• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bị tố "trước sau bất nhất", EU quyết thắt chặt điều kiện đàm phán thương mại với Anh

Thế giới 19/02/2020 13:58

(Tổ Quốc) - Trước thềm quá trình thương lượng cho một hiệp định thương mại tự do hậu Brexit, cả Anh và EU đang thể hiện các lập trường đối lập.

Financial Times đăng tải, các nước EU đang chuẩn bị thắt chặt các điều kiện trong bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào với Anh, nhằm tái khẳng định các yêu cầu của Brussels về việc tuân thủ quy định và được tiếp cận vùng đánh bắt cá mà London từng từ chối.

Trước thềm cuộc họp của các đại sứ thành viên EU ngày 19/2, Anh không ngừng thúc đẩy một tầm nhìn rõ ràng về những gì mình muốn trong quá trình đàm phán thương mại. Dưới thời Thủ tướng Boris Johnson, lập trường của Anh khá khác biệt với người tiền nhiệm Theresa May. London tuyên bố, chính EU mới là bên không thống nhất khi đưa ra các đòi hỏi.

Bị tố "trước sau bất nhất", EU quyết thắt chặt điều kiện đàm phán thương mại với Anh - Ảnh 1.

Người dân Anh ăn mừng sau khi Brexit hoàn tất vào ngày 31/1 vừa qua (ảnh: PA)

Nội dung thỏa thuận mới nhất từ EU mà Financial Times có được cho thấy sự điều chỉnh so với dự thảo ban đầu, để đáp ứng các vấn đề mà Pháp và một số nước khác nêu ra. Dự thảo được công bố hồi đầu tháng trước đó được cho là không đủ nghiêm ngặt đối với yêu cầu Anh phải tuân theo các quy định của EU. Bên cạnh đó, EU cũng nhấn mạnh muốn duy trì các quyền lợi ngư dân hiện tại trong lãnh hải Anh.

Những diễn biến này thể hiện lập trường cứng rắn của cả hai bên trước khi quá trình đàm phán chính thức bắt đầu hồi tháng 3.

Trường phái đoàn đàm phán Anh David Frost hôm thứ hai (17/2) cảnh bảo EU, London quyết tâm có được một thỏa thuận thương mại theo kiểu Canada vào cuối năm nay khi thời kỳ chuyển đổi kết thúc. Theo ông, những đòi hỏi của EU về một "sân chơi ngang hàng" sẽ phá hủy mục đích cơ bản của Brexit.

Thủ tướng Johnson và ông Frost khẳng định, nước Anh chấp nhận thực tế mối quan hệ mới sẽ khiến gia tăng các rào cản thương mại hơn so với thời London còn là một thành viên của khối thị trường chung.

Trong khi đó, EU cho rằng, Anh đang tìm kiếm các quyền và mức độ tiếp cận thị trường mà các nước ngoài khối khác hiện đang giao dịch với EU như Canada và Nhật Bản, cũng chưa có được.

Mặc dù các thỏa thuận với các nước ngoài khối cũng dỡ bỏ tới hơn 90% thuế quan, nhưng vẫn có các mức thuế áp dụng cho một số mặt hàng nông nghiệp cơ bản như thịt và sản phẩm từ sữa. Đối lập lại, Anh và EU lại muốn đạt được một thỏa thuận dỡ bỏ toàn bộ thuế và không có hạn ngạch giới hạn tiếp cận miễn thuế.

Giới chức EU cũng chỉ ra, những hệ quả của ký kết thỏa thuận với Anh hoàn toàn khác với Canada. Tổng giá trị hàng hóa 27 thành viên EU nhập khẩu từ Anh trong năm 2018 là 197 tỷ euro – gấp 6 lần so với Canada.

"Chúng ta đã sánh vai cùng với nước Anh trong gần một nửa thế kỷ. Cailais chỉ cách Dover vài km", một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu nói. Cailais và Dover là hai thành phố cảng của Pháp và Anh. "Nước Anh không thể mong chờ được tiếp cận ở cấp độ cao vào thị trường đơn lẻ nếu họ khăng khăng không tuân theo các quy định của chúng ta".

Còn Michel Barnier, trưởng phái đoàn đàm phán EU phát biểu, sân chơi ngang hàng giữa Anh và EU cần "một quyết định tối cao để có sự gắn kết mang tính điều hành". Ông cũng cho hay, mục đích của bước đi là ngăn ngừa "cạnh tranh không lành mạnh" có thể làm tổn thương cả hai bên.

Dự thảo đệ trình ban đầu lên Ủy ban châu Âu kêu gọi Anh tiếp tục tuân theo các luật lệ EU trong các lĩnh vực như thuế quan, chính sách xã hội và môi trường khi thời kỳ chuyển tiếp kết thúc vào ngày 31/12. Nội dung mới đề ngày 17/2 viết, bất kỳ thỏa thuận thương mại nào cũng phải đảm bảo rằng một sân chơi ngang hàng được tạo ra sẽ "đứng vững qua thử thách thời gian".

Các nhà ngoại giao tiết lộ, định nghĩa về sân chơi ngang hàng sẽ được thảo luận nhiều hơn trong cuộc họp ngày 19/2. Tuy nhiên, Pháp được cho là sẽ thúc đẩy việc sử dụng các thuật ngữ còn cứng rắn hơn.

Ngoài ra, quyền đánh bắt cá cũng là một vấn đề nổi bật trong quá trình đàm phán. Anh tuyên bố, họ sẽ trở thành một quốc gia có bờ biển độc lập và quyền tiếp cận lãnh hải Anh nên được thương lượng thường niên; trong khi đó, EU nhấn mạnh quyết tâm bảo hộ các quyền hiện tại của ngư dân EU tại các vùng biển Anh.

Phía trên không phải là những lĩnh vực duy nhất mà EU đang muốn thắt chặt điều kiện trong thỏa thuận thương mại với Anh. Hy Lạp, Italy và Cyprus đã thành công thuyết phục phần còn lại của khối đưa thêm yêu cầu là cả hai bên nên "giải quyết các vấn đề liên quan tới việc trả lại hoặc bồi thường cho những hiện vật bị đưa ra khỏi quốc gia ban đầu một cách bất hợp pháp".

Theo các nhà phân tích, nội dung này không nhằm tới những bất mãn của Athens do Bảo tàng Anh đang sở hữu bộ sưu tầm điêu khắc cẩm thạch mang tên "Elgin" nổi tiếng đem về từ Hy Lạp, mà nó cho thấy tầm quan trọng của các nhà đấu giá nghệ thuật London và vị trí của nước Anh trên thị trường nghệ thuật toàn cầu.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ