• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bắt tay Nga, Trung và Mỹ tại Afghanistan: "mong manh" phép thử cho kỷ nguyên mới

Thế giới 02/09/2019 11:30

(Tổ Quốc) - Afghanistan đang được coi là phép thử cho mối quan hệ ổn định giữa ba cường quốc thế giới là Nga, Trung Quốc và Mỹ.

Đối thoại hòa bình giữa những người Afghanistan, bao gồm thành viên chính phủ và lực lượng Taliban, có thể cuối cùng cũng sẽ diễn ra. Bất chấp những thách thức, viễn cảnh của quá trình đàm phán đang đem lại hy vọng về một kết quả tích cực nhất cho cuộc chiến đã kéo dài trong nhiều thập kỷ tại Afghanistan. Những câu hỏi được quan tâm nhiều hiện giờ là liệu Taliban có đồng ý nói chuyện với chính phủ hay không và Mỹ sẽ vẫn tiếp tục hiện diện quân sự tại Afghan hay rút quân. Và một vấn đề nữa khó có thể bỏ qua là Mỹ, Nga và Trung Quốc có cùng hợp tác để đẩy mạnh các nỗ lực hòa bình cho quốc gia Trung Á hay không.

Trang The Hill nhận định, bên cạnh việc kết thúc chiến tranh, sự hợp tác như trên sẽ đem lại ý nghĩa to lớn trong kỷ nguyên mà căng thẳng giữa các cường quốc đang không ngừng gia tăng: nếu Washington, Bắc Kinh và Moscow không thể hợp tác về Afghanistan – nơi mà các lợi ích của họ phần lớn là tương đồng, thì khả năng về một mối quan hệ ổn định giữa các nước lớn, sẽ càng trở nên mờ mịt hơn. Như vậy, Afghanistan có thể được coi là một trường hợp thử nghiệm cho một giai đoạn mới của chính trị thế giới. Trung Quốc, Nga và Mỹ nên nắm lấy cơ hội để triển khai hợp tác dựa trên lợi ích, thực tế và tránh lợi dụng thời cơ từ sự bất ổn của Afghanistan.

Screen Shot 2019-09-02 at 09

Mỹ, Nga và Trung có lợi ích trong việc chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan (ảnh: getty)

Về mặt lợi ích, The Hill cho rằng, cuộc chiến dài hơi nhất của nước Mỹ có thể là vấn đề duy nhất mà Washington, Bắc Kinh và Moscow có thể hợp tác ngay lập tức. Bất chấp chiến tranh thương mại, lệnh trừng phạt và căng thẳng với nhau trên nhiều vấn đề, cả ba cường quốc đều muốn Mỹ rời Afghanistan mà không để lại một cuộc nội chiến và chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng mở rộng vai trò của Trung Quốc trong ngoại giao khu vực và đưa Afghanistan trở thành một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường do chính ông khởi xướng. Tổng thống Vladimir Putin muốn tái khẳng định ảnh hưởng của Nga tại các nước thuộc Liên Xô cũ, nhấn mạnh vị thế của Nga trong giải quyết xung đột quốc tế và tái thiết lại quan hệ với Afghanistan.

Nhiều bước đã được triển khai: Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad mới có cuộc gặp với các người đồng cấp Nga và Trung Quốc tại Bắc Kinh sau vòng đàm phán mới nhất với Taliban tại Doha. Cuối tháng Tư trong một cuộc gặp khác tại Moscow, các quan chức cấp cao ba nước Mỹ, Trung và Nga cũng đã đưa ra một tuyên bố chung ủng hộ cho tiến trình hòa bình tại Afghanistan.

Để đẩy mạnh đàm phán và đạt được một thỏa thuận trong tương lai, Mỹ, Trung Quốc và Nga sẽ phải hợp tác trên ba lĩnh vực: Tìm ra một giải pháp mà tất cả các bên đều chấp nhận. Hỗ trợ tiến trình đạt được một hiệp định thông qua lệnh ngừng bắn, đối thoại nội bộ trong Afghanistan và kêu gọi sự tham gia tích cực của các nước khác trong khu vực. Và cuối cùng, thống nhất hợp pháp hóa và thực thi bất kỳ hiệp định nào trong tương lai thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Những nét chính của một giải pháp có tiềm năng đạt được đồng thuận đang ngày càng hiện rõ. Chính quyền Donald Trump không muốn tiếp tục hiện diện quân sự lâu dài tại Afghanistan, ít nhất là không vượt qua quy mô cần thiết để đối phó với al Qaeda, IS và các nhóm khủng bố quốc tế khác.

Nga và Trung Quốc từ lâu đã quan ngại về sự hiện diện lâu dài của Mỹ, tuy nhiên về tương lai gần, họ thà chứng kiến quân đội Mỹ còn hơn là một cuộc nội chiến hay chủ nghĩa cực đoan lan rộng. Không một bên nào trong ba cường quốc muốn Taliban một mình kiểm soát Afghanistan, nhưng cũng đều hy vọng lực lượng này có một vài trò nào đó trong đất nước Taliban tương lai.

Mỗi nước đều có những cách nhìn khác nhau về các chi tiết cụ thể cần có nhằm đạt được kết quả tích cực nhất, nhưng mục tiêu của họ lại không khác biệt nhiều; vì vậy giờ đây, Nga, Mỹ và Trung có thể cùng đồng ý ủng hộ cho bất kỳ thỏa thuận nào giữa các bên trong Afghanistan giúp đem lại hòa bình dài lâu.

Để đi tới đó, ba nước có thể nỗ lực hợp tác thúc đẩy đạt được một lệnh ngừng bắn, đưa những người Afghanistan ngồi lại cùng nhau và giành lấy ủng hộ trong khu vực. Washington, Bắc Kinh và Moscow nên nhanh chóng kêu gọi lệnh ngừng bắn và ngay lập tức tiến hành thảo luận nội bộ Afghanistan – một thông điệp chung có thể góp phần đạt được cả hai mục tiêu này. Tiếp theo, phần lớn các nước khu vực đều muốn kết thúc chiến tranh tại Afghanistan, nhưng lại lo lắng điều đó có thể làm ảnh hưởng tới lợi ích của họ. Nhằm giúp xoa dịu những quan ngại trên, Mỹ, Nga và Trung Quốc nên tận dụng các quan hệ riêng và đạt được các dàn xếp có lợi nhất. Mỹ có thể thảo luận với các đối tác Afghan để trấn an và tìm kiếm sự tham gia của Ấn Độ và các nước châu Âu. Còn Nga và Trung Quốc có thể tìm đến Taliban, Pakistan, Iran và các nước Trung Á khác.

Theo The Hill, chỉ có sự ủng hộ quốc tế, lý tưởng là thông qua Hội đồng Bảo An mới có thể khiến bất kỳ thỏa thuận nào tồn tại lâu dài. Tất cả các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An hiểu rằng, bất kỳ sự dàn xếp nào tại Afghanistan cũng sẽ đòi hỏi sự cưỡng chế và giám sát. Trong khi khả năng Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc có mặt tại Afghanistan là điều khó xảy ra, sự tán thành của Hội đồng Bảo an có thể thực thi mạnh mẽ tiến trình hòa bình, kết quả và bất kỳ cơ chế nào đã được thống nhất trước đó cho việc triển khai và duy trì các nỗ lực đối phó với chủ nghĩa khủng bố.

Tổng thống Trump, Putin và Chủ tịch Tập đều có những lợi ích thực sự để chỉ đạo các cơ quan ngoại giao, quân sự và tình báo của mình làm việc cùng nhau, hướng tới việc kết thúc cuộc chiến Afghanistan. Vấn đề còn lại là liệu các lợi ích chung của họ có đủ đề thúc đẩy và "lèo lái" sự hợp tác trong bối cảnh căng thẳng và cạnh tranh không ngừng gia tăng – hay không.

Phương Đỗ

NỔI BẬT TRANG CHỦ