• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bệnh Gout không chừa một ai: Chuyên gia chỉ ra 3 loại thức uống quen thuộc là kẻ thù gây bệnh giấu mặt

Sức khỏe 02/05/2019 16:47

Những năm qua, số ca bệnh Gout ngày càng có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Các chuyên gia sức khỏe đã chỉ ra, thói quen ăn uống là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. Trong đó có 3 loại thức uống phổ biến hàng ngày.

Bệnh Gout (gút), Đông y thường gọi Thống phong, là cơn ác mộng với tất cả mọi người. Đây là một dạng thường gặp của viêm khớp, xảy ra do sự gia tăng quá nhiều acid uric trong máu. Thường thì gout bộc phát rất đột ngột, người bệnh đột nhiên thấy đau dữ dội vùng khớp, đặc biệt là ngón chân cái. Bệnh có thể gây biến chứng tàn phế nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Đáng chú ý là căn bệnh vốn của người già nay đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, đến cả lứa tuổi trên dưới 30. Tại sao lại như vậy?

Các chuyên gia sức khỏe tiết lộ, bên cạnh yếu tố di truyền, thói quen ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân chính thúc đẩy tình trạng này. Nếu không muốn bị Gout hành hạ ngay ở lứa tuổi 30, tốt nhất chúng ta nên hạn chế 3 loại đồ uống sau đây.

Rượu bia

Bệnh Gout không chừa một ai: Chuyên gia chỉ ra 3 loại thức uống quen thuộc là kẻ thù gây bệnh giấu mặt - Ảnh 1.

Rượu bia là thứ không thể thiếu đối với không ít nam giới ngày nay. Tuy nhiên, thói quen nhậu lại chính là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ bị Gout.

Bia, đặc biệt là bia tươi, bia hơi, có chứa rất nhiều nấm men - thứ tối kỵ đối với bênh nhân Gout vì nó kích thích rối loạn chuyển hóa trong nhân tế bào. Sau khi uống bia, cơn đau có thể đến rất nhanh và đau đớn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, những người uống 2 cốc bia mỗi ngày có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 2,5 lần người không uống.

Tương tự, rượu cũng là đồ uống cũng cần tránh cho quý ông bị gout. Chất cồn trong rượu làm suy giảm chức năng hoạt động của gan thận, gây mất cân bằng trong chuyển hóa acid uric trong cơ thể.

Thêm vào đó, các đấng mày râu lại thường không uống bia rượu suông. Các loại mồi nhậu đi kèm (thường là hải sản, thịt và nội tạng động vậy) vốn giàu đạm, nhiều purin làm tăng đột biến axit uric trong máu, khiến thận không đào thải kịp và gây nên các cơn đau Gout.

Nước ngọt và đồ uống có đường

Bệnh Gout không chừa một ai: Chuyên gia chỉ ra 3 loại thức uống quen thuộc là kẻ thù gây bệnh giấu mặt - Ảnh 2.

Với nhiều người trẻ tuổi, nước ngọt và đồ uống có đường là thức uống được yêu thích hàng ngày mọi lúc mọi nơi. Mặc dù có hương vị đa dạng và hấp dẫn, thức uống này lại không hề có lợi đối với sức khỏe, đặc biệt là gia tăng nguy cơ bệnh Gout.

Một mặt, uống nước ngọt có gas lâu dài có thể gây rối loạn chuyển hóa canxi, gây sỏi thận và suy yếu chức năng thận. Một khi thận bị tổn thương, nó sẽ ảnh hưởng đến việc bài tiết axit uric, rất dễ gây ra bệnh Gout.

Mặt khác, các loại nước ngọt có gas chứa rất nhiều đường và chất tạo ngọt, chúng dễ dàng chuyển hóa thành axit uric trong cơ thể, dẫn đến sự quá tải axit uric trong máu.

Nhóm các chuyên gia trường Y thuộc Đại học Havard và Đại học Columbia đã thực hiện nghiên cứu kéo dài 12 năm trên 46.000 đàn ông tuổi trên 40 chưa từng bị mắc bệnh gút. Theo đó, những người đàn ông uống nhiều hơn 2 cốc nước ngọt có đường mỗi ngày sẽ tăng 85% nguy cơ bi bệnh gút, so với những ai uống ít hơn 1 cốc trong cả tháng.

Nước hoa quả

Bệnh Gout không chừa một ai: Chuyên gia chỉ ra 3 loại thức uống quen thuộc là kẻ thù gây bệnh giấu mặt - Ảnh 3.

Với hương vị thơm ngon và sử dụng tiện lợi, các loại nước ép từ hoa quả đang ngày càng phổ biến trong các gia đình, đặc biệt là với các chị em phụ nữ. Tuy nhiên, đối với bệnh Gout, đây lại là thức uống không có lợi.

Các nhà nghiên cứu đến từ Boston, Mỹ đã khảo sát trên 80.000 phụ nữ trong vòng 22 năm và đưa ra kết luận: Phụ nữ uống 1 cốc nước cam mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh Gout tăng 41%. Những người uống 2 ly nước cam mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh Gout cao gấp 2,4 lần. Tại sao lại như vậy?

Nước ép trái cây chứa rất nhiều fructose, và quá trình phân hủy fructose trong cơ thể trực tiếp tạo ra axit uric. Đồng thời, fructose sẽ làm giảm bài tiết axit uric ở thận. Dưới ảnh hưởng kép, nồng độ axit uric của cơ thể sẽ tăng cao và dễ gây ra bệnh Gout.

NỔI BẬT TRANG CHỦ