Bố 12 năm "trường chuyên, lớp chọn" gửi con trai: Học trường nào cũng được, con vui là được

Thanh Ba | 05-08-2020 - 07:48 AM

(Tổ Quốc) - Để có được thành công ngày hôm nay, bố đã phải đánh đổi rất nhiều, đó là tuổi thơ của chính mình. Bố không có những lần chân trần tắm mưa và cả những kỷ niệm đáng nhớ nên có thời đi học.

Hôm nay, bố đọc được bức thư của một ông bố nói rằng “con nhất định phải ép mình thi vào 1 ngôi trường tốt”. Bố ngày xưa cũng từng suy nghĩ thế, từ khi bắt đầu bước chân đến trường đến khi tốt nghiệp Đại học, bố luôn học trường top, “chăm học như trâu”, quanh bố toàn những bạn bè giỏi giang và sau này ai cũng thành đạt.

Nhưng ai hạnh phúc hơn ai thì bố không chắc. Những con người sống được lập trình dường như có những lỗ hổng không gì có thể bù đắp dù họ thành đạt, họ tài giỏi và đáng ngưỡng mộ trong mắt nhiều người.

Để có được những thứ ngày hôm nay, bố đã phải đánh đổi bằng việc không có một tuổi thơ ngọt ngào, nhiều kỷ niệm; bằng cả tuổi teen chuẩn chỉnh “con nhà người ta” mà chẳng biết những vị gì khác. Bạn bè bố thành đạt nhưng không ít người như bố - thời niên thiếu, thanh xuân sống như cái máy, thiếu phần “điên”, phần “hư” như người lớn bảo hay thiếu phần “thú vị của cuộc sống” như chính bọn bố tự nhận. Câu chuyện của bọn bố nói với nhau phần nhiều bài tập, về kỳ thi, về đội tuyển, về điểm số, về huy công.

Con à, bố đã nghĩ bố làm tất cả những điều này vì tương lai. Dù hiện tại quả không tệ vì bố có mẹ và có con, có một gia đình ấm êm và một cuộc sống đủ để “tự do tài chính”. Nhưng bố đã bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời.

Bố nhớ bố đã từng muốn thả diều cùng bạn bè trong xóm biết bao nhưng bà nội bảo bố là sắp thi đội tuyển. Bố thường làm lớp trưởng nên lúc bố muốn quậy một chút theo bạn bè nhưng vì sự toàn diện mình khoác trên người và áp lực phải gương mẫu khiến bố phải ngồi lại. Rồi dần dà những cuộc chơi trong xóm, bạn bè không hề gọi đến bố vì bố là con mọt sách, chẳng thích chơi thứ gì hoặc chơi dở vì chẳng mấy khi được chơi.

Bố doanh nhân gửi con trai: “Học trường nào cũng được, con vui là được” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bố đã từng thèm tất cả, nhưng bố phải phấn đấu để đạt tới ngôi trường bố hằng mơ ước, nơi mọi người nói rằng: “Vào đó ắt sẽ có tương lai”. Bố chạy theo những cuộc đua đó đến mức đánh rơi mất những niềm vui đáng có của độ tuổi vốn là vui vẻ và được quyền sai. Ông bà luôn tự hào về bố: “Cháu nó ngoan và có ý thức lắm”, thầy cô, hàng xóm luôn ca tụng bố, nên bố sợ nếu bố kém đi, bố sai, bố sẽ bị chỉ trích. Bố sợ tấm gương ngoan, học giỏi mà mọi người dựng lên sẽ sụp đổ.

Không có mặt trong những cuộc chơi của chúng bạn, bố không biết lũ bạn bè nghịch ngợm chúng nó vui như thế nào. Bố chấp nhận luôn việc bị bạn mắng thẳng: “Tao ghét mày vì lúc nào bố mẹ tao cũng mang mày ra làm gương”.

Chỉ đến sau này, khi vào cấp 3, cô bạn ngồi cạnh bố nói rằng: “Điều tớ hạnh phúc nhất là lúc 7 tuổi, tớ đã được tắm mưa cùng lũ trẻ hàng xóm trong sân nhà mình”, bố mới giật mình. Bố không có kỷ niệm, không có những thứ tươi đẹp kiểu như thế. Bố chỉ có bảng thành tích với những con số như mơ đủ để khiến ông bà hài lòng, còn chính mình thấy nghiễm nhiên như thể mình ắt dĩ phải được như vậy.

Bố cũng hứng thú với việc học nhưng hỏi có vui không thì bố trả lời rằng: Không. Vui gì những con số khô khan, chán ngắt, vui gì bóng không biết đá, đàn càng không biết chơi. Bố đã từng thích một cô bạn gái nhưng cô ấy đã chọn cậu bạn học trường thường, thành tích nhàng nhàng bởi vì: “Cậu chỉ được cái học giỏi. Còn ở cạnh cậu ấy tớ thấy vui hơn nhiều”.

Sau này, cuộc đời dạy cho bố những cú ngã đau nhưng bố đều đứng lên được như việc bố đã từng quyết tâm rằng mình phải đỗ trường này, đạt thành tích kia. Không có việc gì mà bố không làm được nếu quyết tâm. Bố không phủ nhận, việc thi đua học hành ngày ấy rèn cho bố thành con người việc gì cũng phải làm được. Nhưng giờ đây khi đã có đủ đầy tiền bạc, có thành tựu trong công việc, vì dành thời gian cho nó quá nhiều, bố đã không còn thời gian để chơi, để tận hưởng. Bố thấy hối hận… bởi không thể lật ngược thời gian mà làm lại. Thậm chí bố có những trận đau đầu kinh niên mà thuốc giảm đau phải luôn mang theo bên mình. 

Vì thế con yêu, con học trường nào cũng được, vui thôi là được. Chúng ta không thể làm một đứa trẻ lười nhác phải không, càng không thể trở thành một đứa trẻ thiếu trách nhiệm và không biết giữ lời, nhưng không nhất thiết phải phấn đấu bằng mọi giá để đạt được đích đến bằng con đường học hành, bằng việc đỗ một trường học mình mong muốn hoặc đúng hơn là bố mẹ muốn. 

Bố doanh nhân gửi con trai: “Học trường nào cũng được, con vui là được” - Ảnh 2.

Ảnh: baodongnai

Thế nên, nếu con muốn được thi được vào trường chuyên, bố không trách con. Nếu điểm của con không xếp hạng nhất hay thậm chí không nằm trong top, bố vẫn chấp nhận. 

Nếu con thấy con thích đá bóng hay âm nhạc hơn bố sẵn sàng cho con chọn đường mình đi thay vì một trường chuyên danh giá. 

Học hành là quan trọng, nhưng trường chuyên hay điểm hàng top không phải là cánh cửa duy nhất để vào đời thành công.

Con học trường nào cũng được, miễn con vui là được. Đời học sinh có thể sai một chút, không chuẩn mực một chút, chỉ cần biết lẽ phải, biết nhiều điều thú vị hơn trong cuộc sống và biết có trách nhiệm với bản thân là được. 

Kiến thức có thể bổ sung từ từ nhưng nhất định đừng làm người máy khô khan và ít cảm xúc phải theo những đích đến đã được lập trình. Không biết những niềm vui bé mọn, không biết thấu cảm với nỗi đau sẽ khiến con có thể đứng ngoài cuộc sống. Lớn rồi đấy, thành đạt đấy nhưng có nhiều thứ vẫn mãi ngơ ngác trong cuộc đời này. 

Bởi tựu chung lại cả cuộc đời này người ta chỉ đuổi theo hai chữ hạnh phúc, những con số gây choáng không đồng nghĩa với niềm vui đâu con. 

Và thực tế nếu hạnh phúc luôn từ hôm nay thì chẳng phải là tốt hơn chỉ trông đợi vào hạnh phúc ngày sau hay sao, con yêu nhỉ?

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM