Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Ông Nguyễn Văn Đệ là cái tên không xa lạ với bóng đá xứ Thanh. Những người yêu bóng đá thường gọi ông với cái tên thân thương - Bầu Đệ. Có người nói ông là "người cứu hỏa của bóng đá xứ Thanh" bởi cứ khi nào CLB Thanh Hóa rơi vào khủng hoảng là cái tên của Bầu Đệ lại xuất hiện.

Bầu Đệ: Người hồi sinh và tình yêu với bóng đá xứ Thanh - Ảnh 1.

Quay trở lại với cương vị Chủ tịch CLB Thanh Hóa vào cuối năm 2018, sau hơn 2 năm "vắng bóng", người đàn ông vẫn được biết tới với danh xưng "bầu Đệ" đã từng bước đưa Thanh Hóa đi lên ở giải VĐQG.

Nhớ lại năm 2011, sau khi đội bóng Thanh Hóa mua lại đội Thể Công, khi đó toàn đội rơi vào khủng hoảng. Ông Nguyễn Văn Đệ đã nhận lời với các đồng chí lãnh đạo tỉnh về điều hành đội bóng. Vào thời điểm đó, CLB Thanh Hóa chỉ còn có 6 cầu thủ với khó khăn trăm bề. Tài sản của đội bóng gần như bằng không, chỉ có những gì mà tỉnh để lại như là sân vận động và một số nhà cửa đã xuống cấp. Bầu Đệ đã nhanh chóng bắt tay vào sửa sang, "an cư, an dân", sau đó tiến đến cải tổ vấn đề tuyển quân.

Dưới "bàn tay sắp xếp" của Bầu Đệ, CLB Thanh Hóa như được thổi một làn gió mới, thành tích của đội đã được cải thiện rõ rệt. Đầu mùa giải 2014, sân Thanh Hóa phải gồng mình chống lại tình trạng quá tải. Cảnh tượng chen lấn mua vé xem bóng đá như xếp hàng mua tem phiếu thời bao cấp ở Thanh Hóa khiến những người làm bóng đá Việt Nam mở cờ trong bụng. Đó là cơ sở để củng cố niềm tin rằng, nếu đá hay, đá sòng phẳng, bóng đá nội vẫn có sức hút ghê gớm.

Bầu Đệ: Người hồi sinh và tình yêu với bóng đá xứ Thanh - Ảnh 2.

Mô hình nhà nước và doanh nghiệp cùng làm đã giúp cho bóng đá xứ Thanh đứng vững trước cơn bão suy thoái kinh tế. Nhiều người vẫn thắc mắc, thậm chí không đồng tình với quan điểm làm bóng đá của tỉnh Thanh Hóa và cộng đồng doanh nghiệp nơi đây, nhưng nếu đến sân, nhìn những khu nhà cao tầng quanh sân chật kín khán giả, nhìn cảnh chen lấn nhau mua vé thì mới thấy những giá trị không thể mua được bằng tiền. Thanh Hóa trở thành đội bóng có bản sắc nhất nhì Việt Nam, số lượng cầu thủ bản địa đóng góp cho tỉnh nhà cũng cao thứ hai V-League, chỉ xếp sau lò SLNA. 2014 năm đó, dưới sự lãnh đạo của bầu Đệ, đội bóng Thanh Hóa lần đầu tiên có tấm huy chương đồng giải vô địch Quốc gia. Tuy bước vào cuộc chơi bóng đá muộn hơn so với các ông bầu khác nhưng không ai có thể chối bỏ được công sức của Bầu Đệ đã đóng góp cho bóng đá xứ Thanh.

Ở bầu Đệ, cái người ta đánh giá cao nhất là sự giản dị chất phác và trên hết, ông sở hữu tư duy tổ chức bóng đá cấp tiến vượt thời đại. Với ông Đệ, đội bóng không phải tài sản cá nhân mà là đứa con tinh thần của người dân Thanh Hóa. Bằng cách tiếp cận ấy, thay vì để Thanh Hóa dựa dẫm vào nguồn tiền của 1-2 cá nhân tổ chức, ông cố gắng tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, đem đến sự ổn định cho bóng đá Thanh Hóa.

Bầu Đệ: Người hồi sinh và tình yêu với bóng đá xứ Thanh - Ảnh 3.

Giai đoạn 2015 đến 2018, khi bàn giao lại CLB Thanh Hóa cho FLC, Thanh Hóa với nền móng đã được xây dựng tiếp tục "lên như diều gặp gió" khi giành ngôi Á quân liên tiếp vào các năm 2017 và 2018.

Đến cuối 2018, tập đoàn FLC bất ngờ trả lại đội bóng về cho tỉnh Thanh Hóa. Một lần nữa CLB rơi vào khủng hoảng và tất cả đều gọi tên "người cứu hỏa của bóng đá xứ Thanh".

"Khi tôi đã chia tay CLB thì không bao giờ có suy nghĩ sẽ quay trở lại với bóng đá nữa. Tôi cũng không rõ lí do FLC trả lại đội bóng cho tỉnh. Vào thời điểm đó, ban lãnh đạo tỉnh có đặt vấn đề nhưng tôi không nhận, bàn giao lại cho Phó Giám đốc Sở  Văn hóa Thể thao và Du lịch và một người có hơn hai chục năm dẫn dắt bóng đá Thanh Hóa đó là anh Hưng nhưng sau 6 trận liền đều bết bát" - Bầu Đệ nhớ lại.

Việc rơi tự do từ vị thế của Á quân xuống khu vực "đèn đỏ" đã khiến cổ động viên xứ Thanh hoang mang và nhiều lần trực tiếp cầu cứu bầu Đệ. Không ở đâu mà mối quan hệ giữa cổ động viên và Chủ tịch đội bóng lại thân thiết đến thế. Sự hiện diện của bầu Đệ như một niềm hi vọng đối với bóng đá tỉnh nhà.

"Dù tuổi đã cao nhưng với cương vị là chủ tịch hội doanh nghiệp tỉnh, "đứng mũi chịu sào" và là tấm gương nên sau khi được động viên và vì tính tự ái, tình yêu quê hương của tôi quá lớn nên nếu không còn ai nhận thì tôi nhận lại. Tôi nhận với tinh thần phải có sự chung tay của chính quyền và các cấp để đưa đội bóng qua thời kì khó khăn. Vậy nên năm 2019 tôi cùng với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã cố gắng để CLB không bị xuống hạng. Với tôi thì thời gian làm việc bóng đá rất ngắn nhưng tôi xác định làm đến đâu phải có trách nhiệm đến đấy và làm bóng đá là không hưởng lợi.  Do vậy tôi chỉ lo lương thưởng cho vận động viên và các nhân viên làm sao cho ổn định, đó là đạo đức và lương tâm của người quản trị đối với đội bóng quê nhà" - ông bầu xứ Thanh nói thêm.

Sức khỏe không còn được như trước cùng với khối công việc vô cùng bận rộn nhưng mỗi khi CLB Thanh Hóa ra sân không bao giờ thiếu bóng dáng của bầu Đệ. Nhiều người không hiểu, có những người ác mồm nói này kia nhưng đối với ông, ngoại trừ những cuộc họp ở Trung ương thì bất cứ khi nào đội thi đấu, ông đều có mặt.

"Xuống sân để gần gũi động viên và thông qua đội đá để nắm được tinh thần của CLB. Với tôi, nếu miêu tả về tình yêu bóng đá của bản thân thì đó là "yêu quê hương". Thanh Hóa có kinh tế, an ninh chính trị phát triển thì phải thông qua bóng đá để cho thế giới và trong nước thấy được điều đó. Giống như bóng đá Việt Nam, trước kia có rất nhiều nơi xa xôi không biết đến Việt Nam nhưng vừa qua tất cả các ngõ ngách, địa phương, thành phố, các nước đều biết đến Việt Nam qua bóng đá. Tuy bóng đá Thanh Hóa chưa làm được điều lớn như vậy nhưng cũng sẽ học tập để đưa đội bóng quê nhà phát triển" – Bầu Đệ nói.

Bầu Đệ: Người hồi sinh và tình yêu với bóng đá xứ Thanh - Ảnh 5.

Ông bầu cá tính bậc nhất trong làng bóng đá Việt Nam là điều mà mọi người nhận xét khi nhắc đến bầu Đệ. Từ thương trường đến lãnh đạo đội bóng ông đều đi theo những con đường khác biệt hoàn toàn so với số đông. Trước khi bước vào thương trường ông từng là một chiến sĩ CAND. Vào năm 2003 khi tất cả đổ xô xây khách sạn nhà hàng thì ông chọn xây… bệnh viện, nhiều người nói ông điên rồ nhưng chỉ sau đó vài năm thì không thể phủ nhận được thành công của ông. Và khi đang là một doanh nhân có tiếng thì 2011 ông lại đưa ra lựa chọn bắt đầu gắn bó với bóng đá.

Với cá tính khác biệt, cũng không ai có thể ngờ bầu Đệ trở lại với bóng đá Thanh Hóa trong vai trò chủ tịch CLB sau khi đã rời khỏi chức vị này vào cuối năm 2015. Tức đến thời điểm này, ông Đệ đã có khoảng thời gian hơn 1 năm quay trở lại ngồi chiếc ghế quyền lực nhất của đội bóng xứ Thanh.

Trong hơn 1 năm ấy, bầu Đệ được nhắc đến rất nhiều khi có đến 4 lần quyết định thay HLV trưởng cho CLB Thanh Hoá. Mới nhất, với việc ký hợp đồng dẫn dắt CLB Thanh Hóa thời gian tới, ông Nguyễn Thành Công là HLV thứ 5 làm việc dưới trướng bầu Đệ ở CLB Thanh Hóa sau các HLV Nguyễn Đức Thắng, Vũ Quang Bảo, Mai Xuân Hợp và Fabio Lopez.

Bầu Đệ: Người hồi sinh và tình yêu với bóng đá xứ Thanh - Ảnh 5.

Khi được hỏi về vấn đề tại sao lại lựa chọn HLV Nguyễn Thành Công, bầu Đệ cho biết: "Từ đầu năm 2019, chúng tôi đã đặt vấn đề mời HLV Nguyễn Thành Công, lúc đó cậu ấy đã nhận lời nhưng băn khoăn khi vừa mới nghỉ tại đội Sài Gòn và cũng có nói sẽ nghỉ ngơi khoảng một năm không nhận lời ai cả. Cho nên, vào mùa giải 2020, chúng tôi không mời được Nguyễn Thành Công và phải thay thế bằng ông Fabio Lopez" – Bầu Đệ chia sẻ.

Thế nhưng, vì nhiều lí do, CLB Thanh Hóa đã phải nhận 3 trận thua đầu tiên của giải. Điều này chắc chắn không thể làm hài lòng ban lãnh đạo đội. Bầu Đệ tiếp tục đặt vấn đề với HLV Thành Công.

"Trong bối cảnh bố cậu ấy đang mổ do ở viện nhưng khi cậu ý nhận lời thì tôi thấy được một con người trước hết về đạo lý, dù bố đang phẫu thuật nhưng rất tôn trọng tập thể. Tôi cho rằng đây là người đặt lợi ích tập thể lên trên hết nên tôi đánh giá cao. Từ những cái ông Fabio Lopez chưa làm được thì khi HLV Nguyễn Thành Công về đã khắc phục và làm tốt hơn tôi tưởng, thu phục được lòng người, đưa cầu thủ nội và cầu thủ ngoại về cùng chung hướng với mình. Nguyễn Thành Công nghiên cứu rất kĩ, rất sâu về lối chơi, cái gì chưa phù hợp thì thay đổi ngay. Tôi thấy đây là một huấn luyện viên trẻ và rất tài năng và là hạt giống đỏ cho bóng đá Việt Nam trong tương lai. Không phải là vì thắng tôi mới khen mà từ những điều chỉnh về lối chơi, cách huấn luyện thay đổi tập luyện, thu hút lòng người... Trong 8 năm tôi làm bóng đá thì không nhiều HLV có thể làm được như điều đó như HLV Thành Công" – ông Đệ nói.

Ai cũng thừa nhận tâm huyết của bầu Đệ với bóng đá xứ Thanh, nhưng bên cạnh đó, vị chủ tịch CLB Thanh Hóa còn được đánh giá là một ông bầu có "máu mặt", cá tính nhất nhì ở V-League. Người ta luôn xôn xao với những quyết định của bầu Đệ, hoài nghi năng lực của một người…. " không biết gì" về bóng đá. Tuy nhiên, với bản tính của một người luôn thích đối đầu với gian khó, bầu Đệ không muốn đôi co lý lẽ mà thường trả lời bằng kết quả trên sân cỏ. Việc lựa chọn HLV Nguyễn Thành Công dẫn dắt đội tuyển đã giúp cho CLB Thanh Hóa bước ra khỏi chuỗi ngày bết bát tại V-League 2020 và đội đã có được 1 trận hòa và 3 trận thắng.

Nhắc đến những câu chuyện xoay quanh việc ông can thiệp sâu vào chuyên môn của CLB, bầu Đệ đã thẳng thắn trả lời: "Người đời tung tin như vậy còn hoàn toàn không có thật. Vì một Chủ tịch hội đồng quản trị quản lí đội bóng phải giới hạn ở phạm vi quản trị. Tôi có tiền, tôi bỏ ra để điều hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật, tôi thuê một anh HLV đến, tôi giao quyền cho anh toàn bộ. Thắng được tung hô còn thua thì bị thanh lý. Trách nhiệm của HLV phải tư duy động não làm sao cho đội mình chiến thắng, giúp cho nhà đầu tư người ta bỏ tiền ra người ta hài lòng. Tiền đây không chỉ là tiền của tôi mà là tiền của nhân dân, của chính quyền, người ta bỏ tiền ra người ta phải kiểm soát được.

Bầu Đệ: Người hồi sinh và tình yêu với bóng đá xứ Thanh - Ảnh 6.

Quản trị chỗ này là gắn kết trách nhiệm của mình với đội bóng, mình đi nhiều với đội bóng,… mà nhiều ông bầu không làm được việc đó. Như vậy có người lại cho rằng tôi tham gia sâu vào chuyên môn. Mỗi khi đội bóng chuẩn bị ra sân bao giờ HLV cũng tôn trọng để cho Chủ tịch đưa ra ý kiến trước khi họp đấu pháp. Phát biểu của tôi chủ yếu là tất cả các em đều phải tập trung trí tuệ, tinh thần cao nhất để tuân thủ đầu pháp, kĩ năng, kĩ thuật của HLV trưởng, tinh thần của người Thanh Hóa để giành thắng lợi. Về kĩ thuật là tôi không bao giờ tham gia vì tôi không được học nhiều về bóng đá làm sao có thể tham gia, tôi ý thức được vai trò của người quản trị, của ban huấn luyện đến đâu. Nếu tôi tham gia sâu vào chuyên môn thì tôi thuê HLV làm gì?

Trong một đội bóng có thể HLV không bền vững, có thể thay đổi theo thành tích, người quản trị sẽ phải tìm ra đâu là cái đúng đâu là cái sai, anh phải tìm ra để nếu cần là phải thanh lý hợp đồng. Tôi phải mắt thấy và tai nghe chứ không thể chỉ ở nhà để nghe báo cáo. Như tôi đã từng nói: Tôi có tiền tôi đi mua pháo, tôi mua pháo cho ông đốt thì tôi phải kiểm soát cách ông đốt".

Dù đặc biệt, kì lạ hay điên khùng thì không ai có thể phủ nhận được, bóng đá Thanh Hóa có được ngày hôm nay, phần công lao to lớn là nhờ bầu Đệ. Chặng đường bóng đá còn rất dài và sẽ còn có nhiều thay đổi trong tương lai, có thể hướng đi của bầu Đệ không theo số đông nhưng cũng đã tạo ra những kết quả đáng khâm phục.

Bầu Đệ: Người hồi sinh và tình yêu với bóng đá xứ Thanh - Ảnh 8.

Lần thứ hai giữ cương vị là chủ tịch CLB Thanh Hóa, những người yêu trái bóng tròn đặc biệt là cổ động viên của đội bóng xứ Thanh kì vọng rất nhiều vào sự dẫn dắt của bầu Đệ có thể đưa CLB Thanh Hóa tiến đến ngôi vị cao nhất tại đấu trường V- League. Hiện nay bầu Đệ cũng đã bước sang tuổi lục tuần, sức khỏe cũng không thể sung mãn như thời kì mới dẫn dắt CLB Thanh Hóa. Môi trường bóng đá là môi trường khắc nghiệt từ nắng nóng sân cỏ đến việc làm sao để đưa ra những quyết định đúng đắn giúp CLB đi lên. Chính vì vậy, ngay từ thời gian này, bầu Đệ đã có những hướng đi của riêng mình cho một sự chuyển giao trong tương lai.

Bầu Đệ: Người hồi sinh và tình yêu với bóng đá xứ Thanh - Ảnh 9.

Chủ tịch của CLB Thanh Hóa bày tỏ: "Tôi nghĩ rằng Thanh Hóa đang hướng tới đi vào ổn định, tôi cũng có tuổi nên tôi đang bắt đầu xây dựng cho con trai là Nguyễn Văn Thành giờ là Tổng giám đốc bắt đầu điều hành công việc. Sau này những kinh nghiệm tôi có được sẽ đứng sau hỗ trợ còn trực tiếp sẽ để cho lớp trẻ. Giống như bầu Hiển bắt đầu bàn giao. Tôi vẫn ý thức được bầu Hiển là tiền của bầu Hiển còn với Thanh Hóa là do nhiều người góp lại thế nên điều hành của Thanh Hóa khó hơn. Phải cân đo đong đếm cho chuẩn, không có tham nhũng, tham ô, lợi dụng để hướng đến cuối cùng là chất lượng. Những năm tới đây nguyện vọng của Thanh Hóa là không bao giờ muốn dừng, đội bóng phải có thành tích. Hướng đến mục tiêu cạnh tranh với các đội mạnh".

Lãnh đạo một đội bóng có bản sắc như Thanh Hóa có lẽ vừa là may mắn, vừa là áp lực đối với bầu Đệ. Chẳng phải ai cũng dám nhận trách nhiệm với một đội bóng có lượng cổ động viên máu lửa nhất nhì V- League. Những gì bầu Đệ đã, đang và sẽ làm cho CLB Thanh Hóa thể hiện tình yêu tuyệt đối với bóng đá xứ Thanh.

"Tôi yêu quê hương Thanh Hóa và vì tình yêu đó tôi thấy mình phải có trách nhiệm "toàn tâm, toàn ý" với đội bóng quê hương" – Bầu Đệ khẳng định.

Huyền Trang

Thiết kế: Văn Phong