• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bé trai chết ở trường HN Academy: 4 GV, 8 con mắt và số 0 trách nhiệm?

Thời sự 30/07/2013 08:20

Sau sự việc bé 6 tuổi chết trong giờ học bơi ở trường Hà Nội Academy, nhiều người lắc đầu buồn rầu, đau xót cho số phận của cháu bé. Dư luận cũng không hiểu vì sao 4 giáo viên, 8 con mắt chỉ để trông coi gần 20 em nhỏ mà vẫn để xảy ra chuyện đau lòng này?

Ngày 11/7, dư luận bàng hoàng, xót xa khi nghe tin một cháu bé 6 tuổi đã bị chết đuối ngay tại bể bơi của trường song ngữ HN Academy (địa chỉ tại D45, D46 Khu đô thị quốc tế Nam Thăng Long Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội) trong một buổi học ngoại khóa do nhà trường tổ chức.

Bể bơi nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm 

Nhiều người còn phẫn nộ và khó hiểu khi biết rằng, buổi học bơi ngày hôm đó có đến 4 giáo viên (2 giáo viên dạy bơi lội, 2 giáo viên hỗ trợ bơi) mà không biết học sinh bị chìm nghỉm trong hồ từ lúc nào. Lúc phát hiện ra và đưa lên bờ thì cháu bé 6 tuổi này đã tắt thở, ra đi mãi mãi...

Theo nhận định của luật sư Nguyễn Hoàng Tiến- Trưởng Văn phòng luật sư Đức Thịnh (Hà Nội): nếu nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu bé 6 tuổi tại bể bơi trường Trường song ngữ Hà Nội Academy là do đuối nước, thì 4 giáo viên dạy bơi và giám sát các cháu bơi hôm đó có thể bị khởi tố về tội "Vô ý làm chết người do vi phạm qui tắc nghề nghiệp hoặc qui tắc hành chính."

Điều đau lòng hơn, cháu bé tử vong là con trai duy nhất của một cặp vợ chồng cư trú tại quận Ba Đình, Hà Nội (và theo thông tin điều tra của phóng viên thì cặp vợ chồng này phải vất vả, khó khăn, 'muộn mằm' lắm mới sinh được cháu bé duy nhất này _PV).

Câu hỏi lớn nhất được nhiều người đặt ra, khi cháu bé bị đuối nước, 4 giáo viên, 8 con mắt kia dùng để làm gì và ở đâu? Trách nhiệm và chức năng công việc của họ được thực hiện để bảo vệ cho tính mạng của các cháu bé trong giờ học bơi đó thế nào?

Trường Hà Nội Academy được biết đến là trường song ngữ tiêu chuẩn quốc tế đóng tại Khu đô thị quốc tế Nam Thăng Long Ciputra, quận Tây Hồ - một khu giầu có, sầm uất và có đời sống cao nhất nhì ở Thủ đô Hà Nội. 



Và chính vì “tiêu chuẩn quốc tế” đó nên học phí ở đây cũng cao ngất ngưởng, khá xứng tầm với tiêu chuẩn này. Theo bảng giá học phí tại trường năm 2012 – 2013, học phí mầm non là 74.600.000 đồng/năm học; học phí cấp 1 có mức 93.600.000 đồng/năm học, ngoài ra còn chưa kể các khoản phí khác.

Như vậy, để cho con theo học tại đây, các bậc phụ huynh đã phải “bấm bụng” bỏ ra một số tiền vô cùng lớn. Và họ tin tưởng rằng với số tiền đó, chất lượng đó, con cái họ sẽ được chăm sóc, học hỏi những gì tốt đẹp nhất.

Tuy nhiên, qua sự việc cháu bé 6 tuổi bị chết đuối tại hồ bơi của nhà trường đã chứng minh rằng, không phải trường tốt thì cái gì cũng tốt. Một ngôi trường cơ sở vật chất tốt nhưng lại có những giáo viên thiếu trách nhiệm thì nhiều khi cũng chưa chắc bằng.... trường làng của các cháu bé ở quê mặc quần... thủng đít đi học...?!

Bảng thông báo các khoản phí tại trường song ngữ HN Academy năm học 2012 - 2013 cao ngất ngưởng.

Trong một giờ tập bơi của một trường được ca ngợi là chất lượng cao như vậy chắc hẳn "ê-kíp" các giáo viên, nhân viên phải được bố trí cẩn thận và đầy đủ để đảm bảo sự an toàn cho tính mạng của các cháu. Nhưng sự việc đáng tiếc đã xảy ra. 4 giáo viên, 8 con mắt chỉ để trông nom, kèm cặp gần 20 em nhỏ, vậy mà khi học sinh bị đuối nước lúc nào cũng không hề hay biết?

Tuy nhiên, để đi đến kết luận cuối cùng của vụ việc này thì cần phải đợi kết luận của cơ quan chức năng. Và trong vụ việc này còn rất nhiều nghi vấn cần làm rõ. Chẳng hạn như nạn nhân có bệnh lý gì không; trong giờ học bơi, ngoài 4 giáo viên đứng lớp thì tại bể bơi có đầy đủ sự có mặt của các nhân viên cứu hộ với đầy đủ thiết bị cứu hộ hay không? 



Bể bơi có được trang bị phòng y tế, nhân viên y tế đúng tiêu chuẩn hay không? bể bơi có bảng nội quy khuyến cáo người mắc các bệnh có nguy cơ cao dễ gây tai biến ảnh hưởng đến sức khỏe, người ăn no không nên tham gia bơi, lặn hay không...? Đó là một loạt các câu hỏi đặt ra cho lãnh đạo nhà trường trước dư luận và các cơ quan chức năng cần phải làm rõ.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, chung quy lại cũng từ sự vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm trong giờ học và sự quản lý của nhà trường mà ra? Bởi thường thì một người khi bị đuối nước bao giờ cũng có hành động cầu cứu, vùng vẫy. Trong khó đó, theo hình ảnh phóng viên chụp lại được tại hiện trường, bể bơi này không quá rộng và nước khá trong.

Từ đó nhận định được nhiều người đưa ra, phải chăng lúc học sinh đang học bơi dưới bể thì trên bờ, các giáo viên, nhân viên của trường đang bận bịu “việc riêng” gì đó nên không để ý?

Và cháu bé 6 tuổi đã phải trả giá mạng sống của chính mình chỉ vì thói chủ quan, vô trách nhiệm của người lớn.

Từ cái chết đau lòng này, nhiều người cho đây là bài học đắt giá cho nhà trường, cần rút kinh nghiệm cho những lần sau. Nhưng rút kinh nghiệm thế nào đây khi mà con người thì đã ra đi vĩnh viễn? 



Trước đó, trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến cho rằng: Nếu kết luận cái chết của cháu bé có dấu hiệu hình sự thì cơ quan điều tra sẽ tự mình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và sẽ được VKS cùng cấp phê chuẩn, để tiến hành điều tra xử lý những người phạm tội trước pháp luật. Việc gia đình cháu có hay không yêu cầu, không phải là điều kiện bắt buộc để cơ quan điều có hay không khởi tố vụ án hình sự.



Nếu cháu bé chết được pháp y kết luận là do bị đuối nước, thì 4 giáo viên dạy bơi và giám sát các cháu bơi có thể bị khởi tố về tội: "Vô ý làm chết người do vi phạm qui tắc nghề nghiệp hoặc qui tắc hành chính", qui định tại Điều 99, Bộ Luật Hình sự. 



Nếu đúng những giáo viên đó vi phạm điều luật này thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với một mức hình phạt tương ứng với hành vi vi phạm pháp luật của họ. Đồng thời họ còn phải bồi thường thiệt hại vật chất cho gia đình cháu bé. Họ còn có thể bị áp dụng hình phạt phụ là cấm hành nghề trong một thời gian nhất định.

Theo báo Giáo Dục Việt Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ