• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nhiều thanh niên nông thôn tốt nghiệp ra trường gặp khó khăn

Thời sự 13/08/2018 13:27

(Tổ Quốc) - Sáng nay (13/8), sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến có trách nhiệm trả lời về việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục-đào tạo, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến. (Nguồn: VOV)

Tham gia tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Mở đầu buổi chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, vùng dân tộc thiểu số nước ta còn chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao 4 lần bình quân chung cả nước. Với trách nhiệm cơ quan tham mưu, những năm qua, nhất là đầu nhiệm kỳ, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu ban hành nhiều chính sách quan trọng, tổ chức quyết liệt và đạt kết quả bước đầu. Dù vậy, trách nhiệm của Uỷ ban và Bộ trưởng còn hạn chế, cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng sự mong đợi.

Trả lời chất vấn của ĐB Bùi Sỹ Lợi về việc cần phải làm rõ trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc trong việc giảm nghèo bền vững bởi đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho rằng, đây là nội dung có tầm chiến lược, là day dứt trăn trở của nhiều lãnh đạo và chính bản thân Bộ trưởng, Chủ nhiệm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đưa ra con số cụ thể, đó là hiện số người nghèo gồm 1,642 ngàn người, trong đó 52,66% là đồng bào dân tộc. Thu nhập bình quân chỉ được 7-8 triệu/người/năm với nhiều nhóm dân tộc ở nhiều vùng, bằng 1/5 cả nước.

“Tôi may mắn được công tác ở hai tỉnh miền núi nên nắm khá vững. Từ đầu nhiệm kỳ tham mưu với Chính phủ và phối hợp trong hệ thống tìm giải pháp. Uỷ ban tham mưu ban hành quyết định 2085 ngày 31/10/2016 về chính sách đặc thù nhằm giải quyết 4 vấn đề: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất. Kỳ vọng với giải pháp như vậy có thể đỡ phần nào, nhưng khi tổ chức thực hiện còn khó khăn và sẽ báo cáo rõ hơn về hiệu quả chưa đạt được.

Hỗ trợ giúp đỡ đồng bào là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Với trách nhiệm của mình, là cơ quan tham mưu chính, chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của mình và tiếp tục có giải pháp”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng đưa ra 6 giải pháp, gồm: Phát triển đồng bộ hạ tầng, là điều hết sức quan trọng như giao thông và thông tin; phát triển nguồn nhân lực và giáo dục đào tạo khu vực miền núi; tạo sinh kế, trong đó quan trọng là ổn định dân cư; tuyên truyền để bà con tự lực, tự vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.

“Tôi đã tham vấn một số nhà khoa học và lãnh đạo các cấp thì thấy rằng đồng bào cần tích hợp các chính sách thành Chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung chỉ đạo, nguồn lực, mục tiêu cụ thể và tiêu chí đánh giá”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc nói.

Tiếp tục trả lời câu hỏi của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về việc các dự án đầu tư cho khu vực dân tộc miền núi có nhiều nội dung chồng chéo, dẫn đến phân tán nguồn lực, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, hiện cả nước có 13 nhóm chính sách phân công cho 14 bộ chủ trì. Bộ đôn đốc còn địa phương tập trung triển khai. Do đó, tốt hay chưa tốt có trách nhiệm của Bộ nhưng vai trò chính là ở địa phương. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban đề nghị có nghiên cứu tầm quốc gia để giải quyết cho 14 triệu đồng bào có đời sống tốt hơn, bởi đây là vùng có vị trí chiến lược. Nếu tích hợp chương trình và có ban điều hành, theo dõi, đôn đốc thì sẽ hiệu quả hơn.

“Hiện Uỷ ban hoạt động là cơ quan ngang Bộ, không phải là Bộ nhưng thực hiện quản lý Nhà nước. Do đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất, nếu không thành lập được Bộ thì đề nghị cấp có thẩm quyền để Uỷ ban hoạt động trở lại đúng nghĩa là Uỷ ban”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nói.

Nhiều thanh niên nông thôn tốt nghiệp ra trường gặp khó khăn

Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung (Nguồn: NLĐ)

Cũng trong buổi chất vấn, ĐB Trần Văn Chiến (Vĩnh Phúc) đã đặt câu hỏi về giải quyết việc làm cho con em dân tộc thiểu số sau khi được đào tạo. Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nhiều thanh niên nông thôn tốt nghiệp ra trường gặp khó khăn.

Sau kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ LĐTBXH đã tăng cường liên kết các trường nghề với DN. Hiện có 116 chính sách khác nhau, trong đó có 7 chính sách hỗ trợ thanh niên dân tộc miền núi học nghề.

Bộ trưởng cũng cho rằng, làm tốt việc này là chủ trương đúng đắn. Vì thế, cần làm tốt 2 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt cần quan tâm đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm.

“Sau kỳ họp Quốc hội vừa qua, tỉnh Hà Giang đã liên kết nhà trường và DN và đến nay đã có 1900 học sinh, sinh viên chuyển sang làm việc. Tức là đào tạo theo đơn đặt hàng và doanh nghiệp sẽ nhận số học sinh, sinh viên này ngay từ đầu. Tỉnh Điện Biên cũng vậy. 

Ngoài ra, về chính sách xuất khẩu lao động cũng đã có nhiều hỗ trợ. Với khu vực miền Trung và Tây Nguyên làm tốt, nhưng với thanh niên khu vực miền núi phía Bắc còn gặp khó khăn. Sắp tới sẽ đào tạo dài hơn, yêu cầu thấp hơn, lựa chọn công việc phù hợp hơn và phù hợp tâm lý các em”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định./.

Hà Giang

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ