• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Biển Đông – tại sao Trung Quốc “câu giờ” với COC

Thế giới 15/06/2017 12:50

(Tổ Quốc) - “Câu giờ” để làm phai mờ phán quyết 12/6 của PCA, củng cố nguyên trạng mới và cản trở sự can dự của Mỹ.

Một năm đã trôi qua kể từ ngày tòa Trọng tài quốc tế (PCA) ra phán quyết về Biển Đông (12/6). Bắc Kinh đã dùng trăm phương ngàn kế để đối phó với phán quyết, với ý đồ vô hiệu hóa hoặc làm lu mờ các phán quyết ấy mà ý nghĩa quan trọng  và lâu dài đối với việc giải quyết cuộc xung đột tại Biển Đông không phải bàn cãi.

 Scarborough - điểm tranh chấp chiến lược hiện nay tại Biển Đông giữa Trung Quốc, Mỹ và Philippines

Bắc Kinh đột nhiên tích cực thúc đẩy tiến trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên tại Biển Đông (COC). Ngày 12/6, nhân dịp gặp Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishman, đang ở thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi đẩy nhanh tiến trình đàm phán về COC mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Vương Nghị nói rằng Trung Quốc và các nước ASEAN đã đồng ý về một hiệp định khung cho COC hôm 18/5. Tại Hội nghị Trung Quốc-ASEAN tổ chức tại Quý Châu (Trung Quốc), Bắc Kinh muốn áp đặt một văn bản COC. Cuối cùng, các bên chấp nhận đưa Dự thảo trình lên Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc tại Philiipines vào tháng 9 tới, để xem xét.

Được biết, COC mà Ngoại trưởng Trung Quốc đề cập hôm 12/6 là một dự thảo khung không mang tính ràng buộc; sau khi được Hội nghị Bộ trưởng thông qua, các bên sẽ tiếp tục tiến trình đàm phán để xây dựng văn kiện COC chính thức. Rõ ràng, trong năm 2017, diễn ra Đại hội ĐCS Trung Quốc 19, Bắc Kinh cần có “hoà bình và ổn định” tại Biển Đông, để củng cố những gì Trung Quốc đã tiến hành trái phép tại Trường Sa từ cuối năm 2013-2016.

“Câu giờ” để làm loãng phán quyết PCA và cản trở Mỹ can dự

Từ khi có phán quyết của PCA, Trung Quốc ra sức củng cố nguyên trạng mới tại Trường Sa.  Theo một báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ trình Quốc hội Mỹ ngày 6/6 về tình hình an ninh và quân sự của Trung Quốc, đến cuối năm 2016, Trung Quốc đã xây dựng trái phép 24 nhà chứa máy bay cùng nhiều hệ thống vũ khí cố định và cơ sở hạ tầng liên quan đến quân sự tại mỗi căn cứ trên Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi. Báo cáo nêu rõ, nỗ lực mở rộng đồn trú trái phép của Trung Quốc đang tập trung vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng tại 3 căn cứ chính – Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn, sau khi Bắc Kinh hoàn thành 4 tiền đồn nhỏ hơn hồi đầu năm 2016. Sau khi hoàn tất việc xây dựng, Trung Quốc sẽ có khả năng bố trí 3 trung đoàn máy bay chiến đấu tại Trường Sa.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn cho xây dựng một hệ thống giám sát ngầm dưới nước ở vùng Biển Đông và biển Hoa Đông. Dự án trị giá 400 triệu USD này đã làm dấy lên quan ngại rằng chúng có thể được sử dụng để phát hiện sự di chuyển của các tàu nước ngoài và chuyển thông tin lại cho phía Trung Quốc.

 Lực lượng hải quân Mỹ và Nhật Bản là yếu tố cân bằng tại Biển Đông mà Trung Quốc lo ngại

Hệ thống giám sát ngầm dưới nước này nhằm phục vụ cuộc chiến chống tàu ngầm dưới Biển Đông.

Trung Quốc còn thúc đẩy “khai thác chung” ở vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước ven Biển Đông khác. Ngày 12/6, đặc phái viên về đối thoại liên văn hóa của Tổng thống Duterte, Jose de Venecia, nói rằng chương trình khai thác chung ở biển Hoa Nam (Biển Đông) là giải pháp “thực dụng nhất, thực tế nhất” đối với những tranh chấp tại vùng biển này.

Ông này từng là Chủ tịch Hạ nghị viện Philippines, đang tìm cách thuyết phục dư luận Philippines, đi theo một thỏa thuận khai thác dầu mỏ “thực tế, thực dụng và đầy viễn cảnh ở Biển Đông với sự tham gia của tất cả các bên”. Quan chức này nói rằng “những chính phủ như Philippines, Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam phải nhập khẩu dầu từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trong khi chúng ta sở hữu dầu khí ngay ở sân nhà”.

De Venecia, từng là Chủ tịch Hiệp hội dầu khí Philippines dưới thời Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo, cho biết ông đã đề xuất ý tưởng khai thác chung từ đầu những năm 1970. Năm 2004, ông này cùng với Tổng thống Arroyo đề xuất với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, thúc đẩy thực hiện Hiệp định Thăm dò Địa chấn Biển Đông chung với Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao của Philippines hiện vẫn chưa thông qua tính pháp lý của Hiệp định này.

Ngoài ra, ngành ngoại giao Trung Quốc còn thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường” với Con đường tơ lụa trên biển” (MSR) ngang qua Biển Đông, mà Đông Nam Á là một trọng điểm. Trung Quốc còn muốn hoàn tất các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và thành lập Cộng đồng kinh tế Đông Á. Các sáng kiến này chưa tạo nên sự hấp dẫn vì chúng phục vụ việc Trung Quốc làm chủ cuộc chơi thương mại Đông Á.

Ngọn cờ của Philippines về Biển Đông hạ xuống; Malaysia ra sức lấy lòng Trung Quốc…; Trung Quốc ảo tưởng rằng thời cơ đang thuận lợi để Trung Quốc phất ngọn cờ Biển Đông của mình. Nhưng giấy làm sao gói được lửa!

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ