• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bầu cử Mỹ: "Trỗi dậy" bất ngờ của ông Biden sau Siêu thứ ba khiến Đảng Dân chủ sợ hãi ác mộng 2016 tái diễn?

Thế giới 05/03/2020 11:24

(Tổ Quốc) - Những đối đầu giữa hai ứng cử viên Joe Biden và Bernie Sanders có thể làm suy yếu cơ hội chiến thắng của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới?

CNN nhận định, sau thành công bất ngờ của ứng cử viên tổng thống Joe Biden vào Siêu thứ Ba, Đảng Dân chủ đang một lần nữa đối mặt với ác mộng năm 2016: "chạm trán" giữa ứng cử viên chính thức của đảng và Bernie Sanders có thể khiến phe Dân chủ bị chia rẽ và trở nên yếu hơn trong cuộc bầu cử tháng 11.

Bốn năm trước, một phần lớn trong số những người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông Sanders – bao gồm nhiều cử tri trẻ, đã lựa chọn ở nhà vào ngày bỏ phiếu và từ chối công nhận bà Hillary Clinton là đại diện cho Đảng Dân chủ.

Trên con đường chạy đua vào Nhà Trắng năm nay, mặc dù các bên đều tuyên bố sẽ đoàn kết để đánh bại đương kim Tổng thống Donald Trump, cuộc đối đầu Biden-Sanders được dự đoán là có thể sẽ căng thẳng hơn cả đụng độ Clinton-Sanders.

Bầu cử Mỹ: "Trỗi dậy" bất ngờ của ông Biden sau Siêu thứ ba khiến Đảng Dân chủ sợ hãi ác mộng 2006 tái diễn? - Ảnh 1.

Ông Biden đang dẫn trước Sanders sau ngày Siêu thứ Ba (ảnh: AFP)

Không có sự thay đổi chủ chốt nào trong chiến lược đã giúp "hồi sinh" chiến dịch tranh cử của ông Biden - từ gần như sụp đổ cho đến sự trỗi dậy và chiến thắng tại 10/14 bang tổ chức bỏ phiếu trong Siêu thứ Ba. Thay vào đó, ứng cử viên 77 tuổi nhận được một loạt ủng hộ quan trọng, bắt đầu với Nghị sỹ Kim Slyburn tại South Carolina và cựu Thống đốc bang Virginia Terry McAuliffe cũng như từ ba cựu đối thủ vòng sơ bộ là Pete Buttigieg, Amy Klobuchar và Beto O'Rourke. Đó chính là dấu hiệu thu hút sự chú ý của nhiều cử tri Dân chủ còn đang do dự.

Cũng trong tối ngày 3/3, một tin vui lớn đã tới với ông Biden khi cựu thị trưởng TP New York Michale Bloomberg quyết định rời bỏ cuộc chạy đua và bày tỏ mong muốn đứng phía sau cựu phó tổng thống. Điều này có thể đồng nghĩa với việc hàng triệu USD từ vị tỷ phú truyền thông sẽ được bỏ ra để đảm bảo ông Sanders không trở thành ứng cử viên chính thức của Đảng Dân chủ và xa hơn nữa, là ngăn cản Tổng thống Trump tái đắc cử. Với sự ủng hộ của cựu Thống đốc bang Michigan Jennifer Granholm và cựu thị trưởng Mitch Landrieu, ông Biden đang tràn trề hy vọng giành thêm chiến thắng vào thứ ba tuần sau.

Tuy nhiên, hôm thứ tư (4/3), những người ủng hộ ứng cử viên Sanders một lần nữa thể hiện thái độ nghi ngờ trên mạng xã hội – tương tự như những gì từng xảy ra năm 2016.

Bản thân ông Sanders vạch ra một thái độ chúng ta-đối đầu-họ cho chiến dịch tranh cử tại buổi họp báo mới nhất tại Burlington. Ông liệt kê các thế lực đang chống lại mình, bao gồm Wall Street và "toàn bộ giới tập đoàn".

Bầu cử Mỹ: "Trỗi dậy" bất ngờ của ông Biden sau Siêu thứ ba khiến Đảng Dân chủ sợ hãi ác mộng 2006 tái diễn? - Ảnh 2.

Ứng cử viên Sanders nhận được nhiều ủng hộ từ các cử tri trẻ (ảnh: CNN)

"Chưa từng có một chiến dịch [tranh cử] nào trong lịch sử gần đây lại phải đối phó với toàn bộ giới chính trị, và đó là một giới chính trị đang tìm mọi cách để đánh bại chúng ta", ông Sanders tuyên bố. "Chúng ta từng bị so sánh với virus corona trên tivi. Chúng ta bị miêu tả như quân phát xít tiến vào nước Pháp vv. Khi mà những tháng cuối cùng của chiến dịch đang tới gần, điều tôi thực sự hy vọng là chúng ta có thể tập trung vào một chiến dịch theo định hướng vấn đề trong đó đề cập tới những điều mà người dân Mỹ quan tâm".

Đáp trả, đội ngũ cố vấn chiến dịch của cựu phó Tổng thống Biden chỉ trích ông Sanders đang có chiến thuật gây chia rẽ tại các bang sắp tới, bao gồm cả việc phê bình ông Biden từng quyết định đóng băng ngân sách An ninh Xã hội vào năm 1995 vv.

Trong những nỗ lực tìm kiếm sự thống nhất, các nhà lãnh đạo phe Dân chủ như cựu Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đều cố tình đứng ngoài cuộc chiến. Nhưng thái độ của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton tiếp tục gây chú ý. Trong một bộ phim tài liệu phát sóng trên kênh Hulu, bà Clinton nhận xét về ứng cử viên Sanders: "Không ai thích ông ấy cả. Không ai muốn làm việc với ông ấy".

Theo cựu cố vấn dưới thời Obama Jen Psaki, kể từ sau thất bại của bà Clinton năm 2006, tầm quan trọng và quyền lực của việc liên minh với Sanders đang ngày càng được công nhận và đó chính là lý do ông Biden cố gắng không tỏ ra quá gay gắt trong giọng điệu của mình khi đề cập tới đối thủ Sanders.

"Thời điểm đó nỗi lo sợ ông Trump tiến vào Nhà Trắng không giống với bây giờ", bà Psaki chỉ ra. "Và đây sẽ là một động cơ lớn không như bốn năm trước".

"Anh không thể chiến thắng bằng cách loại bỏ một lượng lớn cử tri Dân chủ ngoài kia - những người không muốn là một phần trong phong trào Bernie Sanders", cộng tác viên với kênh CNN phân tích. "Họ chỉ muốn đánh bại Donald Trump và bảo vệ chế độ y tế của mình".

Chia rẽ bởi lứa tuổi và chủng tộc

Tính tới tối ngày 4/3, sự chênh lệch trong con số các đại biểu mà Biden và Sanders giành được không quá cao – Biden dẫn trước với 509 và Sanders là 449. Nhưng những khác biệt phía sau con số lại đáng chú ý hơn.

Tại miền nam, cử tri Mỹ gốc Phi chiếm đa số trong các chiến thắng của ông Biden. Một phân tích của CNN dựa trên kết quả tại 12 bang trong Siêu thứ Ba chỉ ra, cựu phó tổng thống giành được 56% ủng hộ của cử tri da đen, so với 17% dành cho ông Sanders và 15% dành cho tỷ phú Bloomberg.

Ông Biden cũng được các cử tri cao tuổi ủng hộ trong khi Sanders rất được lòng các cử tri trẻ. 46% cử tri từ 65 tuổi trở lên bỏ phiếu cho ông Biden và chỉ 14% lựa chọn ông Sanders. Nhưng chiến dịch của ông lại nhận được sự ủng hộ của tới 58% cử tri dưới 30 tuổi – so với 14% dành cho ông Biden.

"Để được lựa chọn là ứng cử viên chính thức, ông Sanders cần phải gia tăng lượng người ủng hộ và nên bắt đầu làm điều đó với cộng đồng người Mỹ gốc Phi", Dan Pfeiffer, một cựu cố vấn cấp cao cho Tổng thống Obama nhận xét. "Nếu ông ấy không làm tốt hơn với những cử tri này, cơ hội của ông ấy gần như là số 0".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ