu Âu. Mẫu tên lửa đạn đạo này có thể bay với vận tốc Mach 6 (hơn 7.000/km/h) trong giai đoạn cuối trước khi tiếp cận mục tiêu, điều này khiến việc đánh chặn nó trở nên bất khả thi.

Bất ngờ dàn vũ khí khủng của Armenia khiến Azerbaijan mới nghe tên đã khiếp vía - Ảnh 2.

Các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-E của Quân đội Armenia trong một lễ duyệt binh gần đây. Ảnh: Sputnik.

Với khả năng cơ động cao, Armenia có thể triển khai các hệ thống Iskander-E của họ đến bất kỳ đâu hay phát động các cuộc tấn công bất ngờ vào các mục tiêu chiến lược của Azerbaijan như căn cứ không quân, hệ thống phòng không hay trung tâm chỉ huy tác chiến.

Chẳng phải tự nhiên mà Armenia đe dọa sẽ sử dụng Iskander-E tấn công Azerbaijan nếu Thổ Nhĩ Kỳ điều động chiến đấu cơ F-16 đến giúp lực lượng của Baku ở Nagorno-Karabakh.

Tuy nhiên, biến thể Iskander-E của Armenia có tầm bắn hạn chế hơn so với bản gốc Iskander của Nga, khoảng 280km. Nó cũng được trang bị đầu đạn nổ cực mạnh 480kg.

2. Tiêm kích đa năng Su-30SM

Armenia hiện là quốc gia duy nhất ở vùng Nam Kavkaz sở hữu các máy bay chiến đấu thế 4 với những chiếc Sukhoi Su-30SM. Dù phi đội Su-30SM của nước này còn khá khiêm tốn chỉ 4 chiếc nhưng con số này sẽ sớm tăng lên 12 chiếc trong vài năm tới.

Nhìn chung Su-30SM giúp Không quân Armenia có những lợi thế nhất định trước Azerbaijan nếu họ muốn làm chủ bầu trời Nagorno-Karabakh, trong khi đó lực lượng không quân của Baku chỉ được trang bị những chiến đấu cơ thế hệ cũ như MiG-21 và MiG-29.

Bất ngờ dàn vũ khí khủng của Armenia khiến Azerbaijan mới nghe tên đã khiếp vía - Ảnh 3.

Hai trong bốn chiếc Su-30SM của Không quân Armenia. Ảnh: Azatutyun.

Không hề quá lời khi nói rằng phi đội 4 chiếc Su-30SM của Armenia có thể thoải mái vô hiệu hóa lực lượng Không quân Azerbaijan.

Su-30SM hiện là biến thể hiện đại nhất của dòng chiến đấu cơ Sukhoi Su-30 và là một biến thể cải tiến của tiêm kích Su-30MKI. Nó được thiết kế cho vai trò chiếm ưu thế trên không cũng như tấn công các mục tiêu mặt đất, trên biển và thực hiện các nhiệm vụ chống tác chiến điện tử và cảnh báo sớm.

Với tầm tác chiến lên đến 3.000km, phi đội Su-30SM Armenia thừa khả năng mở các cuộc tập kích đường không vào các mục tiêu chiến lược nằm sâu bên trong lãnh thổ Azerbaijan.

3. Tên lửa không đối không R-77

Cũng với việc mua những chiếc Su-30SM, Không quân Armenia cũng bắt đầu đưa vào trang bị các tên lửa không đối không tầm trung R-77.

Về cơ bản với tên lửa R-77, Su-30SM của Armenia thừa khả năng "diệt sạch" những chiếc MiG-29 của Azerbaijan hay đối đầu với F-16 Thổ Nhĩ Kỳ trên bầu trời Nagorno-Karabakh. Cần phải nói thêm là số lượng tên lửa một chiếc Su-30SM có thể mang theo hoàn vượt trội hơn so với MiG-29 hay F-16.

Bất ngờ dàn vũ khí khủng của Armenia khiến Azerbaijan mới nghe tên đã khiếp vía - Ảnh 4.

Su-30MKI của Không quân Ấn với tên lửa không đối không R-77 (ở giữa). Ảnh: Tempo Foto.

R-77 hiện được xem là một trong những tên lửa không đối không tốt nhất của Không quân Nga, nó có thể chiến đấu tốt trong mọi điều kiện thời tiết, thậm chí cả khi bị đối phương sử dụng các biện pháp áp chế điện tử.

Về cơ chế tìm diệt, trong pha đầu sau khi được phóng, R-77 bay theo quán tính với dữ liệu về mục tiêu được cập nhật từ radar của máy bay phóng (như vị trí thay đổi hay G-load của mục tiêu). Đến pha cuối, R-77 sẽ chuyển sang dùng radar chủ động của chính nó.

Khi công kích các mục tiêu không có khả năng cơ động tốt bay ở độ cao lớn trong trạng thái đối đầu, R-77 có thể được bắn từ cự ly khoảng trên 80km, đầu dò radar chủ động của tên lửa có tầm hoạt động 20km.

4. Tên lửa chống radar Kh-31P

Mặc dù, chưa được kiểm chứng nhưng có nhiều thông tin cho thấy Không quân Armenia đã được trang bị tên lửa chống radar Kh-31P, dĩ nhiên chúng được tích hợp cho những chiếc Su-30SM.

Bất ngờ dàn vũ khí khủng của Armenia khiến Azerbaijan mới nghe tên đã khiếp vía - Ảnh 6.

Tên lửa chống radar Kh-31PK, biến thể nâng cấp của Kh-31P với tầm bắn được nâng lên 160km. Ảnh: Vitaly Kuzmin.

Kh-31P là một trong nhiều biến thể của dòng tên lửa không đối đất Kh-31, nó được tích hợp thêm một đầu dò thụ động cho nhiệm vụ vô hiệu hóa lực lượng phòng không đối phương thông qua việc tiêu diệt các hệ thống radar cảnh giới. Nó được xem là cặp bài trùng với các tên lửa Iskander-E nếu Armenia muốn đánh tan lực lượng phòng không của Azerbaijan.

Các tên lửa Kh-31P có tầm bắn hiệu quả lên đến 110km, được trang bị đầu đạn nặng 87kg.

5. Hệ thống phòng không tầm xa S-300PT

Trước khi được Nga bàn giao những chiếc Su-30SM đầu tiên thì hệ thống phòng không tầm xa S-300PT được xem là vũ khí mạnh nhất của lực lượng phòng không - không quân Armenia.

Mặc dù, thua kém hơn các biến thể S-300 đã được Nga hiện đại hóa, S-300PT vẫn thừa sức mạnh để uy hiếp chiến đấu cơ Azerbaijan và đồng minh nếu họ dám đến gần Nagorno-Karabakh.

Bất ngờ dàn vũ khí khủng của Armenia khiến Azerbaijan mới nghe tên đã khiếp vía - Ảnh 7.

Hệ thống phòng không tầm xa S-300PT của Armenia. Ảnh: World in War.

S-300PT của Armenia được trang bị đạn tên lửa 5V55KD có tầm tác chiến hiệu quả 90km với chế độ dẫn bắn bán chủ động ở đầu cuối.

So với hệ thống S-300PMU2 của Azerbaijan, S-300PT rõ ràng kém hơn hẳn nhưng vẫn có thể phối hợp với phi đội Su-30SM trong nhiệm vụ phòng không bảo vệ bầu trời Armenia.

Quân đội Armenia huấn luyện tác chiến với tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka-U.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM