• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ VHTTDL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Khu nhà Vương

Thời sự 04/09/2018 17:59

(Tổ Quốc) -Vừa qua, Bộ VHTTDL đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến di tích quốc gia Khu nhà Vương, Hà Giang.

Theo đó, văn bản số 3996/BVHTTDL-DSVH do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký ngày 31/8/2018 gửi Thủ tướng Chính phủ có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục xử lý việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích Khu nhà Vương theo quy định của pháp luật sau khi tỉnh Hà Giang đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn.

Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và hướng dẫn tỉnh Hà Giang, dòng họ Vương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích để di tích trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân địa phương và con cháu họ Vương đang sinh sống tại khu vực.

Theo báo cáo, Bộ VHTTDL nhận được Công văn số 7786/VPVP-NN ngày 16/8/2018 của Văn phòng Chính phủ đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến di tích quốc gia Khu nhà Vương, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

 Việc xếp hạng di tích và đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích Khu nhà Vương nhằm gìn giữ và phát huy giá trị của di tích trong thời gian qua của Nhà nước là một chủ trương đúng

Quá trình xếp hạng di tích Khu nhà Vương

Ngày 19/6/1993, UBND tỉnh Hà Giang có Công văn số 169/UB-VX đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa nhà họ Vương (huyện Đồng Văn). Căn cứ giá trị di tích, tiêu chí xếp hạng di tích tại Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh (năm 1984), ngày 23/7/1993, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin đã ban hành Quyết định số 937/QĐ-BT xếp hạng di tích kiến trúc- nghệ thuật Khu nhà Vương. Việc xếp hạng di tích đối với Khu nhà Vương được ông Vương Quỳnh Sơn (thân sinh của ông Vương Duy Bảo- người gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ-pv) khẳng định là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Vào thời điểm đó, Bộ Văn hóa- Thông tin cũng khẳng định, việc xếp hạng di tích không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp.

Theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa, việc lập hồ sơ và xếp hạng di tích (cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt) dựa trên các giá trị về văn hóa, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật nhằm xây dựng các phương án bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo riêng có của di tích đó. Quyết định xếp hạng di tích không nhằm mục đích xác lập hay chuyển đổi quyền sở hữu tài sản trên đất và quyền sử dụng đất của di tích mà là cơ sở để xác lập trách nhiệm thực hiện gìn giữ, bảo tồn các giá trị (yếu tố nguyên gốc) và phát huy giá trị của di tích.

Báo cáo cũng chỉ rõ, năm 2002, tại buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Văn hóa- Thông tin, ông Vương Quỳnh Sơn có đề nghị một số việc: Khôi phục lại các hạng mục trong di tích và liên quan đến di tích trước đây; bồi thường cho gia đình các cây thông bị chặt hạ trong quá trình thi công đường dây điện và trồng mới thay thế các cây này để đảm bảo cảnh quan; không đặt lại vấn đề khôi phục nhà của ông Vương Chí Thành tại thị trấn Phó Bảng; sau khi tu bổ, tôn tạo di tích nên để 1-2 phòng cho gia đình có chỗ nghỉ ngơi khi về thăm viếng tổ tiên; việc đưa con cháu họ Vương ra ngoài khu di tích cần có sự bàn bạc thống nhất giữa chính quyền và dòng họ, có chế độ chính sách thỏa đáng; cần có một cuộc họp để dòng họ Vương bàn giao khu di tích cho chính quyền; đề nghị chính quyền huyện Đồng Văn tuyển 1-2 người là con cháu họ Vương làm nhân viên trông coi Nhà văn hóa huyện và làm một ngôi nhà nhỏ 2 gian gần Nhà văn hóa cho những người này ở để tiện trông nom Nhà văn hóa; đề nghị chính quyền địa phương tuyển chọn một số con cháu họ Vương đi đào tạo chuyên môn về bảo tàng, sau đó tuyển dụng làm nhân viên giới thiệu khu di tích nhà Vương; đề nghị nhà nước cấp cho gia đình ông Vương Quỳnh Sơn 100 m2 đất ở Hà Nội để gia đình ông làm nhà ở, thay cho việc ở nhà công vụ.

Bên ngoài Khu di tích nhà Vương

Bộ Văn hóa- Thông tin lúc đó đã Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1507/VHTT-BTBT ngày 9/4/2002. Những đề nghị nêu trên cơ bản đã được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện.

Khu di tích được bảo vệ và phát huy giá trị

Trước khi Khu nhà Vương được xếp hạng di tích năm 1993, hiện trạng di tích xuống cấp nghiêm trọng. Trong khuôn viên di tích có 6 hộ gia đình họ Vương sinh sống, ảnh hưởng đến mỹ quan di tích. Vì vậy, sau khi xếp hạng, ngày 30/10/2002, Bộ Văn hóa- Thông tin đã có Quyết định 3647/QĐ-BVHTTDL phê duyệt dự án đầu tư tổng thể tu bổ, bảo tồn di tích khu nhà dòng họ Vương với tổng mức đầu tư hơn 6,68 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện dự án trong 2 năm 2003- 2004, bao gồm các hạng mục: cổng thành đá; cổng nhà, hai dãy nhà ngang và nhà tiền dinh; hai dãy nhà ngang trước nhà chính dinh và nhà chính dinh; nhà bếp bên trái nhà chính dinh; chuồng ngựa, chuồng bò; hệ thống điện, nước, chống mối mọt…

Việc triển khai dự án này cũng được ông Vương Quỳnh Sơn đồng thuận. Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ kinh phí và đất di dời 6 hộ gia đình trong dòng họ Vương ra khỏi khuôn viên di tích để thực hiện dự án. Năm 2004, dự án hoàn thành, trả lại cho di tích sự khang trang, sạch đẹp.

Sau khi di tích được xếp hạng, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định số 3316/QĐ-UBND ngày 11/12/2006 về việc quản lý di tích lịch sử-văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Ngày 5/10/2007, UBND huyện Đồng Văn có quyết định số 1201/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ quản lý, bảo vệ, bảo quản khai thác di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương. Tổ quản lý di tích có 5 thành viên, trong đó 3 thành viên là dòng họ Vương. Về cơ bản, di tích được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị tốt, ngày càng có nhiều du khách đến tham quan.

Giải quyết dứt điểm kiến nghị của ông Vương Duy Bảo

Ngày 30/7/2018, Bộ VHTTDL nhận được đơn thư của ông Vương Duy Bảo liên quan đến di tích Khu nhà Vương. Theo báo cáo cho biết, các nội dung liên quan đến việc xếp hạng, quản lý, phát huy giá trị di tích đã được Bộ Văn hóa- Thông tin trước đây và Bộ VHTTDL hiện nay giải quyết.

Khu di tích nhà Vương đã được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị

Tại buổi làm việc ngày 10/8/2018, cá nhân ông Vương Duy Bảo cũng đồng thuận với giải quyết của Bộ VHTTDL. Đối với đề nghị giải quyết, trả lại quyền sử dụng đất gắn với Tòa dinh thự họ Vương, các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL đã làm việc với ông Vương Duy Bảo và thống nhất đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Hà Giang. Bộ VHTTDL đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Hà Giang xử lý, giải quyết.

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất Khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương được cấp cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn.

Bộ VHTTDL khẳng định, việc xếp hạng di tích và đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích Khu nhà Vương nhằm gìn giữ và phát huy giá trị của di tích trong thời gian qua của Nhà nước là một chủ trương đúng, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước ta đối với việc gìn giữ và phát huy giá trị kiến trúc- nghệ thuật Khu nhà Vương. Tuy nhiên, vừa qua đã để xảy ra sơ xuất trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn.

Để giải quyết dứt điểm vụ việc này, ngày 29/8/2018, Bộ VHTTDL cũng đã có đoàn khảo sát và làm việc tại Hà Giang do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện một số công việc: Nhanh chóng giải quyết những kiến nghị của ông Vương Duy Bảo trong việc quản lý, chống xuống cấp di tích. Có kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng định kỳ, thường xuyên các hạng mục công trình thuộc khu di tich.

Về lâu dài, chính quyền địa phương cần có kế hoạch quản lý tổng thể khu vực phía trước Khu di tích Nhà nước và một số hộ dân đang sinh sống trong khu vực bảo vệ II của di tích.

Quy chế quản lý di tích nhà Vương đã được ban hành từ năm 2007, đến nay cần được rà soát, nghiên cứu bổ sung theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý di tích trong giai đoạn mới./.

 

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ