• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Tài chính bị đại biểu “quay” về vấn đề nợ công

Kinh tế 16/11/2017 09:51

(Tổ Quốc) - 8h22' sáng nay (16/11), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng bắt đầu đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Có 48 đại biểu đăng ký nêu câu hỏi với “tư lệnh” ngành tài chính. 

Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực của ngành tài chính trong thời gian vừa qua, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cũng cho rằng, những năm gần đây, khoản nợ gốc và lãi vay mà chúng ta phải trả đang tăng nhanh. Năm 2010 chỉ khoảng 100 nghìn tỷ đồng nhưng năm 2017 đã tăng lên 250 nghìn tỷ đồng. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Bộ trưởng Tài chính giải trình về những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn đảm bảo nguồn vốn để đầu tư cho phát triển.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn (Ảnh: Hà Giang)

Giải trình điều này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong bối cảnh nợ công tăng cao và áp lực trả nợ lớn, chúng ta phải có lộ trình để tránh bội chi trong áp lực nợ công.

Bộ trưởng cho biết, chúng ta đang kiểm soát nợ công chậm lại. Bộ Tài chính hiện đã có nghị quyết về tái cơ cấu ngân sách và đảm bảo an toàn nợ công bền vững, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, theo đó, giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công (trần không quá 65%; nợ nước ngoài không quá 50%).

Thời gian vừa qua Bộ đã triển khai uyết liệt nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý nợ công. Hiện Quốc hội đang thảo luận và sẽ thông qua Luật nợ công sửa đổi.

Bộ trưởng cho rằng, lúc này cần tập trung xây dựng vốn vay cho các dự án quan trọng. Ngoài ra cần xác định rõ mức bội chi ngân sách và lộ trình cắt giảm bội chi. Năm nay bội chi 3,5%. 2018 là 3,8%. 2019 xuống 3,6% và 2020 xuống 3%. Chúng ta sẽ tiếp tục siết chặt bảo lãnh Chính phủ. Năm ngoái gần như Chính phủ không bảo lãnh thêm dự án nào, đặc biệt là dự án của doanh nghiệp.

Hiện Bộ Tài chính xác định rõ bội chi và lộ trình cắt giảm bội chi ngân sách hướng tới năm 2018 giảm còn 3,7%; năm 2019 là 3,6% và 2020 giảm xuống 3,4%. Giải ngân vốn ODA ưu đãi trong giới hạn 300.000 tỷ đồng cả giai đoạn đến năm 2020.

“Có vấn đề phát sinh nhưng đến nay là năm thứ 2, đến năm 2018 vẫn nằm trong kế hoạch”, Bộ trưởng nói.

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đặt ra đối với các giải pháp để kiểm soát nợ công trong thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu, phải tập trung vốn vay vào những dự án quan trọng, an toàn và từng bước kiểm soát tốc độ tăng nợ công.

Cùng với đó là xác định rõ mức bội chi ngân sách nhà nước và hành trình cắt giảm bội chi, như đã trình Quốc hội, năm 2018 giảm xuống 3,7% và 2019 giảm xuống 3,6%...Việc giải ngân vốn ODA vay ưu đãi, hiện cũng đang kiên quyết thực hiện trong giới hạn Quốc hội thông qua.

“Đúng là có vấn đề phát sinh nhưng đến năm nay là năm thứ 2 và năm thứ 3 (2018) vẫn trong kế hoạch 300.000 tỷ (bội chi-PV) theo số Quốc hội đã thông qua. Một việc nữa là chú ý cân đối trả nợ đúng hạn.

Ngoài ra cần tăng cường minh bạch, hoàn thiện khung đấu thầu thanh tra. Thời gian vừa qua các ngành, thanh tra kiểm toán, kể cả tài chính, các cấp đã vào cuộc và xử lý”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói

Sáng nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn về các vấn đề: công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra; kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả .

Mặc dù đây không phải lần đầu tiên Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đăng đàn tại Quốc hội về các vấn đề này. Tuy nhiên, trong sáng nay, Bộ trưởng đã trả lời còn rườm rà khiến Chủ tịch Quốc hội phải nhắc nhở Bộ trưởng cần trả lời thẳng, gọn.

 /.

Hà Giang

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ