• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bỏ 5-7 triệu mua "một trận cười", cô gái liệt nửa người, yếu chi, phải nhập viện cấp cứu

Sức khỏe 10/08/2022 10:20

(Tổ Quốc) - Theo cảnh báo của các chuyên gia Viện sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), số trẻ vị thành niên sử dụng chất gây nghiện đang gia tăng.

Liệt nửa người vì bóng cười

TS.BS.Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa điều trị nghiện chất, Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết bác sĩ từng điều trị cho trường hợp nam sinh 16 tuổi nhập viện do hậu quả của sử dụng cần sa và bóng cười.

Nam sinh đang theo học tại trường điền kinh chuyên nghiệp. Được biết, từ năm lớp 9, nam sinh đã dùng cần sa, bóng cười để giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống.

Vào tháng 6/2022, kết quả học tập của bệnh nhân không tốt nên bị bố khiển trách. Bệnh nhân đã lén hút cần sa sau đó bị quá liều, dẫn tới co giật và được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Sau đó, nam sinh đã được chuyển sang Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) để trị liệu tâm lý. Khi trò chuyện với bác sĩ, nam sinh đã khóc rất nhiều, gỡ bỏ được những vướng mắc với bố mẹ, bệnh nhân đã hứa sẽ không dùng cần sa.

Trường hợp nam sinh 16 tuổi trên là trường hợp may mắn được phát hiện nghiện chất sớm để can thiệp điều trị. Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ Hà đã gặp rất nhiều trường hợp người trẻ chịu hậu quả nghiêm trọng của nghiện chất.

Đó là trường hợp nữ bệnh nhân bỏ 5-7 triệu để mua bóng cười chỉ trong một đêm. Sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa tới bệnh viện cấp cứu do liệt nửa người, yếu chi.

Hay như trường hợp bệnh nhân N.T.T (22 tuổi, tại Vĩnh Phúc), vào viện trong tình trạng cáu gắt, cho rằng có người hại mình. Mẹ T cho biết bệnh nhân là con thứ 3 trong gia đình. Hiện bệnh nhân đang làm việc tại lĩnh vực spa làm đẹp.

Điều tra bệnh sử cho thấy bệnh nhân đã sử dụng các chất gây nghiện như rượu bia từ thời học sinh, BSCK2 Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Viện sức khỏe tâm thần, cho biết. Cách đây 1 năm, bệnh nhân có sử dụng thêm bóng cười, sau đó nhóm bạn của bệnh nhân rủ sử dụng MDMA (thuốc lắc).

Gần đây, bệnh nhân sử dụng chất liên tục 2 – 3 lần/ tuần. Sau một thời gian, bệnh nhân xuất hiện ảo giác, nghe thấy tiếng nói trong đầu, tiếng người khác chửi mắng, dù bịt tai lại vẫn không hết. Bệnh nhân cáu gắt đập phá đồ đạc, đêm hầu như không ngủ được và mắng chửi lại tiếng nói đó.

Bác sĩ Ngọc cho hay bệnh nhân nhập viện lần đầu do rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng MDMA với ảo giác chiếm ưu thế. Sau điều trị 10 ngày, bệnh ổn định, hết tiếng nói trong đầu, ăn ngủ tốt hơn.

Sau 3 tháng ngừng sử dụng MDMA, bệnh nhân tham gia bữa tiệc cùng bạn, được bạn bè rủ rê sử dụng cần sa, ketamine, bóng cười.

Bệnh nhân dần bỏ bê công việc, cáu gắt nhiều hơn, đêm ngủ ít, có lúc cười một mình. Lần này, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng đa chất (cần sa, ketamine, N2O) với hoang tưởng chiếm ưu thế.

Sau khi điều trị ổn định, khoảng 2-3 tháng sau, bệnh nhân lại tái sử dụng lại các chất trên, không chỉ sử dụng ở các bữa tiệc hay tụ tập với bạn bè mà bệnh nhân còn mua sử dụng tại nhà riêng.

Lần thứ 3 bệnh nhân xuất hiện cáu gắt nhiều, đập phá đồ đạc trong nhà, đêm không ngủ, đi lại, đóng chặt cửa, cho rằng có người rình rập hại mình.

Nguyên nhân trẻ vị thành niên tìm tới chất gây nghiện

TS.BS Lê Thị Thu Hà cho biết theo thống kê, sử dụng chất đang gia tăng ở người trẻ. Trẻ vị thanh niên tìm tới chất gây nghiện thường là do môi trường (tương tác xã hội, stress, giai đình) hoặc do yếu tố sinh lý có liên quan tới giới tính…

Nói về tác hại của bóng cười, chuyên gia cho biết nhiều bạn trẻ đang cho rằng sử dụng bóng cười sẽ không bị nghiện. Trên thực tế, các bệnh nhân bị ngộ độc N2O đều cho biết ban đầu họ sử dụng bóng cười cho vui, nhưng sau một thời gian dùng đều phải tăng liều mới cảm thấy vui. Do khí công nghiệp N2O được mua bán tự do và số người sử dụng bóng cười gia tăng nên tình trạng ngộ độc N2O cũng tăng theo.

Khí N2O khi sử dụng nhiều lần có thể dẫn đến tổn thương tủy sống, gây thiếu máu, giảm khả năng sinh sản. Dù chỉ sử dụng một lần nhưng nếu liều lượng quá nhiều sẽ dẫn đến ngộ độc nặng và tử vong.

Để phòng ngừa trẻ nghiện chất cần xây dựng lối sống tích cực cho trẻ. Trong đó, gia đình trò có vai trò rất quan trọng trong việc tháo gỡ những vướng mắc cho trẻ. Nếu trẻ có các vấn đề về nghiện chất, cần đưa trẻ đi điều trị sớm để tránh hậu quả nghiêm trọng cho trẻ.

Theo các chuyên gia, dấu hiệu nghiện chất là:

1. Sử dụng chất với lượng nhiều hơn hoặc lâu hơn bạn dự định

2. Muốn giảm hoặc ngừng sử dụng chất nhưng không kiểm soát được

3. Dành phần lớn thời gian tìm kiếm, sử dụng và hồi phục sau sử dụng chất

4. Thèm muốn hoặc thôi thúc sử dụng chất

5. Không kiểm soát được những việc nên làm ở công sở, nhà hoặc trường học

6. Tiếp tục sử dụng mặc dù nó gây những vấn đề trong các mối quan hệ

7. Bỏ những hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giải trí quan trọng do sử dụng chất

8. Sử dụng chất lặp đi lặp lại dù nó gây nguy hiểm

9. Tiếp tục sử dụng, thậm chí khi biết có những vấn đề cơ thể hoặc tâm lý gây ra hoặc trầm trọng hơn do dùng chất

10. Cần sử dụng liều cao hơn để đạt hiệu quả mong muốn (dung nạp)

11. Xuất hiện các triệu chứng cai, các tiệu chứng giảm đi khi sử dụng chất.

Nếu có 2-3 triệu chứng: rối loại sử dụng chất nhẹ; 4-5 triệu chứng: rối loạn sử dụng chất trung bình; ≥ 6 triệu chứng: RL sử dụng chất nặng.

Ngọc Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ