• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bỏ lập vi bằng nhà đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng

Kinh tế 08/06/2018 13:52

(Tổ Quốc) - Vi bằng sẽ không còn giá trị pháp lý khi các giao dịch nhà đất gặp tranh chấp.

Người dân mua nhà ở tại TP.HCM. Ảnh Đình Dân

 

Sở Tư pháp TP.HCM vừa chỉ đạo các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP không lập vi bằng cho nhà, đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Theo đó, việc không lập vi bằng việc mua, bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền, lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật. 

Đồng thời, thừa phát lại cũng không được lập vi bằng để xác nhận sự kiện, hành vi liên quan đến đất đai, tài sản không có giấy chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu nhằm mục đích chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu. 

Khi lập vi bằng, thừa phát lại phải giải thích rõ, đầy đủ về giá trị pháp lý của vi bằng do thừa phát lại lập cho người yêu cầu lập vi bằng biết, tránh "ngộ nhận" vi bằng với văn bản được công chứng, chứng thực.

Hiện nay trên trang web của Sở Tư pháp TP.HCM và trang Facebook Thừa phát lại TP.HCM đã có phổ biến về giá trị vi bằng. Ngoài ra, sở cũng đã đưa vào mẫu vi bằng chung câu: "Vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ, không xác lập giao dịch" để khuyến cáo về mặt pháp lý cho người dân. Như vậy vi bằng sẽ không còn có giá trị pháp lý khi giao dịch xảy ra tranh chấp mà chỉ có giá trị làm chứng cứ.

Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết hiện nay trong bốn hoạt động thừa phát lại được thực hiện có hoạt động lập vi bằng. 

Vi bằng là văn bản có giá trị nguồn chứng cứ ghi nhận và chứng minh sự kiện, hành vi có diễn ra. Thừa phát lại không ghi nhận các bên có mua bán nhà đất bằng giấy tay hay chứng nhận hành vi, sự việc mua bán đó đúng hay sai. 

Khi lập xong vi bằng, thừa phát lại phải lên Sở Tư pháp TP đăng ký vi bằng đó nên Sở Tư pháp luôn kiểm soát chặt nội dung. 

Theo quy định, khi lập vi bằng, thừa phát lại phải giải thích cho người dân hiểu rõ về giá trị pháp lý của vi bằng. Tuy nhiên, thực tế nhiều thừa phát lại không giải thích hoặc giải thích không cụ thể chi tiết, đầy đủ về giá trị vi bằng cho người dân. 

Hoặc những người làm môi giới nhà đất ("cò" đất) cố tình làm cho người dân ngộ nhận về giá trị của vi bằng, dẫn đến nhiều hệ lụy pháp lý cho người dân.

Theo căn phòng luật sư Hà Hải (TP.HCM) thì có một thực tế tại nhiều quận, huyện vùng ven, điều kiện diện tích tách thửa để đăng ký quyền sử dụng đất khá lớn. Thu nhập của nhiều người lao động không đủ để mua nhà đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Do vậy, nhiều người dân chọn mua đất bằng giấy tay, sau đó nhờ thừa phát lại lập vi bằng chứng kiến việc giao nhận tiền. Có trường hợp thừa phát lại đã giải thích rõ giá trị vi bằng, nhưng người dân vẫn chấp nhận mua đất bằng giấy tay. Thực tế không có thừa phát lại chứng kiến, người dân vẫn thực hiện các giao dịch mua bán bằng giấy tay. Tuy nhiên, nếu có thừa phát lại chứng kiến, khi xảy ra tranh chấp, hợp đồng giấy tay bị tuyên vô hiệu, người mua sẽ có một nguồn chứng quan trọng để có thể khởi kiện đòi lại tiền từ người bán…

 

Đình Dân

NỔI BẬT TRANG CHỦ