• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Biểu tình, bạo động tăng nhiệt; nước Mỹ chìm trong hỗn loạn: Nga ngồi không cũng "dính đạn"

Thế giới 01/06/2020 18:54

(Tổ Quốc) - Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice, người từng làm việc dưới quyền ông Barack Obama, cho rằng phong trào biểu tình George Floyd có liên quan tới Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN cuối tuần qua, cựu cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice đã nói rằng bà đã nhận ra một "mô hình" chung trong các cuộc biểu tình sắc tộc thuộc phong trào George Floyd trong những ngày qua, và những chứng cứ đã dẫn tới Nga, Washington Examiner đưa tin.

"Tôi cá là [các cuộc biểu tình này] cũng nằm trong kế hoạch của Nga", bà Rice bình luân với CNN. "Chúng ta không thể cho phép những kẻ cực đoan, những thành phần ngoại quốc khiến chúng ta xao nhãng khỏi những vấn đề thực sự mà nước Mỹ đang phải đối mặt".

Theo đó, bà Rice nói rằng một số quốc gia đã âm mưu tạo ra bất đồng trong nội bộ nước Mỹ vào những thời kỳ khủng hoảng "trong nhiều năm nay", chủ yếu trên không gian mạng xã hội.

"Họ lợi dụng tất cả những vấn đề gây đau đớn và gây chia rẽ... họ kích động cả hai phía", cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết. "Mục đích của họ không chỉ là khiến nước Mỹ bẽ mặt, mà họ còn nhắm đến việc chia rẽ chúng ta".

Bà Rice là cố vấn an ninh quốc gia thứ 24 của Mỹ và từng làm việc dưới quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từ năm 2013 - 2017, và từng được đánh giá là một trong những quan chức có tư tưởng "diều hâu", đặc biệt trong những vấn đề đối ngoại.

Bà Susan Rice trả lời phỏng vấn đài CNN

Theo Washington Examiner, những bình luận của bà Rice có nhiều điểm tương đồng với những phát ngôn của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa và quan chức trong chính quyền Tổng thống Donald Trump trong những ngày gần đây.

Ví dụ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Florida Marco Rubio, đã đăng lên tài khoản Twitter của mình hôm thứ 7 tuần trước:

"Tối nay, chúng ta có thể thấy RẤT NHIỀU hoạt động trên mạng xã hội về các cuộc biểu tình và phản ứng từ những tài khoản mạng xã hội có liên quan tới ít nhất 3 đối tượng nước ngoài. Họ không tạo ra những sự chia rẽ này. Nhưng họ đang chủ động thêm dầu vào lửa và cổ xúy cho bạo lực và đối đầu từ nhiều góc độ khác nhau".

Ông Rubio hiện là quyền Chủ tịch của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ.

Sau đó, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, ông Robert O'Brien, hôm Chủ nhật vừa qua cũng đã khẳng định rằng đánh giá của Thượng nghị sĩ Rubio là "chính xác", đồng thời nói bóng gió rằng Mỹ sẽ "không giấu giếm" về những vấn đề của mình, mà sẽ "giải quyết tận gốc rễ".

Phong trào biểu tình sắc tộc (Biểu tình George Floyd) đã nổ ra sau khi Floyd, một người đàn ông da màu, tử vong vì bị viên sĩ quan Sở Cảnh sát Minneapolis (MPD) Derek Chauvin quỳ lên cổ anh trong 8 phút 46 giây. Cuộc biểu tình đầu tiên thuộc phong trào này đã diễn ra vào ngày 26/5 tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, sau đó lan rộng ra toàn nước Mỹ.

Theo Washington Post, không chỉ tại Mỹ, mà phong trào biểu tình sắc tộc sau cái chết của George Floyd đã lan đến nhiều thành phố khác trên thế giới như London (Anh), Berlin (Đức) và Toronto (Canada)...

"Lại là Nga"

Mặc dù vậy, bà Rice vẫn thừa nhận rằng bà không có chứng cứ khi đưa ra những bình luận nêu trên, bởi bà "không tiếp cận với tài liệu tình báo trong thời gian gần đây", theo hãng tin RT (Nga).

Hãng RT cũng nói rằng việc có những ý kiến nghi ngờ, cáo buộc hay đổ lỗi cho Nga không còn là điều gây bất ngờ trong bối cảnh hiện tại.

Trong khi đó, Tổng thống Trump hôm thứ 7 tuần trước đã thẳng thắn chỉ trích hãng thông tấn CNN vì đổ lỗi cho Nga: "Lại thế nữa rồi. Hãng tin giả CNN lại đổ lỗi cho NGA, NGA và NGA. Đúng là những kẻ thất bại với tỉ lệ người xem VÔ CÙNG tệ hại!"

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Hồng Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ