Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Ngành nông nghiệp Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các ngành kinh tế khác trong việc sử dụng nguồn lực, lao động, đất đai, nguồn nước...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ với báo giới nhân dịp năm mới 2019: 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nhìn lại thành quả vượt bậc của nông nghiệp Việt Nam với những con số ấn tượng nhất  - Ảnh 1.

- Năm 2018, nông nghiệp tăng trưởng ở mức cao và cùng với công nghiệp khai khoáng là hai lĩnh vực đóng góp chính vào tăng trưởng kinh tế cả nước. Xin Bộ trưởng cho biết "bí quyết" để tạo nên sự tăng trưởng này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP nông lâm thủy sản năm 2018 có bước tăng trưởng vượt bậc để lấy lại đà tăng trưởng phát triển cho ngành, tăng 3,76%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (Chính phủ giao chỉ tiêu GDP ngành năm 2018 tăng 2,8 - 3,0%), đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây.

Để đạt được kết quả năm 2018 là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giám sát của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành và địa phương, sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân, sự đồng hành của cơ quan truyền thông đã tạo đồng thuận cao trong xã hội, thống nhất hành động trong toàn ngành, sự sáng tạo, đổi mới trong điều hành và bứt phá trong hành động để phát triển nhanh và bền vững.

Một tín hiệu vui là 2 năm gần đây số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng gấp 3 lần, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp cả nước lên 9.235 doanh nghiệp "

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Sau 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản được mở rộng, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế. Nông lâm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 157,49 tỷ USD, tăng 51,2% so với giai đoạn trước.

Kim ngạch xuất khảu nông lâm thủy sản năm 2018 đạt trên 40 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017. 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó 5 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu một năm mà vượt đến 3,5 - 4 tỷ USD cho thấy, những định hướng và sự tập trung chỉ đạo cơ cấu lại ngành, cộng với nỗ lực của các thành phần kinh tế cũng như toàn dân đã và đang đi đúng hướng, tập trung khai thác lợi thế của đất nước.

Một yếu tố khác là thế giới năm nay tác động của thiên tai rất lớn, ở tất cả các châu lục, từ nước Mỹ cho tới Philippin, Nhật Bản và gần đây nhất là Indonesia. Nhưng ở nước ta, mặc dù thiên tai không khốc liệt như năm 2017, nhưng vẫn là năm diễn ra bất thường. Tuy nhiên với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết tâm cao theo phương châm 4 tại chỗ, đây cũng là năm chúng ta hạn chế được thiệt hại thấp nhất trong 3 năm qua. Thiệt hại về người, giảm 43% so với năm 2017 (386 người chết và mất tích). Thiệt hại vật chất năm 2018 là gần 20.000 tỷ đồng, bằng 33% so với năm 2017 (thiệt hại 60.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, với tình hình cụ thể, với diễn biến của biến đổi khí hậu thì chúng ta phải xác định không được chủ quan trong tình hình hiện nay.

-So với các lĩnh vực khác, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện vẫn còn thấp. Bộ trưởng có thể cho biết nguyên nhân và giải pháp nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực này trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyên Xuân Cường: Trước hết, nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ, chúng ta có 8,6 triệu hộ nông dân với gần 70 triệu miếng ruộng nhỏ - đó là một thách thức vô cùng lớn khi tổ chức lại một nền sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn. Trong khi đó, kinh doanh nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro do chịu tác động trực tiếp của nhiều nguyên nhân bất khả kháng như: thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các ngành kinh tế khác trong việc sử dụng nguồn lực, nhất là lao động, đất đai và nguồn nước...

Đây là những nguyên nhân dẫn đến đầu tư vào nông nghiệp còn thấp.

Tuy nhiên, có một tín hiệu vui là 2 năm gần đây số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng gấp 3 lần, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp cả nước lên 9.235 doanh nghiệp (Năm 2018, có 2.200 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, tăng 12,3% so với năm 2017) Nếu tính cả doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và doanh nghiệp thương mại hàng lương thực thực phẩm, số doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản là 49.600 doanh nghiệp. Lực lượng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Việt Nam đã tham gia chuỗi nông sản toàn cầu và đứng thứ 15 trong xuất khẩu nông sản. Như vậy, chúng ta có 2 thị trường rất lớn, đó là thị trường 7,5 tỷ dân của thế giới và thị trường gần 100 triệu dân trong nước với sức tăng trưởng kinh tế 6-7% và tỷ lệ cơ cấu tiêu dùng là 15%. Điều này cho thấy tiềm năng để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là rất lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nhìn lại thành quả vượt bậc của nông nghiệp Việt Nam với những con số ấn tượng nhất  - Ảnh 3.

Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chúng ta xác định doanh nghiệp là hạt nhân chính để cùng với các hợp tác xã, nông dân hình thành các chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, Chính phủ và các bộ ngành đã  và đang xây dựng, hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp. Nổi bật là Nghị định 57/2018/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP) về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính; giảm đầu mối kiểm tra chuyên ngành thông qua các Nghị định và Luật mới ban hành và cơ bản vượt kế hoạch Chính phủ giao. Những giải pháp này đã góp phần tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

- Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đặt ra cho nền kinh tế nước ta không ít thách thức, trong đó có ngành nông nghiệp. Bộ trưởng có thể chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong năm 2019?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai nền kinh tế có ảnh hưởng quan trọng trong thương mại toàn cầu, đồng thời hai quốc gia này còn là những đối tác thương mại rất lớn của nhau. Với Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc là những đối tác thương mại nông lâm thủy sản (NLTS) lớn nhất và đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Nông lâm thủy sản của Việt Nam có thể sẽ phải chịu sự cạnh tranh lớn tại thị trường trong nước với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc như thịt lợn, thịt bò, sữa, trái cây…"

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Hoa Kỳ và Trung Quốc chiếm khoảng 42% tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS của Việt Nam, và nhập khẩu từ 2 nước này chiếm trên 30% tổng kim ngạch nhập khẩu NLTS của Việt Nam. Trong giai đoạn 2010-2017, tổng thương mại NLTS của Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ tăng trưởng cao, đạt bình quân tương ứng 17,5%/năm và 12,2%/năm. Chính vì thế xung đột thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, mang lại cả những cơ hội và thách thức cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Về cơ hội, chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, có lợi thế như thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sắn sang cả Hoa Kỳ và Trung Quốc khi hai nước này đóng cửa với nhau, đồng thời mở rộng xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế như trái cây, lợn/thịt lợn, sữa sang thị trường Trung Quốc; Nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu đầu vào chất lượng với giá rẻ từ Hoa Kỳ để hạ giá thành sản xuất trong nước như đậu tương, ngô, gỗ nguyên liệu, phân bón (hữu cơ); Tiếp nhận các nguồn vốn FDI và KHCN tiên tiến khi dòng đầu tư nước ngoài từ các nước (Nhật Bản, Hàn Quốc…và cả Trung Quốc) sẽ chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Về thách thức, NLTS của Việt Nam có thể sẽ phải chịu sự cạnh tranh lớn tại thị trường trong nước (với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc như thịt lợn, thịt bò, sữa, trái cây…) cũng như tại thị trường Mỹ và Trung Quốc (như cạnh tranh về sản phẩm gạo, trái cây với Thái Lan tại thị trường Trung Quốc).

Nguy cơ cao trong gian lận thương mại khi các sản phẩm của Trung Quốc có thể "mượn đường", "mượn xuất xứ" của Việt Nam, rất có thể thông qua kênh đầu tư FDI của Trung Quốc tại Việt Nam để tuồn hàng vào thị trường Mỹ.  Từ đó, Mỹ có thể có những biện pháp kiểm soát và hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam khi có nghi ngờ gian lận thương mại.

Ngoài ra, thách thức còn đến trong trường hợp Mỹ, Trung Quốc có thể tạo áp lực mạnh yêu cầu "đánh đổi" hàng hóa trong đàm phán song phương về thương mại đối với Việt Nam khi chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào 2 thị trường này.

Cuối cùng, xung đột thương mại hai nước tác động mạnh đến sự biến động tỷ giá hối đoái và điều này chắc chắc sẽ gây lên sự bất ổn đối với kim ngạch xuất khẩu NLTS của Việt Nam.

Ngành nông nghiệp cần phải làm gì để biến những thách thức này thành cơ hội, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Những ảnh hưởng của xung đột thương mại Hoa Kỳ- Trung Quốc làm cho thị trường nông sản đã bất ổn lại càng biến động hơn trong năm 2019. Bên cạnh thách thức về thị trường, trong năm 2019 ngành nông nghiệp còn phải đối mặt những khó khăn thách thức khác từ biến đổi khí hậu, hạn hán, bão, lũ lụt được dự báo sẽ diễn ra bất thường và ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất. Bệnh dịch gia súc gia cầm, sâu bệnh cây trồng vẫn thường trực đe dọa với ngành và chúng ta không được chủ quan. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nhìn lại thành quả vượt bậc của nông nghiệp Việt Nam với những con số ấn tượng nhất  - Ảnh 5.

Trước những thách thức đó, chúng ta cần tiếp tục tập trung theo dõi và bám sát tình hình sản xuất cây trồng và vật nuôi, hạn chế ảnh hưởng của sâu bệnh tới cây trồng, tập trung chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, đặc biệt là Dịch tả lợn Châu Phi có khả năng cao xâm nhiễm vào Việt Nam, chuẩn bị và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp nếu có dịch.

Cùng với đó là theo dõi diễn biến thời tiết, mưa lũ, tình hình mực nước, dung tích các hồ chứa để có biện pháp chỉ đạo sản xuất linh hoạt hiệu quả và có biện pháp đối phó tình hình mưa bão chủ động;  Sẵn sàng chuẩn bị và triển khai các đề án thúc đẩy xuất khẩu cùng với bảo vệ thị trường trong nước khi xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, tập trung vào các ngành hàng như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, trái cây, thịt và sữa.

Ngành nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường, phát huy sản phẩm có lợi thế, có thị trường, gắn với công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu; Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế hợp tác, tăng cường liên kết chuỗi;  Khuyến khích đầu tư tư nhân, nâng cao hiệu quả đầu tư công; Đẩy mạnh ứng dụng KHCN, tạo giống mới chất lượng tốt, phát triển công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ…

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!